Từ tháng 1 đến tháng 5, hoa anh đào lần lượt nở trên khắp đất nước Nhật Bản.
Ở Nhật Bản, hoa anh đào thường nở vào mùa xuân, tuỳ từng nơi mà hoa có thể nở sớm hơn hay muộn hơn. Phía nam Okinawa thời tiết ấm áp nên hoa anh đào ở đây nở sớm nhất, tiếp theo là ở vùng Kyush, Kantou, Shikoku, còn ở Hokkaido thì phải đến đầu tháng 5, hoa anh đào mới nở. Do vậy người yêu thích hoa anh đào có thể ngắm hoa theo hành trình đi từ nam lên bắc trong nước Nhật hàng tháng trời. Lễ hội hoa anh đào Nhật Bản thường được tổ chức cuối tháng 4 và đầu tháng 5 hàng năm.
Hoa anh đào có 3 màu là trắng, hồng và đỏ. Thời gian tồn tại của một bông hoa anh đào kéo dài từ 7 đến 15 ngày. Tùy theo từng chủng loại hoa và điều kiện môi trường thời tiết mà tuổi thọ của hoa anh đào khác nhau. Hoa anh đào có rất nhiều loại, từ loại hoa mọc dại trên núi cho đến những loại được lai tạo kỳ công để phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn của con người.
Loài hoa Someiyoshino có tuổi thọ 7 ngày kể từ ngày mankai (mãn khai, nở rộ) trong khi loài hoa Kanzakura nở và tàn lâu hơn chừng 10-12 ngày kể từ ngày mankai.
Một trong những loài hoa anh đào tiêu biểu ở Nhật Bản là Yamazakura, thường mọc ở phía Nam của núi Honshu. Nó còn có một tên gọi khác là Bạch Sơn Sakura. Khi hoa nở thì thường có màu trắng hoặc hồng nhạt và mùi hương khá đậm. Hoa nở cũng là lúc lá đâm chồi nảy lộc.
Loài hoa Oyamazakura thường mọc ở phía bắc của Honshū và vùng núi Hokkaido, còn có tên gọi khác là Hồng Sơn Sakura (Beniyama Zakura). Loại hoa này có màu hồng đậm, lá và hoa cũng to hơn so với Yamazakura. Oshimazakura có nhiều ở bán đảo Izu. Khi lá đâm chồi nảy lộc cũng là lúc hoa bắt đầu nở và cho mùi hương quyến rũ là đặc trưng của loại hoa này. Khi hết mùa hoa anh đào, người ta thường ngắt lá của loài hoa này ướp một chút muối và dùng để làm vỏ cuốn bên ngoài cơm nắm onigiri hoặc cuốn ngoài một loại bánh dày truyền thống của Nhật. Vì thế loại hoa này mới có tên gọi sakura mochi.
Loài Edohigan thì mọc ở vùng núi Honshū, Shikoku và Kyushu. Đặc trưng của loại hoa này là trước khi lá đâm chồi nảy lộc thì những cánh hoa đã vươn mình khoe sắc, chuyển dần từ gam màu trắng sang màu hồng nhạt. Thi thoảng chúng ta bắt gặp đâu đó bên những mặt hồ hay bờ sông có loài hoa rủ xuống yểu điệu, thì đó chính là một trong số những loài hoa này.
Hoa anh đào trước cổng một ngôi chùa tại Kyoto. Ảnh: Sakuraday.
Loài hoa Kasumizakura lại mọc rải rác ở các vùng núi từ Hokkaido đến Kyushū. Đặc trưng của loài này là có một lớp lông non bao phủ trên cánh hoa và lá, có lẽ vì thế mà nó có một cái tên khác là Mao Sơn (Keyamazakura). Loại hoa này khi nở cũng chuyển dần từ sắc trắng sang sắc hồng.
Loài Someiyoshino là loài hoa pha trộn đặc tính giữa hai loài Oshimazakura và Edohigan. Trên lá non và cánh hoa có lớp lông non bao phủ, khi hoa tàn mới là lúc lá đâm chồi nảy lộc. Hoa nở có màu hồng nhạt. Trong số các loài anh đào thì loại Someiyoshino được trồng nhiều nhất vì hoa nở trước rồi mới mọc lá. Cánh hoa cũng to hơn so với các loại khác và nhìn có vẻ đẹp quý phái. Hơn nữa loại hoa này sinh trưởng nhanh, chỉ khoảng 10 năm đã trở thành một cây lớn và cho hoa nở nhanh hơn loại khác.
Khắp nơi trên đất nước Nhật Bản đều có hoa anh đào, ở trong các công viên, ven sông, ven hồ, dọc theo bờ kênh, trong sân các ngôi biệt thự, ngôi đền, các lâu đài cổ kính, đặc biệt là ở núi Phú Sĩ.
Vào mùa hoa anh đào nở, du khách có thể ngắm nhìn hoa anh đào ở khắp mọi nơi. Với 30.000 gốc hoa anh đào bao quanh vùng núi Yoshinoyama, du khách đến đây vừa vãn cảnh, vừa được thưởng thức màu sắc tuyệt đẹp của hoa anh đào. Nơi đây nổi tiếng với những ngôi đền linh thiêng, cổ kính. Lâu đài Hirosaki có lịch sử 400 năm được bao bọc bởi 5.000 gốc đào.
Lễ hội thưởng hoa anh đào thường bắt đầu vào cuối tháng 4 hàng năm. Ảnh: Sakuraday.
Trong mùa hoa nở, công viên Ueno rộng 620.000 km2 hàng ngày đón tiếp khoảng một triệu người dạo chơi. Dưới tán hoa anh nở rộ, họ tụ tập thành từng nhóm, là gia đình, bạn bè quây quần sum họp. Trong mùa hoa anh đào nở, nước Nhật như được bao phủ trong một đám mây hoa và những cánh hoa rơi rụng lả tả trong gió như một trận mưa hoa vừa kiêu hãnh vừa bi tráng.
Người Nhật thường tổ chức lễ hội mừng hoa khắp nơi trên cả nước. Thanh niên nam nữ tổ chức cắm trại vui chơi. Các cụ già ngồi uống rượu sake dưới gốc cây. Nếu có một cánh hoa rơi rụng vào chén rượu thì mọi người thường hân hoan cho đó là điều may mắn.