ảnh minh họa
1. Di tích đền Hùng
Đền Hùng thuộc xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, Phú Thọ. Nơi đây vừa là thắng cảnh đẹp, vừa là một di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quan trọng đối với người Việt Nam. Các ngôi đền nằm trên núi Nghĩa Lĩnh trông xa giống như đầu Rồng hướng về phía Nam, phong cảnh ngoạn mục hùng vĩ, đất đầy khí thiêng, sơn thủy hội tụ.
Đền Hạ được xây dựng vào thế kỷ 17 theo kiểu chữ nhị gồm hai tòa, mỗi tòa 3 gian. Tương truyền nơi đây mẹ Âu Cơ sinh bọc trăm trứng, nở thành 100 người con. Ngay bên phải đền Hạ là chùa Thiền Quang với kiến trúc chủ yếu là cột gỗ có đá kê. Chùa được xây dựng vào thời Lý và thời Trần và được xây dựng lại vào thời nhà Lê, trước cửa chùa có cây thiên tuế khoảng 700 năm tuổi.
Ngôi đền Trung được xây dựng trên núi Nghĩa Lĩnh. Tương truyền nơi đây các vua Hùng thường họp bàn việc nước. Đền Trung cũng là nơi vua Hùng thứ 6 nhường ngôi cho Lang Liêu, đã có công làm ra bánh chưng, bánh giày. Tiếp đến là đền Thượng được làm theo kiểu chữ Vương. Phía trước đền có bốn trụ cột được trang trí, điêu khắc lưỡng long chầu nguyệt. Đây là nơi các vua Hùng thường làm lễ tế trời đất, mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, muôn dân được ấm no hạnh phúc.
Du khách đến đây còn được thăm lăng vua Hùng được xây bên trái phía trước đền Thượng, hình vuông, có cột liền tường, tám mái có đao cong. Tương truyền đây là mộ vua Hùng thứ 6. Du khách đừng quên dừng dân ở khu đền Giếng được xây dựng vào thế kỷ 17 ở chân núi phía Nam Nghĩa Lĩnh, gồm 3 lớp nhà và hai nhà oản hai bên. Trong đền có giếng Ngọc, đây là nơi hai nàng công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa thường soi gương, chải tóc, nước giếng trong và không bao giờ cạn.
2. Di tích đền Mẫu Âu Cơ
Cách Hà Nội khoảng 70km, đền Mẫu Âu Cơ được xây dựng vào năm 1475 trên một gò đất cao, giữa khoảng đất rộng thoáng của cánh đồng. Ngôi đền nằm dưới gốc đa cổ thụ, quay mặt về phía Nam, sau lưng có sông Hồng uốn khúc bao bọc, cây cối xanh tốt. Trong đền có nhiều bức trạm gỗ quý giá, có giá trị mỹ thuật điêu khắc, có các tượng c ổ có giá trị mỹ thuật. Đây là di tích thờ quốc Mẫu quan trọng trong hệ thống di tích lịch sử của tỉnh Phú Thọ. Hàng năm, lễ hội được tổ chức chính thức vào ngày 7 tháng Giêng. Mở đầu lễ hội là tế lễ thành hoàng ở đình Đức Ông, sau đó rước kiệu vào đền quốc Mẫu. Người dân sẽ dâng hương và lễ vật gồm 100 cầu bánh ngọt, 100 phẩm oản và hoa quả. Sau đó đội nữ quan gồm 12 cô gái thanh tân tiến hành lễ Mẫu theo nghi thức truyền thống.
3. Vườn quốc gia Xuân Sơn
Ngoài những di tích lịch sử, du khách đến Phú Thọ có thể tận hưởng cảm giác yên tĩnh, tận hưởng không gian trong lành khi đến vườn quốc gia Xuân Sơn thuộc huyện Tân Sơn. Nơi đây có hệ thống đa dạng sinh học được bảo tồn với 1217 loại thực vật, trong đó có 665 loài cây thuốc, 300 loài cây rừng có thể làm rau ăn, có các loại thực vật bậc cao như re, dẻ, sồi, vá, táu muối, chò chỉ, kim dao...
Rừng chò chỉ Xuân Sơn được đánh giá là một trong ba vườn quốc gia đa dạng nhất Việt Nam, có nhiều cây cổ thụ. Vườn quốc gia có 365 loài động vật trong đó có 46 loài ghi trong sách đỏ thế giới, có loài cá cóc bụng đỏ là loại quý hiếm. Ở đây còn có hệ thống hang động đá vôi rất phong phú và đa dạng, có nhiều mặng đá, nhũ đá và cột đá đẹp. Ngoài ra hệ thống thác nước trong vườn được tạo ra bởi các con suối đổ từ trên núi xuống rất đẹp như thác Xoan, thác Kẹm... với những thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tuyệt đẹp.
4. Đầm Ao Châu, đầm Vân Hội
Với diện tích trên 300 ha nổi lên giữa một vùng đồi trung du tạo nên 99 ngách ăn sâu vào một vùng đồi, gò rộng lớn, nước trong đầm luôn trong xanh và sạch. Những quả đồi đất nổi lên giữa đầm nước mênh mông được trồng các loại cây bản địa như chè, cọ, đặc biệt là các đồi vải chín đỏ vào mùa hè tạo nên những bức tranh sơn thủy tuyệt đẹp. Du khách đến đây được tận hưởng một không gian trong lành, mát mẻ. Khu này đã được quy hoạch thành một khu du lịch sinh thái với các khách sạn sang trọng, khu nghỉ dưỡng với các trò chơi giải trí như bơi thuyề, đua thuyền trên mặt đầm.
Cũng nằm ở huyện Hà Hòa, còn có đầm Vân Hội nước rất trong và sạch. Xung quanh đầm có hệ thống núi, đồi, rừng bao bọc tạo nên cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và thơ mộng. Trên mặt đầm có nhiều đảo nhỏ với các loại cây phong phú tạo nên khung cảnh sơn thủy hữu tình.
5. Thác Cự Thắng
Thuộc xã Cự Thắng, huyện Thạch Sơn, thác Cự Thắng có chiều cao 10 mét, nước chảy với lưu lượng ổn định quanh năm, dưới chân thác nước trải rộng và trong. Xung quanh khu vực thác và dọc theo suối là rừng cây xanh tốt và các bãi đá cuội tạo nên cảnh quan đẹp. Thác Cự Thắng là một điểm đến nghỉ ngơi lý tưởng vào những ngày nghỉ mùa hè, giúp du khách quên đi những mệt mỏi ưu phiền của cuộc sống sau khi được đắm mình vào dòng nước trong mát lạnh và khung cảnh thiên nhiên hoang sơ.