Bồng bềnh trên mây. Ảnh: Thủy Trần.
Những ngày đầu xuân, tôi gói ghém hành lý vào đầy chiếc balo, cất theo chiếc bánh chưng, khoanh giò, chai rượu vang, cùng vô số những món đồ khác, theo chân chúng bạn, làm một chuyến Tây Bắc đón xuân trên con xe “cà tàng”. Mặc đến 2, 3 chiếc áo len, khoác trên mình 2 tấm áo choàng ngoài, đến khi như một con gấu bông vĩ đại mới sẵn sàng lên đường.
Đoạn đường dài của tôi bắt đầu từ Hà Nội đến Mộc Châu, 180 km nhưng cũng là đoạn đường lạnh nhất trên cả chuyến đi. Bởi Mộc Châu vốn đã lạnh hơn bất cứ nơi nào nên khi vượt đèo Thung Khe với mây mù giăng trắng trời làm mưa xuống, trời đã lạnh càng thêm buốt giá. Thời tiết giờ chỉ còn khoảng 3 độ. Xe đi chầm chậm trên những con đèo, không còn nhìn ra là đâu với đâu bởi mây mù làm mọi thứ đều trắng xóa, chỉ còn cách bám theo con lươn trắng giữa đường mà bò đi. Rồi bất chợt khi cơn gió vội vàng cuốn phăng những đám mây, hé lộ những bản làng im lìm bên đường và những cây mận nở trắng từ gốc đến ngọn, phất phơ trong gió. Háo hức, tôi quên cả lạnh, nhảy phắt xuống xe.
Một đám cưới của người Mông đang rộn rã tiếng khèn, tiếng trống. Người ta quây quần quanh bếp lửa hồng, vừa vui vẻ trò chuyện, vừa nướng thịt trên bếp. Lũ trẻ hây hây đôi má đỏ lựng vì rét, chơi trò kéo xe. Thấy chúng tôi co ro, họ nhường chỗ ngồi, để hơ đôi tay ấm bên bếp than hồng.
Hoa đào đã nở trong gió xuân. Từ Mộc Châu lên Sơn La, trời đã ấm hơn. Trên con đèo Pha Đin nổi tiếng, nắng vàng như mật ngọt rải khắp con đường. Tôi vào nhờ nhà bà con trên lưng chừng đèo, chuẩn bị bữa trưa đã mang theo sẵn từ hôm trước. Nào bánh chưng, nào gà, nào rau, nào rượu… vậy là cũng đủ đầy cho một mâm cỗ Tết. Trời xanh ngắt không một gợn mây. Bà con dân tộc tụ tập dưới hiên nhà, các chàng trai cô gái váy áo mới xúng xính, màu sắc sặc sỡ, rủ nhau chơi ném còn. Lũ trẻ líu ríu chơi đánh phết, đá cầu. Còn những cô bé cậu bé nhỏ tuổi hơn, bám váy mẹ. Bên cây mận nở trắng hoa, chú chim khuyên lảnh lót trên cành, vui chung với niềm vui. Đám đông mỗi lúc một đông hơn, bà con từ khắp nơi kéo đến vui chơi. Mê mẩn với váy áo một hồi, tôi vội tiếp tục lên đường, vượt đèo qua bên kia Lai Châu, trước khi trời sập tối.
Bé mặc đẹp, ăn bánh chưng, đi chơi Tết. Ảnh: Lam Linh.
Từ Lai Châu đến Sapa, con đường dài đầy ắp tiếng cười. Đâu đâu cũng nở trắng trời hoa mận và hoa đào rực rỡ trước mỗi hiên nhà. Mỗi làng bản đi qua đều khiến tôi muốn dừng lại. Tôi yêu nụ cười e ấp của cô gái trẻ đến tuổi cặp kê, hai má ửng hồng khi thấy người lạ chĩa máy ảnh về phía mình. Tôi yêu những đôi má nứt nẻ như bánh chưng rán của lũ trẻ, những ánh mắt hồn nhiên, trong trẻo. Tôi yêu những đôi bàn tay gân guốc trên gương mặt đã vẽ loằng ngoằng vệt thời gian của các ông cụ bà, nụ cười bỏm bẻm trên đôi mắt vẫn còn nhiều tinh nhanh. Và tôi yêu những đôi bàn tay khéo léo đã dệt nên những tấm váy rực rỡ, tưởng như cả mùa xuân đều về hội tụ trên chiếc váy yêu kiều của của gái Mông, gái Thái, gái Mường xinh đẹp khi diện xuống phố trong ngày xuân.
Xe vượt qua thung lũng mây. Đó là một khoảnh khắc tuyệt vời khác của cuộc hành trình dài đón xuân. Chúng tôi dừng lại, bắc bếp, pha chút cà phê và thả hồn mình với mây trời. Dưới thung lũng mây ấy, là những mái nhà ấm áp, những gian bếp đang thả khói lam chiều, là những đàn gà đang lục tục về tổ, tiếng mõ trâu lóc cóc, tiếng lũ trẻ í ới gọi nhau. Trên những thửa ruộng đầu xuân, những mầm mạ xanh mướt của một mùa lúa mới đã được gieo. Hoàng hôn rơi trên những bông lâu phất phơ.
Nhà nhà đón xuân. Ảnh: Lam Linh.
Chúng tôi đã có một chuyến đi du xuân dài 5 ngày như thế trong cảnh sắc tuyệt vời của mùa xuân. Mỗi ngày, xe chỉ đi chừng chưa đầy 100 km để mình có đủ thời gian vui chơi, thăm thú và thỏa sức với chiếc máy ảnh còi. Mỗi ngày, tôi lại khám phá thêm nhiều điều thú vị. Để trở về Hà Nội trong những ngày xuân, vội vã với guồng quay cuộc sống, thấy yêu thêm quê hương Việt Nam.