Được mệnh danh là nơi “đất võ - trời văn”, tài nguyên phát triển du lịch của Bình Định rất phong phú đa dạng, hứa hẹn một điểm đến mang lại nhiều cảm xúc, kỳ thú cho du khách. Song cho đến nay, du lịch của Bình Định vẫn chỉ ở dạng tiềm năng đang chờ khai phá.
Di tích lịch sử, cảnh đẹp của Bình Định đa số hội tụ vùng ven biển, tạo thành một chuỗi liên hoàn. Du khách có thể rong chơi ven Quy Nhơn - Sông Cầu rồi tắm biển, leo núi, thăm Quy Hòa - ghềnh Ráng Tiên Sa; du khách có thể lênh đênh trên biển thăm đảo Nhơn Châu, đến bán đảo Nhơn Lý thăm thủ phủ của loài chim yến quý giá; đi dọc bán đảo Phương Mai - Núi Bà lên thăm chùa Ông Núi; đến nghỉ dưỡng tắm khoáng Hội Vân, Chánh Thắng; thăm Tháp Chàm, thành Đồ Bàn và làng nghề đúc đồng, tiện gỗ, đập đá; tham quan các võ đường cổ truyền của Bình Định...
Có thể nói, Bình Định như một nàng công chúa xinh đẹp chưa được đánh thức để phô diễn vẻ đẹp rất riêng của mình.
Du lịch Bình Định còn nhiều bất cập, nên dù có nhiều lợi thế song đến nay Bình Định vẫn chưa có tên trên bản đồ du lịch quốc gia. Khu du lịch sinh thái Quy Nhơn - Sông Cầu bao năm rồi chưa quy hoạch được, nên ngoài Bãi Dài, các khu vực khác tư nhân chưa dám bỏ vốn đầu tư. Cơ sở hạ tầng, đường xá, điện, nước … chưa hoàn thiện nên các đối tác đến đầu tư còn e ngại.
Trên địa bàn tỉnh chưa có khu vui chơi, giải trí hấp dẫn du khách. Nhiều dịch vụ khác như leo núi thăm làng nghề, tắm biển, tắm nước khoáng, nghỉ dưỡng chưa hoàn thiện. Quy Nhơn hiện tại chỉ được coi là trạm dừng chân, khách đến Quy Nhơn chủ yếu nghỉ qua đêm.
Du lịch Bình Định lâu nay vẫn chỉ dừng ở mức tự phát với số lượng khách nhỏ lẻ, và mặc dù toàn tỉnh chỉ có 4 khách sạn 3 - 5 sao song chưa bao giờ sử dụng hết công suất phòng ngay trong mùa cao điểm.
Bình Định có nhiều sản phẩm, nhưng chưa tạo được hồn vía cho từng sản phẩm. Chẳng hạn như các hoạt động du lịch, dịch vụ ở Bảo tàng Quang Trung – một điểm đến tâm linh độc đáo và ấn tượng, vẫn còn đơn điệu, nghèo nàn. Xung quanh khu di tích không có dịch vụ ăn ngủ nghỉ phục vụ du khách. Biểu diễn võ thuật tại các võ đường chưa tạo ấn tượng cho du khách tham quan.
Hệ thống dịch vụ du lịch còn mỏng, số lượng khách sạn ít, phương tiện đi lại hầu như không có trong khi khoảng cách giữa các điểm du lịch lại quá xa. Công tác quảng bá còn yếu, hình ảnh, các điểm đến của du lịch Bình Định chưa đến được với công chúng rộng rãi.
Một khó khăn nữa của tỉnh đó là đường hàng không là cầu nối tối ưu nhất để đưa khách du lịch tới Bình Định, song hiện nay 1 ngày chỉ có 2 chuyến bay đi – đến Bình Định từ Hà Nội và TP.HCM. Giờ bay quá sớm hoặc quá muộn không thuận tiện và gây mệt mỏi cho du khách, giá vé còn cao khiến giá tour du lịch đến Bình Định bị đội giá cao.
Hơn bao giờ hết, Bình Định cần xây dựng một chiến lược phát triển du lịch đúng đắn, bền vững phù hợp với đặc thù của tỉnh, để du lịch cất cánh, phát huy hết tiềm năng sẵn có.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
|