Bắc ngang dòng sông Apeng hiền hoà, cầu Feng Yu là một trong những điểm nhấn của thị trấn Zhijiang, Trùng Khánh (tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc), bởi thiết kế độc đáo với mái che và thân hoàn toàn bằng gỗ.
Cây cầu biểu tượng cho vẻ đẹp của thị trấn Zhijiang và văn hóa kiến trúc của người Động. Ảnh: Hap/Quirky China News /Rex.
Thị trấn Zhijiang là một trong những nơi tập trung đông đảo dân tộc Động nhất với 50% trong tổng số 360.000 người và tạo nên cộng đồng đậm bản sắc tại Trùng Khánh, tỉnh Hồ Nam. Zhijiang có gạo thơm, rừng xanh rậm rạp, suối nước khoáng và nguồn thủy điện dồi dào. Khá nhiều điểm đến trong thị trấn mà du khách có thể tìm hiểu như trạm kiểm soát không lưu của lực lượng không quân Sino-US, quảng trường hòa bình, chùa Tianhou (Thiên Hậu) và tất nhiên không thể thiếu cây cầu có mái che bằng gỗ Feng Yu (Phong Vũ).
Nằm bắc ngang dòng sông Wushui ở đoạn khá hiền hòa, cầu được xây dựng từ năm 1591 (năm thứ 9 đời nhà Minh). Nhà sư Kuanyun đã đưa ra ý tưởng và thực hiện công trình đặc biệt này để tôn lên vẻ đẹp của vùng đất cũng như kết nối các đô thị. Từ khi hoàn thành, cầu luôn là huyết mạch giao thông giữa Hunan – Guizhou nhờ nằm trong vùng đất đông đúc cư dân, buôn bán và du lịch phát triển.
Trong lịch sử tồn tại của mình, Feng Yu như một chứng minh lịch sử cho những giai đoạn thăng trầm của tỉnh Hồ Nam và cả đất nước. Từng bị phá hủy vì những cơn lũ nặng nề và chiến tranh, cây cầu được xây đi dựng lại nhiều lần, lần gần đây nhất là đợt trùng tu năm 1999, khánh thành trở lại ngày 7/11 cùng năm.
Những lớp mái là điểm nhấn của cây cầu gỗ có mái che dài nhất châu Á. Ảnh: english.caixin.com.
Feng Yu còn được gọi là cầu Hoa, cầu May Mắn nổi bật ở hình dáng pha trộn giữa nét trang trí bố cục của người Động bản địa và kiến trúc hiện đại. Nhìn từ xa, cây cầu như một con rồng nằm vắt ngang dòng sông. Có khá nhiều thông số về chiều dài của cây cầu từ 250 m đến 303 m, chiều rộng từ 5 đến 12 m. Mái cầu được lợp ấn tượng với từng lớp 3 tầng cao dần đến chính giữa và vươn lên oai phong như một ngôi chùa. Buổi sáng sớm, Phong Vũ ẩn mình trong sương và ánh nắng ban mai tạo nên khung cảnh rất liêu trai.
Công dụng rất thực tế của cây cầu là để trú mưa trong những ngày dông bão và tránh nắng trong mùa hè oi ả. Ngoài tầng bê tông được làm mới theo lối hiện đại, toàn bộ công trình bằng gỗ kết nối với nhau bằng mộng và hoàn toàn không dùng đinh. Đây là cách truyền thống của người Động trong nghề mộc. Feng Yu được cho là cây cầu có mái che dài nhất châu Á và là di sản quý báu của vùng đất Zhijiang. Không may, ngọn lửa đã thiêu rụi gần như toàn bộ cây cầu ngoại trừ phần trụ bê tông để lại nhiều tiếc nuối cho người dân và các du khách đang háo hức được bước đi trong lòng công trình giàu thẩm mỹ này.