Từ thị trấn Cấm Xuyên nằm trên quốc lộ 1 và cách TP Hà Tĩnh khoảng 11km theo hướng Bắc - Nam, chỉ cần rẽ trái khoảng 10km, du khách sẽ đến biển Thiên Cầm, một khu du lịch biển đang bắt đầu hồi sinh sau nhiều năm bị lãng quên.
Khu du lịch biển Thiên Cầm - Ảnh: V.Định
Trước khi thả mình vào làn nước biển trong mát, du khách có thể leo núi ngắm cảnh sơn thủy hữu tình nơi đây tuyệt đẹp. Biển Thiên Cầm có núi, có sông, có đảo. Đứng trên đỉnh núi Thiên Cầm có độ cao 108m so với mực nước biển, du khách quan sát rất rõ toàn bộ quang cảnh. Biển Thiên Cầm có hình cánh cung, trông giống như cây đàn cầm, được chia ra ba bãi tắm với bờ cát trắng thoai thoải, mịn màng.
Có người ví bãi tắm ở đây giống như một đường cong gợi cảm của người thiếu nữ đang nằm ngủ quên bên bờ biển đầy thơ mộng. Trừ mùa mưa bão, nước biển Thiên Cầm lúc nào cũng xanh ngắt nhìn tận đáy. Phóng tầm mắt ra xa là thấy các hòn đảo nhỏ như Hòn Én, Hòn Bớ... đang nhấp nhô trên mặt biển trắng xóa. Quanh đó là những chiếc thuyền đánh cá gần bờ của ngư dân trông như những chiếc lá tre mỏng manh, dập dềnh trên những con sóng.
Ngoài ngắm cảnh biển tuyệt đẹp, du khách còn có thể ngắm khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ bao quanh như núi Đầu Voi, núi Cùm Nậy và núi Cùm Con... Người ta gọi những ngọn núi này như những phím đàn trời đang án ngự, nắn cho dòng sông Hội uốn lượn đổ ra biển hiền hòa, lặng lẽ. Hằng năm tàu thuyền xem đây là một cửa sông trú bão an toàn. Lên núi Thiên Cầm không chỉ ngắm cảnh mà du khách còn nghe những câu chuyện huyền thoại về bàn cờ tiên, giếng tiên và phiến đá có dấu chân người khổng lồ, dấu tích hang đá Hồ Quý Ly - nơi mà cha con vị vua này chạy đến trú ẩn sau khi thất thủ trong cuộc chiến chống quân Minh - còn sót lại...
Ông Nguyễn Trọng Dung, trưởng ban khu du lịch Thiên Cầm, cho biết bãi biển Thiên Cầm từng là một khu nghỉ mát thu hút du khách thập phương, nhưng qua thời gian bị tàn phá do chiến tranh, biển Thiên Cầm chưa được nhiều du khách phương xa biết đến. Mấy năm gần đây, tỉnh Hà Tĩnh bắt đầu quy hoạch, đầu tư, xây dựng hạ tầng với hệ thống nhà hàng và khách sạn mọc lên, khách du lịch đã bắt đầu tìm đến vùng biển “đàn trời” này.
Truyền thuyết kể lại rằng thời Vua Hùng thứ 13, khi qua đây nghe tiếng sóng biển, thông reo nhà vua ngỡ đây là tiếng đàn. Nhà vua liền lên núi quan sát, thấy vùng đất này giống chiếc đàn tì bà và hạ bút phê ba chữ Thiên Cầm Sơn. Từ đó người ta gọi bờ biển này là Thiên Cầm - nghĩa là “đàn trời”.
(Theo Tuổi Trẻ)
|