Già làng Plin giương cung trên đỉnh Langbiang. ảnh: H.T.N.
Đồng xanh là chốn đây…
Dưới những đỉnh núi chót vót của dãy Langbiang cao 2.163 mét quanh năm mây trắng phủ bồng bềnh như đắp chăn bông, từ xa xưa đồng bào các buôn làng Cil, Lạch cùng gốc K’Ho ở xã Lát, huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) vẫn thường tặng con gái đôi A Sêh (ngựa) làm của hồi môn khi đi bắt chồng. Thanh thiếu niên nào sinh trưởng từ nơi đây cũng quen cưỡi ngựa, nhà nào cũng nuôi ngựa để thồ nông sản qua các sườn đồi cheo leo. Chiếc nôi của loài ngựa cỏ trên cao nguyên Lâm Viên chính là xã Lát, còn dấu chân người Lạch hình tròn vì họ lên nương vào rừng đều trên lưng ngựa.
Trên ngọn đồi cắm dòng chữ Langbiang trắng xóa, mỗi bình minh đều lồng lộng dáng ngựa vằn gặm cỏ thanh bình cùng đàn ngựa đa sắc in đậm trên nền trời xanh thẳm. |
Già làng Krajan Plin đưa tôi lên ngọn Langbiang, giương cung cho biết trước kia muông thú còn nhiều, mũi tên này có thể bay trúng đích từ cách xa hàng trăm mét.
Bây giờ rừng đã xa nhưng Lát vẫn là xã còn nuôi nhiều ngựa cỏ nhất so với hàng xã các tỉnh Tây Nguyên, gần ba trăm trong tổng đàn ngựa khoảng một nghìn con ước tính cuối năm 2013 của tỉnh Lâm Đồng.
Nhiều đôi vợ chồng trẻ sống bằng vườn cà phê, thả rông những đàn ngựa hàng chục con thơ thẩn quanh năm trên các bãi cỏ ven hồ, tự do tung vó từ đồi này sang lũng khác. Mùa hè chúng duỗi cẳng dưới bầu trời đầy sao. Mùa đông, chiều xuống, chúng quen đường cũ nối đuôi nhau về gian chuồng được rải lớp lá dày, vừa là nệm ấm, vừa cho chủ thu làm phân xanh. Khi cần chủ ra gọi, ngựa sẽ ngoan ngoãn thồ phân bón ra rẫy, rồi cõng cà phê bắp lúa về nhà.
Trong nhịp sống thanh bình đó, Lạc Dương trở thành huyện duy nhất trên Tây Nguyên sở hữu môn thể thao độc đáo: đua ngựa không yên leo núi Langbiang! Đầu hè, các kỵ sĩ tháo yên, xếp hàng ngang trước vạch xuất phát dưới chân dốc, hiệu lệnh vừa phát lập tức nắm chặt dây cương thúc ngựa lao lên sườn dốc cỏ xanh. Cuộc đua mới đây hồi tháng 5/2013, kỵ sĩ K’Truik hào hoa đã về nhất trên lưng một chú ngựa vằn…
“Ngựa vằn” Langbiang
Mỗi thắng cảnh nổi tiếng ở Lâm Đồng đều có trên dưới chục con ngựa sạch sẽ chải chuốt, luôn trong tư thế sẵn sàng phục vụ. Tuyển khá kỹ là đội ngựa ở Thung lũng Tình Yêu, nơi riêng Lễ tình nhân 14/2/2013 số vé vào cửa đã kỷ lục tới 18 nghìn lượt khách/ ngày. Những ả ngựa hồng, ngựa tía được các chàng giám mã đẹp trai tháp tùng, theo sát canh chừng bảo vệ du khách chưa quen cưỡi, nhất là khi ngựa phải phi vòng quanh những khu vực trò chơi quá náo nhiệt, hoặc phát ra tiếng động lớn dễ làm ngựa giật mình hoảng sợ như đi xe lửa, tập trận giả, bắn súng sơn...
Kỵ sĩ Krông Á chuẩn bị đua ngựa. ảnh: H.T.N.
Các thác nước Cam Ly, Datanla, Prenn, Vườn hoa thành phố luôn sẵn có những chàng ngựa đẹp thắng vào cỗ xe trang trí rực rỡ mời chào du khách. Vậy mà nhiều người vẫn thích đi vòng, leo lên dốc núi Langbiang để được cưỡi… ngựa vằn!
Ai cũng biết ngựa vằn là loài thú hoang khó thuần dưỡng. Trên đồng cỏ châu Phi, ngựa vằn lao như xé gió. Là loại dai sức và khôn ngoan đã lắm phen đá vỡ cả hàm sư tử, hổ báo, hay dìm luôn kẻ thù truyền kiếp của mình xuống đáy sông sâu. Việt Nam mới ghi nhận có vài con ngựa vằn nhập về sở thú thành phố Hồ Chí Minh và bé ngựa vằn xinh xẻo ra đời giữa mùa thu 2012 ở vườn thú Đại Nam-Bình Dương.
Ấy thế trên ngọn đồi cắm dòng chữ Langbiang trắng xóa, mỗi bình minh đều lồng lộng dáng ngựa vằn gặm cỏ thanh bình cùng đàn ngựa đa sắc in đậm trên nền trời xanh thẳm. Khi bị các bé hỏi dồn: Đây có phải là ngựa vằn châu Phi không? Sao nó hiền quá zậy? Có chàng chủ ngựa ậm ừ đối phó, cũng có chủ ngựa thật thà tiết lộ: Ngựa… vẽ đấy!
Trong khi Hùng- chủ một con ngựa vằn cái 4 tuổi khá đẹp hay hét giá với du khách lơ ngơ nhất định không tiết lộ bí quyết, thì kỵ sĩ K’Truik sẵn sàng kể rành mạch. Ngựa cỏ nào cũng có thể “vào lò thẩm mỹ” thành ngựa vằn, nếu dáng thon đẹp và nền lông trắng tuyết hay vàng sáng. Chất liệu tô ngựa cỏ thành ngựa vằn là… thuốc nhuộm tóc nên mỗi tháng phải gia công một lần, dù quen tay cũng mất cả tiếng đồng hồ mới vẽ xong. Dù ngựa vằn dỏm đắt khách thì cả khu du lịch Langbiang vẫn chỉ có vài con. Ngoài nguyên nhân sắc vóc, còn có lý do các chủ ngựa biết… tôn trọng sáng kiến của người khác và biết yêu quý màu sắc tự nhiên của con ngựa mình nuôi. Như trường hợp Văn Thìn 7 năm trước rời xứ Bắc vào Lạc Dương dắt ngựa thuê, nay đã trở thành rể cưng của một gia đình người Lạch kiêm ông chủ của nàng ngựa ô Jimmy và bé ngựa cái Mymy. Mymy mới 3 tháng tuổi đã cao lộc ngộc theo nòi bố và đang dần đổi màu từ vùng mặt, “Tròn tuổi trở đi nó sẽ trở nên đen tuyền như mẹ”- Thìn đoán, đầy vẻ tự hào.
Bí mật thảo nguyên M’Đrăk
Trang trại Krông Á thuộc công ty cà phê Trung Nguyên nằm cách mặt Quốc lộ 26 khoảng hai mươi cây số, khuất sâu trong lòng thảo nguyên M’Đrắk, diện tích gần 600 ha lô xô đồi bát úp có rừng bao quanh. Chín năm qua, từ đây, đàn ngựa cao lớn, đẹp đẽ, đắt giá nhất trên Tây Nguyên ngày càng sinh sôi đông đúc. Đến nay đã được 116 con.
Vằn hay đốm đều do thuốc nhuộm tóc. ảnh: H.T.N.
Để nhập được những con ngựa thuần chủng Ăng Lê và nòi ngựa quý của Đức, Ả rập, Mông Cổ, chủ cà phê Trung Nguyên cùng cộng sự đã trực tiếp dự một phiên đấu xảo ngựa ở Úc để đấu giá từng con. Rốt cục, 28 con ngựa giá bình quân mỗi con cỡ 200 triệu đồng đã được đóng mỗi cặp vào một kiện gỗ lót xốp, lên máy bay về Krông Á. Nhóm kỹ thuật viên nuôi ngựa được truyền nghề bởi một chuyên gia người Pháp, ngày nào cũng cưỡi ngựa quần thảo để luyện gân cơ. Hễ ngựa ốm lại đón bác sĩ thú y từ Úc qua chăm sóc. Cỏ tự nhiên và cỏ giàu dinh dưỡng trồng mới được bón phân vi sinh cẩn thận trên nhiều quả đồi rộng 15 ha cho ngựa ăn. Số ngựa cỏ, ngựa lai đủ màu trên Langbiang mà nhìn thấy đàn ngựa Ăng lê thuần chủng ở Krông Á to lớn gần gấp đôi, có chàng cao tới mét bảy nặng bốn tạ, có nàng nặng tới gần nửa tấn, ắt không khỏi choáng ngợp.
Chín năm qua, đàn ngựa quý của Trung Nguyên chỉ trên chục con vài lần xuất trại để tham gia diễu hành trong lễ hội cà phê, hoặc lên Buôn Ma Thuột kéo xe đưa khách quý dạo phố. Cũng có chục con ngựa hay nhất được đăng ký lai lịch với Liên đoàn Ngựa quốc tế để có thể tham gia tỷ thí ở những trường đua lớn nhất khu vực, chuẩn bị cho kế hoạch mở trường đua ngựa ở M’Đrắk, cùng nuôi khát vọng mà ông chủ Trung Nguyên đau đáu về ngày Buôn Ma Thuột có thể trở thành thiên đường cà phê cho hàng tỉ tín đồ cà phê trên toàn thế giới.