Du khách dừng chân tại Thác Nước thuộc địa phận xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn(Quảng Nam) trên cung đường Hồ Chí Minh
Thác Nước nằm trên cung đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn(Quảng Nam), cách thị trấn Khâm Đức(huyện Phước Sơn) khoảng 13 km về hướng Đông Bắc. Ẩn hiện giữa một khu rừng tự nhiên về phía Nam của dãy Trường Sơn, thác Nước còn giữ được nguyên vẹn vẻ hoang sơ, quyến rũ…
Nằm giữa một khu rừng, thác Nước đổ xuống như một dải lụa trắng giữa những thảm xanh. Khi chỉ còn cách thác chừng 50m là đã nghe tiếng nước đổ như một bản nhạc trữ tình êm ái. Càng tiến lại gần càng cảm nhận được vẻ hoang sơ của nó.
Đồng bào dân tộc bản địa Bh’noong sinh sống trên vùng đất này từ lâu đã xem thác Nước là biểu tượng của sự bất khuất, là sức mạnh của người dân miền sơn cước. Theo tiếng Bh’noong, thác Nước có nghĩa là hồn núi.
Bao bọc lấy thác Nước, ngoài rừng tự nhiên còn có một quần thể thực vật phong phú, kèm theo đó là rất nhiều loại hoa rừng, tất cả đều đẹp và cuốn hút như tranh vẽ.
Đến thăm thác Nước, khung cảnh hiện ra trước mắt bạn là dòng nước xõa mái tóc trắng xóa ngày đêm tuôn trào những dòng nước trong xanh và mát lạnh. Thác Nước sừng sững giữa mênh mang núi rừng. Những bọt nước trắng xóa tung đều va vào đá tạo nên những giai điệu khác nhau cho một trường ca giữa đại ngàn Trường Sơn.
Dòng nước từ trên cao dốc thẳng xuống thăm thẳm du khách không chỉ chiêm ngưỡng sự hùng vĩ của dòng thác mà còn có thể bổ sung kiến thức về những loài thực vật nơi đây. Sau khi ngước mắt đắm đuối ngắm độ cao của thác, du khách có thể hạ tầm nhìn xuống phía chân thác cạnh hồ có những tảng đá lớn trông như tấm phản. Qua sự bào mòn của nước và thời gian bề mặt những tảng đá trở nên bằng phẳng như một bàn cờ khổng lồ. Du khách có thể vừa ngồi nghỉ chân vừa ngắm thác.
Vài năm trở lại đây, thác Nước đã được huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) quy hoạch thành một khu du lịch sinh thái tổng hợp nên trong hành trình của những chuyến xe Bắc Nam dọc trên cung đường Hồ Chí Minh qua địa phận huyện Phước Sơn hoặc các tuyến du lịch khác.
Đây là đoạn đường để lại dấu ấn nhiều nhất nơi du khách trong hành trình chinh phục Bến Giằng (trung tâm hành chính huyện Nam Giang) và làng Rô(xã Cà Dy, huyện Nam Giang)-nơi đã từng được bà con Cơtu đùm bọc che chở cho đồng chí Tố Hữu và Huỳnh Ngọc Huệ khi vượt ngục Đăkglây. Khi đến đây, mọi người đều xem thác Nước là điểm dừng chân lý tưởng.
Sau khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thác Nước, du khách có thể ra các quầy hàng bán đồ thổ cẩm, các vật lưu niệm như túi thổ cẩm…Thỏa sức ngắm nghía và mua sắm các món quà lưu niệm. Tại đây bạn có thể thưởng thức sự hấp dẫn của món rau dớn với nhiều kiểu chế biến như: rau dớn xào tỏi, rau dớn luột. Đặc biệt, ở đây có cá Chiêng – một loài cá nước ngọt sống ở dòng con sông Cái được chế biến với nhiều món ăn hấp dẫn như: cá Chiêng um chuối, lẫu cá Chiêng…đi kèm với rượu tà vạt, tr’đin của đồng bào thì thú gì bằng.
Núi cao, những khu rừng nhấp nhô với các thảm thực vật đa sắc màu, góp phần tạo nên phong cảnh đẹp lạ lùng và cũng thật hiếm có của mảnh đất Phước Sơn mà từ bao đời nay tổ tiên người Bh’noong để lại và trong tương lai thác Nước thác sẽ trở thành điểm dừng chân lý tưởng lôi cuốn du khách trên chặng đường khám phá đại ngàn Trường Sơn.