ảnh minh họa
Gasshō-zukuri trong tiếng Nhật có nghĩa là chấp tay cầu nguyện, bởi vậy đặc trưng của phong cách thiết kế này chính là những ngôi nhà mái tranh có hình dốc xiên, trông giống như hai bàn tay đang cầu nguyện.
Phong cách xây dựng này xuất hiện chính bởi khí hậu khắc nghiệt trong vùng, đây là hai trong số những nơi có tuyết rơi nhiều nhất trên thế giới.
Những ngôi nhà được thiết kế theo phong cách gasshō-zukuri vô cùng chắc chắn, kết hợp với đặc tính của mái lá cho phép chống chịu được sức nặng của những đợt tuyết rơi dày trong mùa đông.
Phong cách kiến trúc truyền thống này đã tồn tại hàng trăm năm do vị trí hẻo lánh nằm ở phía thượng nguồn sông Shogawa. Vào thế kỷ 12, khu vực này thu hút những người còn sống sót của gia tộcTaira (Heike), sau khi họ bị gia tộc Minamoto (Genji) tiêu diệt trong một trận quyết đấu diễn ra năm 1185.
Lối sống văn hóa tại hai ngôi làng này vẫn không hề thay đổi trong suốt những thập kỷ qua, trong khi phần lớn các vùng đất khác đã phát triển theo hướng hiện đại hóa. Rất nhiều ngôi nhà trong khu vực này có tới 300 năm tuổi, thậm chí ngôi nhà lâu đời nhất trong khu vực được xây dựng cách đây 400 năm.
Những ngôi nhà gassho-zukuri thường có 3 đến 4 tầng được bao trùm bởi mái hiên thấp. Các tầng trên cùng của ngôi nhà được sử dụng cho trồng dâu nuôi tằm, tầng bên dưới là nơi sinh hoạt cho cả gia đình, còn tầng trệt được sử dụng để sản xuất tiêu thạch (một trong những nguyên liệu cần thiết cho việc sản xuất thuốc súng). Yếu tố quan trọng khi xây dựng những ngôi nhà gassho-zukuri là phải đảm bảo kín gió và giữ nhiệt tốt, cho phép người dân có thể nuôi tằm ngay cả trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của mùa đông.
Hai ngôi làng Shirakawa và Gokayama được toàn thế giới biết đến khi UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới vào tháng 12/1995.