Chùa Bút Tháp với kiến trúc cổ kính và trang nghiêm
Kiến trúc độc đáo Nằm dưới chân đê của con sông Cầu thơ mộng, chùa Bút Tháp hiện lên với vẻ cổ kính và trang nghiêm. Chùa Bút Tháp có tên chữ là Ninh Phúc Tự, được xây dựng từ thời vua Trần Thánh Tông theo kiểu “ nội công ngoại quốc” với một hệ thống các công trình hài hoà, cân xứng và sinh động.
Mỗi một công trình kiến trúc là một tác phẩm nghệ thuật khéo léo với các hoạ tiết trang trí được làm bằng các chất liệu phong phú và đa dạng như đá, gỗ, gạch. Nó thể hiện sự kết hợp hài hoà giữa kiến trúc và môi trường thiên nhiên.Nối giữa thượng điện và tích thiện am là chiếc cầu đá cong bắc ngang hồ sen. Cầu dài 4m gồm 3 nhịp uốn cong vồng. Mặt cầu lát đá xanh, hai bên cầu có 12 bức phù điêu đá chạm chim muông, hoa lá công phu, tinh xảo...Từ thượng điện, đi qua cầu đá là đến Tích thiện am. Tòa tích thiện am, như tên gọi có nghĩa là chứa điều lành, xây dựng từ năm Tân Dậu (1681) đến năm Tân Mùi (1691). Trong tích thiện am, có tòa cửu phẩm liên hoa - tháp bằng gỗ, 9 tầng, 8 mặt. 9 đài sen tượng trưng cho 9 cấp tu hành chính quả của Phật giáo. Không chỉ thế, với 26 bức tranh được chạm khắc đá xanh bạc theo nhiều chủ đề khác nhau từ trời mây, hoa lá đến chim muông, muôn thú. Đây được xem như là biểu tượng của Tứ linh, Tứ quý, đồng thời hàm chứa ý nghĩa Phật đạo sâu sắc.
Cổng vào chùa Bút Tháp
Đặc biệt chùa Bút Tháp còn có một báu vật cổ, được xem là độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Đó chính là tượng Phật nghìn mắt, nghìn tay. Tượng cao 3,7m, ngang 2,1m, có 11 đầu, 46 tay lớn và 954 tay nhỏ, dài ngắn khác nhau. Đây được coi là một kiệt tác về tượng Phật và nghệ thuật tạc tượng, được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2012. Tượng được đặt trên tòa sen rồng đội, với dáng hành đạo, thư thái.Điểm du lịch tâm linh hấp dẫnVới một hệ thống các công trình được gắn kết và bố trí hài hoà theo hướng Nam - hướng theo quan niệm dân gian của người Việt (trục Bắc - Nam). Chùa Bút Tháp là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Pho tượng Phật nghìn mắt, nghìn tay tại chùa Bút Tháp
Đến với chùa Bút Tháp, du khách cảm nhận được một không gian tâm linh đầy huyền bí và trang nghiêm nơi cửa Phật.
Khuôn viên trước cửa chùa
Trụ trì, đại sư Thích Thanh Sơn cho biết: Những năm gần đây, khách thập phương đến lễ chùa rất đông. Riêng trong dịp đầu năm 2013, mỗi ngày chùa đón hàng nghìn khách thập phương, trong đó có khoảng 60 - 70 lượt khách quốc tế. Họ rất thích nghệ thuật kiến trúc tiêu biểu cho kiến trúc chùa vùng đồng bằng Bắc Bộ còn nguyên bản của chùa Bút Tháp. Tuy nhiên, đại sư Thích Thanh Sơn cũng trăn trở: “Rất mong các cơ quan chức năng tổ chức đào tạo chính quy cho thuyết minh viên về lịch sử văn hóa, cũng như các giá trị kiến trúc nghệ thuật nhằm giới thiệu cho khách trong nước và quốc tế hiểu rõ hơn những nét độc đáo của chùa.”
Tháp Báo Nghiêm
Dịp lễ hội chùa Bút Tháp, tổ chức thường niên từ 23 - 24.3 (âm lịch), với các hoạt động đậm nét văn hóa truyền thống, thu hút hàng vạn khách thập phương.