3 kim tự tháp lớn ở Ai Cập.
Trong tiếng Ả Rập, Cairo là al-Qahirah có nghĩa khải hoàn, nằm ở thượng nguồn châu thổ sông Nile. Thủ đô Ai Cập là thành phố lớn nhất trong khu vực Trung Đông và châu Phi, được biết đến như thủ phủ của những tòa kiến trúc mái vòm tròn đặc trưng Hồi giáo.
Khi máy bay bắt đầu giảm độ cao để hạ cánh xuống sân bay Cairo, bạn đã có thể nhìn thấy kim tự tháp nằm ở ngoại ô khu Giza. Ngày nay, khu quần thể 3 kim tự tháp lớn và 6 kim tự tháp nhỏ đều đã bị hư hại nhiều do sự bào mòn của thời gian. Kheops là kim tự tháp lớn nhất, được xây dựng từ 2,2 triệu phiến đá lớn. Nhiều giả thuyết được đưa ra để giải thích cho quá trình xây kim tự tháp, nhưng chưa có lý thuyết nào hợp lý về cách người Ai Cập cổ sắp xếp những phiến đá khổng lồ thành các công trình vĩ đại đó.
Điểm đặc biệt ở kim tự tháp không phải chỉ ở nguyên vật liệu, quá trình xây dựng mà còn từ kiến trúc độc đáo. Bốn mặt chính của kim tự tháp quay về bốn hướng đông - tây - nam - bắc, có ý nghĩa tượng trưng cho các yếu tố cấu thành vũ trụ là Thiên Hỏa, Đại Thủy, Thần Phong và Thổ Mộc. Trên đỉnh của kim tự tháp nhìn xa hoặc từ dưới lên tưởng chừng như hình chóp nhọn kín, nhưng trên thực tế đều có lỗ hổng để ánh sáng có thể xuyên qua, chiếu lên những hình vẽ bên trên tường.
Trước đây kim tự tháp Ai Cập có mở cửa cho du khách vào tham quan phía bên trong. Gần đây chính phủ đã bỏ hình thức du lịch này. Hướng dẫn viên giải thích rằng trong kim tự tháp ngày nay đã không còn gì ngoài những hình vẽ cổ, qua thời gian đã xuống cấp và hư hại nhiều. Những câu chuyện về xác ướp và lời nguyền Ai Cập từ Internet lẫn người dân địa phương khiến du khách nửa tò mò thích thú, nửa dè chừng khi đến gần các cửa ra vào đã niêm phong kín của kim tự tháp.
Lữ khách trên lưng lạc đà.
Ngay kế khu quần thể kim tự tháp là tượng nhân sư, công trình điêu khắc nguyên khối trên đá vôi lớn và lâu đời nhất thế giới tính đến nay. Đã có nhiều vết rạn nứt và vỡ mất phần mũi cùng chòm râu đặc trưng, nhưng bức tượng nhân sư lớn trong khu quần thể Giza vẫn không mất đi vẻ uy nghiêm vốn có.
Các nhà khảo cổ học nghiên cứu Ai Cập cho rằng tượng nhân sư (The Sphinx) là biểu tượng của nền văn minh tôn thờ thần mặt trời. Hình ảnh các vị vua và nữ hoàng Ai Cập bên cạnh con sư tử đầu người quỳ phục là biểu tượng của sức mạnh và quyền năng tối cao của những người đứng đầu đất nước cổ đại. Ở góc máy xiên 45 độ so với tượng nhân sư, khách du lịch có thể chụp ảnh với toàn thể khối tượng và kim tự tháp lớn đằng sau.
Công trình tượng nhân sư chụp từ góc nghiêng.
Ngày nay, chính quyền thành phố Cairo đã mở rộng việc khai thác du lịch ở khu quần thể kim tự tháp bằng việc cho phép kinh doanh dịch vụ cưỡi lạc đà để thu hút khách du lịch. Với giá 50 bảng Ai Cập (khoảng 200.000 đồng), du khách có 30 phút ngồi trên lưng lạc đà, đi qua những khoảng trống mênh mông của cát và đất nện để ngắm nhìn toàn cảnh kim tự tháp từ góc nhìn của ngọn đồi Panorama.
Những chú lạc đà thuần chủng đi rất chậm rãi theo sự điều khiển thành thục của người cầm dây cương. Sau tiếng la hét lúc đầu của vài du khách sợ rơi xuống từ độ cao hơn 2 m từ trên lưng lạc đà, là tiếng cười sảng khoái và thích thú tan ra trong không gian rộng.