Sau hơn 20 km đường đèo vắt vẻo quanh co và chìm trong sương mù từ thị trấn Bát Xát, chúng tôi đến được chợ Mường Hum thuộc huyện Bát Xát, Lào Cai trong buổi sáng chủ nhật đầu tiên của năm mới Giáp Ngọ.
Chợ Mường Hum (Bát Xát, Lào Cai) - Ảnh: Thảo Vy
Con đường vào chợ khá hiểm hóc với nhiều đoạn đèo dốc nhưng cũng luôn được nhiều du khách yêu thích với những vạt ruộng bậc thang trải dài bên những quả đồi vòng quanh. Dù không phải mùa lúa chín để thấy được hình ảnh những cánh đồng vàng óng nhưng chúng tôi vẫn có thể tưởng tượng ra một bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc như nhiều bức họa hay văn thơ đã từng mô tả.
Qua hết những quãng đường gập ghềnh, chúng tôi đã thấy chợ Mường Hum thấp thoáng xa xa. Phía bên ngoài chợ Mường Hum là những chiếc xe máy Minsk đặc trưng của người dân vùng núi. Bãi xe này trông không khác lắm với những bãi xe của các phố chợ đã khiến tôi có một chút thất vọng. Thế nhưng chút nỗi niềm này đã nhanh chóng tan biến. Cho dù không còn hình ảnh những chú ngựa gùi hàng trên lưng như trước đây nhưng với dòng suối trong vắt nằm sát chợ, mái nhà lô nhô thấp thoáng trong sương sớm cùng với những bộ váy áo sặc sỡ sắc màu đã tạo nên bóng dáng của một phiên chợ vùng cao Tây Bắc. Chợ phiên này chỉ họp vào sáng chủ nhật hằng tuần và kéo dài đến khoảng 2 giờ chiều. Từ những bản làng xung quanh, đồng bào các dân tộc Mông, Thái, Tày, Nùng, Hà Nhì, Dao đỏ... tụ tập về đây để trao đổi hàng hóa cũng như gặp gỡ, giao lưu. Hàng hóa được bày bán trên những tấm vải gai, bao ni lông hay thậm chí vẫn còn để trong những chiếc gùi trên lưng.
Mẹ con chị Sán hằng tuần cùng nhau đến chợ - Ảnh: Thảo Vy
Chị Sán - một phụ nữ người Mông với cô con gái 18 tháng tuổi xinh xắn - từ khi trời còn chưa tỏ đã cùng nhau ra chợ phiên Mường Hum. Người phụ nữ trông khá lớn tuổi này cho biết hầu như tuần nào cũng đưa con gái nhỏ đi chợ, còn con trai lớn với chồng thì lâu lâu mới đi một lần. Cô bé cứ tíu tít bên mẹ và nụ cười vui tươi thường trực trên môi nhưng lại hiếm khi cho người lạ chụp ảnh cùng. Hình ảnh của mẹ con chị Sán không quá xa lạ với phiên chợ vùng cao này khi rất đông các bà mẹ trẻ đến chợ với đứa trẻ nằm vắt vẻo trên lưng. Dù trời giá rét nhưng các bé vẫn ngủ ngon lành khi được quấn chặt trong chiếc chăn len. Phụ nữ, đàn ông và cả những chú bé đều vây quanh các gian hàng, từ quần áo đến thịt lợn, những chiếc vòng tay vòng cổ bằng bạc… Đông nhất là các sạp bán chỉ màu.
Những cuộn chỉ xanh, đỏ, tím, vàng, đen thu hút được các bà, các chị và các em xúm xít lựa chọn những cuộn chỉ màu để về thêu lên quần áo. Giá hàng hóa tất nhiên là khá rẻ so với dưới xuôi như khoảng 1 kg gừng chỉ có 10.000 đồng, 1 kg táo vườn ngon ngọt chỉ từ 15.000 - 20.000 đồng… Nhưng vẫn có những đồng bạc xòe, những chiếc vòng cổ được giới thiệu là làm từ bạc nguyên chất có giá lên đến cả triệu đồng/cái. Một người bán hàng cho biết những món hàng đắt tiền thường sẽ được những bà mẹ mua về làm của hồi môn cho con gái trước khi về nhà chồng. Ngoài việc mua các vật dụng hằng ngày, du khách cũng sẽ bất ngờ khi gian hàng bán điện thoại di động luôn đông nghẹt những cô gái, chàng trai vùng cao. Công nghệ cũng đã len lỏi đến tận đời sống của người dân tộc thiểu số ở những bản làng xa xôi.
Từng đợt gió se lạnh thổi qua nơi vùng Tây Bắc, dòng người vẫn tấp nập đổ về chợ. Những bộ váy áo màu đen xen lẫn màu đỏ, màu xanh cùng những chiếc mũ đỏ rực được trang trí bằng vô số đồng xu, khoen bạc hay những hạt nhựa được kết thành chùm lấp lánh trong cái nắng nhẹ mùa đông. Trong một góc chợ, các cô gái ngồi chia tiền với nhau khiến mọi người tò mò. Trả lời bằng tiếng Kinh không sỏi lắm, một cô gái cho biết đây là tiền làm công của những hôm trước và nay họ chia nhau để vào chợ mua hàng. Không biết tính công và chia như thế nào nhưng các cô cứ đếm mãi, chia thành từng phần nhỏ rồi lại nhập vào, chia ra… Có lẽ đến cả 1 giờ đồng hồ mà số tiền này vẫn chưa được chia xong.
Những người bán hàng ở chợ Mường Hum này cũng thuộc nhiều dân tộc khác nhau, trong đó người Kinh đến từ các vùng lân cận hoặc lên đây sinh sống làm ăn khá nhiều. Người bán, người mua, tiếng người nói chuyện với nhiều thứ tiếng khác nhau xen lẫn khắp nơi. Không nổi tiếng như chợ tình Sa Pa hay chợ phiên Bắc Hà, nhưng Mường Hum vẫn được xem như một trong những chợ phiên hiếm hoi tụ tập rất đông người dân tộc của vùng núi Tây Bắc. Ngày nay chợ phiên cũng không còn lưu giữ được nguyên vẹn bản sắc văn hóa của một phiên chợ vùng cao khi hàng hóa, cuộc sống của người Kinh đã tràn ngập mọi nẻo đường. Tuy nhiên với những món hàng đặc trưng như thổ cẩm, đồ chạm bạc, những búi tóc bằng sợi ni lông hay màu sắc của những bộ trang phục khác nhau cũng khiến du khách đến đây ngỡ ngàng, thích thú và ấn tượng.
Thảo Vi/TNO
Theo dulichvietnam.com
|