Khoảng xanh trong thành phố
Mỗi vòng gỗ… một năm tù
Người dân Kuala Lumpur tỏ ra rất hãnh diện khi nói thủ đô của mình là “thành phố xanh”, “thành phố vườn”. Quả thật, ở Kuala Lumpur, người ta dành rất nhiều không gian cho cây cối. Cây leo lên ban công nhà cao tầng chất ngất. Dưới đất, chỉ khoảnh trống nhỏ bằng cái thúng thôi đã thấy có cây yên hàn mọc lên. Bên cạnh những tòa nhà chọc trời xám lạnh sắt thép có khá nhiều kiến trúc cổ kính, ẩn hiện trong miên man cây xanh.
Từ trên ngọn tháp truyền hình Kuala Lumpur cao 421m, nhìn xuống thành phố, thật mát mắt với những khoảnh rừng trong phố, xanh thẫm một màu… Ra ngoại ô, cây cổ thụ san sát hai bên đường. Anh Henry, hướng dẫn viên du lịch nghiêm giọng: “ở xứ Mã Lai, chớ có chặt phá cây! Tù luôn đó! Cứ mỗi vòng gỗ là một năm tù”.
Penang- cổ kính và hiện đại
Luật của Malaysia quy định: Nếu anh chặt phá, làm chết một cây xanh, thì cứ đếm vòng gỗ của cây ra mà phạt. Mỗi vòng gỗ phạt 10.000 ringgit tương đương với 3.000 USD. Nếu không có tiền nộp phạt, phải ngồi tù 1 năm, đừng “mơ” đến chuyện ân xá, giảm án gì hết.
Như vậy, nếu cây mà có 20 vòng gỗ tức 20 năm tuổi thì kẻ chặt cây sẽ ngồi tù 20 năm nếu không có 60.000 USD nộp phạt.
Luật nghiêm thế, cho nên cây xanh mới yên ổn mà tô xanh cho đô thị hiện đại trên khắp đất nước Malaysia.
Làm nên những đô thị xanh ấy, phải kể đến rất nhiều công viên được đầu tư đích đáng. Trong đó, có Vườn hồ (Lake Gardens) nằm ở phía nam Kuala Lumpur.
Vườn hồ
Gọi là Vườn hồ bởi ở đây có hồ nước nhân tạo, rộng gần 92 hecta, uốn mình quanh những bãi cỏ mướt xanh, những rừng cây cổ thụ, các công viên bướm, nai, chim. Bạn sẽ hoa cả mắt khi bước vào công viên bướm và có lẽ không đủ thời gian để mà chiêm ngưỡng chừng 6.000 con bướm thuộc hơn 120 loài. Công viên chim cũng vào loại lớn nhất Đông Nam Á, có hàng ngàn con chim đủ loại trên thế giới.
Đây được coi là lá phổi xanh của thành phố và là 1 trong những công viên cổ nhất Malaysia (được xây dựng năm 1880). Nơi đây, có hơn 15.000 cây thuộc 100 loài, đã được sử dụng để tái tạo khí hậu rừng mưa nhiệt đới của Malaysia. Đến Vườn hồ, bạn có cơ hội ngắm hơn 3.000 loài phong lan thuộc loại đẹp nhất thế giới và hơn 2.200 loài hoa sen. Riêng hoa dâm bụt, quốc hoa của Malaysia, cũng có tới hơn 500 loài nhiều màu sắc khác nhau.
Cây cổ thụ trong phố
Và chỉ cách Kuala Lumpur chừng 20 phút xe hơi là đến công viên Mines Wonderland với 400 héc ta cây xanh và hồ nước. Công viên này độc đáo ở chỗ có tuyết, có cả ánh nắng mặt trời và bãi tắm, tất cả ở cùng một địa điểm. Đến đây, bạn có thể chèo thuyền từ một vịnh nhỏ, bãi cát trắng xoá để vào một trung tâm thương mại sầm uất, hiện đại.
Cây đắt nhất thế giới
Cạnh tháp truyền hình Kuala Lumpur có cây cổ thụ tên Jelutong tuổi thọ đã trên 100 năm, thân to 5 người ôm không xuể, cao ngút. Anh Henry khẳng định: đây là cây đắt nhất thế giới. Vì khi xây tháp truyền hình, người ta phải di chuyển nó sang vị trí bây giờ với chi phí 430.000 ringgit, tương đương 145.000 USD, tính ra chừng 30 cây vàng. Hồi đó, Chính phủ Malaysia đã có quyết định khá “rắn”, nếu không di dời, bảo tồn được cây Jelutong thì không xây tháp truyền hình. Thế mới biết cây xanh đối với dân Malaysia quý giá đến thế nào!
Cây Jelutong và Henry
Và bây giờ, cùng với tháp truyền hình Kuala Lumpur, nơi có thể ngắm toàn cảnh thành phố, Jelutong thành “địa chỉ vàng” của du lịch Malaysia. Ngay dưới gốc cây là tấm biển đề lai lịch, gốc gác, công vận chuyển một cách tỷ mỷ… Chỉ 1 cái cây thôi, nhưng đó là cả 1 câu chuyện ứng xử với thiên nhiên, môi trường.
Lấy 4 vợ có sướng không?
Ở Malaysia có 3 sắc dân chính: người Melay bản địa, Ấn và Hoa. Chuyện hôn nhân là câu chuyện làm quà của anh chàng Henry dành cho du khách. Dẫn chúng tôi tham quan 1 ngôi nhà cổ của người Hoa ở George Town, Penang, Henry kể: Đêm động phòng hoa chúc của người Malaysia gốc Hoa, bao giờ dưới gầm giường cũng để 1 chiếc lồng gà, trong đó nhốt 1 đôi gà (trống, mái). Bà mẹ chồng thấy gà tao tác là hiểu vợ chồng đã hoà hợp, nếu thấy gà im thít thì bà lo ngay ngáy... Thấy đã "ngon lành", sáng hôm sau, bà thả đôi gà ra, nếu gà trống chạy ra trước, bà ta cười ha ha như trúng số. Cả nhà hoan hỉ vì tin là sẽ có cháu giai. Còn nếu gà mái le te chạy ra thì mặt bà chảy dài, buồn thiu vì đó là điềm báo đôi vợ chồng sẽ sinh con gái.
Còn người Melay thì kén vợ cho con cực kỳ kỹ lưỡng, nào ngoan hiền, đoan chính, nào nữ công, gia chánh thành thạo... Và không chỉ kén dâu mà còn “kén” cả bố mẹ, gia đình cô dâu nữa!
Người Melay có câu “Trước khi chọn cô dâu, hãy chọn cha mẹ đã”. Tìm hiểu kỹ rồi, nhà trai cử “sứ giả” đến kiểm tra lần cuối trước khi cầu hôn chính thức. Chuyến viếng thăm này có ý nghĩa rất quan trọng. Nếu “sứ giả” đến mà gặp cô gái đang tắm, hay đang rửa ráy thì họ cho đó là điềm lành, may mắn cho cuộc sống lứa đôi. Ngược lại, nếu cô gái đang nấu nướng trong bếp thì cần phải xem lại có nên kết hôn hay không vì đó là điềm không tốt.
Cả ở thủ đô Kuala Lumpur, lẫn ở Penang- hòn đảo nổi tiếng về du lịch của Malaysia, hiếm thấy cảnh dân tình ngồi ngàn ngạt ở quán rượu, cafe như ở ta. Tan tầm, các quán bia tìm mỏi mắt cũng chả ra đấng mày râu nào.
Henry tự hào về chuyện này lắm, anh ta thao thao quảng bá: “Đàn ông Malaysia yêu gia đình nhất thế giới!”. “Không tin thì nhìn vào quán bia ven đường kia, các quán bia vắng hoe nhá! Vì hết giờ công sở là họ về ngay với gia đình. Kể cả “sếp” có yêu cầu làm thêm giờ, trả lương 200%, người ta cũng chả màng. Cái lý của họ là: “Tiền kiếm cả đời, chả bao giờ đủ, còn thời gian cho gia đình thì luôn luôn thiếu!”.
Nghe đến đây, tôi bỗng ước, nét văn hóa này lan nhanh đến thành phố của tôi! Cô bạn đồng hành thốt lên: “Hay là kiếp sau, mình lấy chồng Malaysia nhỉ?”. Henry lên tiếng cảnh báo: “Nhưng đàn ông Malaysia (tất nhiên là đạo Hồi) được phép lấy tới 4 vợ đấy, chịu nổi không”?
Đương nhiên, theo luật, anh ta phải đủ tiền để chi phí cho các đám cưới vô cùng tốn kém của mình và lo chu toàn cho các bà vợ và đàn con trong tương lai. Nếu mua cho vợ thứ Tư một ô tô thì vợ thứ Nhất cũng phải 1 ô tô. Đưa cô vợ Ba đi du lịch Châu Âu thì các bà vợ khác cũng phải được đi đến nơi mà bà ta thích. Và quan trọng là anh ta cũng phải đủ sức khỏe “như hùm như hổ” đề làm 4 bà đều vui tối tối. Hỏi có 4 vợ liệu có sướng không?
Henry (người Malaysia gốc Trung Hoa) cười ngất “tận khổ chứ sướng nỗi gì”. Nhưng đó là quyền của người trong cuộc, quyền được “tận khổ”!
Cô bạn đồng hành của tôi suốt chặng đường về cứ ước kiếp sau được là phụ nữ Malaysia chỉ vì “chiêu” quảng bá của Henry: “Đàn ông Malaysia yêu gia đình nhất thế giới!”. Chả biết trên thực tế có bao nhiều phần trăm được như vậy!