Cà phê phố cổ như một điểm sáng trên cao nguyên đá Đồng Văn.
Trên con đường Hạnh Phúc những ngày cuối năm tấp nập từng đoàn xe đưa khách du lịch miền xuôi về cao nguyên đá Đồng Văn. Do cách thành phố Hà Giang 145 km với những cung đường đèo khúc khuỷu, nên gần như chiều tối du khách mới đến đặt chân đến được thị trấn Đồng Văn, sau hành trình Quản Bạ - Yên Minh, khám phá Dinh nhà họ Vương và chinh phục cột cờ Lũng Cú.
Vốn đã biết bao trùm cái lạnh cao nguyên khi thị trấn nằm trên độ cao hơn 1.000 m so với mặt nước biển, nhưng cái giá giữa mùa đông sau khi mặt trời khuất núi khiến nhiều người phải rùng mình e ngại. Chỉ trong chốc lát, bóng tối đổ ụp toàn thị trấn. Trên khắp các con đường, bóng người và xe thưa dần, thế vào đó là ánh sáng mờ ảo của những quán nướng ven đường quốc lộ.
Đồ nướng ở Đồng Văn không nhiều và đa dạng như Sapa, chỉ có thịt xiên, xúc xích và ngô, khoai nướng, nhưng lại vô cùng thu hút bởi những lò than hồng lửa, điều đặc biệt hấp dẫn với tiết trời 6 – 7 độ ở đây. Mỗi quán lác đác vài ba người khách, túm tụm quanh bếp, người nướng, người hơ tay sưởi ấm, tiếng cười nói rộn vang cả góc đường.
Thị trấn Đồng Văn khá nhỏ, lại lọt thỏm giữa thung lũng bốn bề núi đá nên dạo một vòng là thuộc lòng các con đường. Khác với vẻ tĩnh lặng đoạn quốc lộ chạy qua thị trấn, khu phố cổ nằm ở bên trong lại có phần ồn ào và náo nhiệt hơn. Dưới ánh đèn vàng cao áp mờ sương, dãy nhà cổ nổi bật với những chiếc đèn lồng đỏ treo cao.
Khách du lịch theo đoàn buổi tối thường tập trung ở khu phố cổ này để giao lưu, đốt lửa trại, hát hò, những người đi đôi hay nhóm nhỏ lại chọn nơi đây để trò chuyện và cà phê. Hai dãy nhà cổ nằm vuông góc ngay sân trung tâm thị trấn là nơi ưa thích của những nhóm đi đông. Với kiến trúc đặc trưng của khu chợ xưa: cửa vòm ở hai bên hiên nhà cùng các cột chống và mái che, lại hướng mặt ra sân lớn nên những quán cà phê ở đây tạo không gian mở để giao lưu.
Tiếng khèn trong đêm Đồng Văn.
Vào những ngày cuối tuần, khách du lịch ra vào cà phê nườm nượp. Người bên ngoài tổ chức trò chơi, hát tập thể, người trong quán có thể vừa nhâm nhi cà phê, vừa cổ vũ theo. Xen lẫn những bài hát Kinh rộn ràng là tiếng khèn réo rắt và điệu múa uyển chuyển của cô gái Lô Lô. Dù chẳng thể hiểu hết những ngôn từ bài hát hay giai điệu bản khèn, nhưng người ta vẫn cảm nhận được tình cảm gần gũi và ấm áp qua tiếng vỗ tay.
Với những người thích không gian trầm lắng sẽ chọn cho mình một góc quán Cà phê phố cổ. Được xây dựng từ năm 1912, tuy trải qua nhiều thăng trầm cùng khu phố cổ, nhưng ngôi nhà vẫn còn gần như nguyên vẹn. Cũng như nhiều ngôi nhà cổ khác ở Đồng Văn, ngôi nhà này mang dấu ấn kiến trúc giao thoa Việt – Hoa với kiến trúc hai tầng cùng hành lang và lan can gỗ.
Không gian cà phê phố cổ.
Chỉ cách dãy nhà cổ phía trước mặt vài bước chân nhưng không gian bên trong quán Cà phê phố cổ hoàn toàn khác biệt, trầm mặc và vương màu hoài cổ. Tầng 1 là những bộ bàn ghế bằng tre đặt quanh các góc nhà, tầng 2 khu cà phê bệt, hướng nhìn thẳng ra khu phố cổ. Thứ ánh sáng chiếu rọi duy nhất ở đây phát ra từ những chiếc đèn lồng đỏ, kết hợp với màu gạch non chưa nung khiến không gian thêm phần bí ẩn.
Chọn cho mình một góc bàn có hướng nhìn ra khu cà phê phía trước để có một không gian riêng nhưng vẫn có thể hòa chung niềm vui đêm thị trấn. Trong hơi ấm của tách cà phê, người ta vẫn có thể cảm nhận cơn gió lùa qua từng ô cửa của ngôi nhà. Có tiếng người trò chuyện râm ran ở bàn bên cạnh, có tiếng khèn vọng lại từ xa, đêm phố cổ Đồng Văn quyến rũ người ta đến lạ.