Tấm bia khắc dòng chữ Quảng trường Lê Duẩn. (Ảnh: Duy Trinh/Vietnam+)
Nằm ở ngã tư các phố Aivazovski, Yasnogorskaya, Tarusskaya và Litovski bulvar thuộc quận tây nam Yasenevo, quảng trường khiêm nhường nép mình giữa các tòa nhà cao tầng dọc phố Aivazovski. Ngày 14/6/1987, quảng trường được mang tên Lê Duẩn để tưởng nhớ nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tấm bia kỷ niệm bằng đá hoa cương đỏ do kiến trúc sư F.M. Gazhevsky hoàn tất đầu thập niên 1990 đặt giữa quảng trường, trông ra Litovski bulvar và Trung tâm thương mại Yasenevo.
Trên bia khắc dòng chữ bằng tiếng Nga: “Quảng trường Lê Duẩn: Tưởng nhớ nhà hoạt động nổi tiếng của phòng trào công nhân cộng sản quốc tế và giải phóng dân tộc, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, người bạn lớn của Liên Xô, 1907-1986.”
Có lẽ quảng trường được đặt tên như vậy là do những nỗ lực vun đắp cho tình hữu nghị bền chặt Việt-Xô của đồng chí Lê Duẩn. Cũng có thêm một lý do khác, đó là vào thập niên 1980-90, khi rảo bộ dọc theo các bậc thang phía sau tấm bia lưu niệm, ta sẽ bắt gặp Rạp chiếu bóng Hà Nội.
Từ đây, ký ức cái thủa chúng tôi còn là những sinh viên được nhà nước cử sang Liên Xô học tập (1988-1994) lại ùa về. Số là khi đó, trong tòa nhà của Rạp chiếu bóng Hà Nội thập niên 1990 có một nhà hàng khá nổi tiếng của người Việt mang tên Cửu Long.
Thời đó, nổi tiếng nhất ở Moskva có 2 nhà hàng, một là nhà hàng Hà Nội nằm đối diện tượng đài Hồ Chí Minh và thứ hai chính là nhà hàng Cửu Long. Với lứa bọn tôi, đây là nơi được các đôi uyên ương lựa chọn khi làm lễ cưới để thết bạn bè và người thân một bữa ra trò.
Thời gian thấm thoắt trôi qua thật mau. Chúng tôi đã ngoài tứ tuần. Rạp chiếu bóng Hà Nội nay đã chuyển đổi công năng thành Trung tâm văn hóa “Cảm hứng” còn nhà hàng Cửu Long từ lâu đã không còn. Song những kỷ niệm thời trai trẻ đó không bao giờ phai nhạt khi chúng tôi trở lại nơi này.
Hai phóng viên chúng tôi tới quảng trường khi tiết trời thực sự đã chuyển sang đông, không còn ấm và ẩm ướt như những ngày cuối năm 2013. Nhiệt độ ngoài trời đã âm gần 20 độ, tuyến phủ trắng lối mòn, bám đầy trên hàng cây khẳng khiu trụi lá dẫn tới tấm bia vinh danh đồng chí Lê Duẩn.
Tuy nhiên, trong lòng, chúng tôi vẫn cảm thấy ấm áp vì ở đó có thể cảm nhận được sự tái hiện của lịch sử, của mối quan hệ lâu đời Nga-Việt