Cảnh sắc núi rừng của cao nguyên phía bắc tổ quốc với các địa danh Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ… thì nhiều người đã tới, nhưng không phải ai cũng có cơ duyên đi sâu vào các con đường nhỏ để ngắm nhìn cuộc sống bình dị đang trôi trong những thung lũng nhỏ khuất sau rặng núi cao.
ảnh minh họa
Phố Cáo là một nơi còn ít người lui tới, hiền hoà và bình yên, khuất nẻo và chưa mấy xáo trộn. Ở đây có cánh đồng tam giác mạch trải dài bao bọc thung lũng tới ngút tầm mắt và đều đặn những dãy nhà đất đẹp như cổ tích. Không nhà gạch, không mái đổ bêtông, những căn nhà đất của người Mông từ bao đời nay vẫn vậy, vừa vững chãi trải nắng gội mưa, vừa có chút gì bí hiểm sau những khuôn cửa tối và hàng tường rào đá xếp. Phía ngoài là chợ Phố Cáo, sâu phía trong là một cộng đồng người Mông khá sung túc hơn so với các đồng bào đang sinh tồn trên cao nguyên đá khắc nghiệt.
Tuy sung túc bởi cánh đồng tam giác mạch, ngô và chăn nuôi bò, heo, nhưng tuyệt diệu nhất là bản sắc của đồng bào Mông trong thung lũng vẫn còn đậm nét, dù rằng điện lưới đã toả về tới từng ngôi nhà xa nhất. Đều đặn chạy hai bên con đường nhỏ và toả về hướng chân núi là hàng chục, hàng trăm ngôi nhà tường trình, dưới nắng màu đất vàng rực lên sắc ấm, làm dịu lại cảm giác lạnh lẽo khắc nghiệt của những tường rào xếp đá và mái lợp ngói đen.
Dãy nhà tường đất vàng óng và cánh đồng tam giác mạch bao bọc thung lũng Phố Cáo có một sức hấp dẫn kỳ diệu với người miền xuôi. Bản thân việc xếp đá dựng tường của đồng bào Mông đã là lạ lẫm, bởi trên cao nguyên này, đá nhiều hơn đất trồng ngô, và suốt tháng này qua năm nọ, từng viên đá cứ thế mà xếp chồng lên nhau để tạo thành hàng tường bao vững chãi cho mỗi ngôi nhà. Các kỹ sư, kiến trúc sư trẻ ngày nay vẫn thường kinh ngạc trước sức bền của những bức tường đá xếp, cũng như vẫn thắc mắc về khả năng tồn tại của nhà tường trình, bởi chỉ bằng kinh nghiệm truyền đời, người Mông vẫn dựng cho mình những ngôi nhà đôi khi cao tới hai tầng, tường đất nện và hệ cột kèo chỉ là mấy thanh gỗ, không nền móng sâu, không bêtông kết dính, và qua thời gian chất đất càng để lâu càng cứng rắn như sành. Những mái nhà nghiêng dốc, bậc thềm đất nện cao, tường vách và khuôn cửa cùng quần tụ hướng vào khoảng sân chung, các đường nét đó gợi về hình thái trang ấp cổ xưa, nơi lưu giữ tập tục và thói quen sinh hoạt không pha trộn.
Mặc dầu chỉ cách trung tâm Đồng Văn hơn hai mươi phút chạy xe, nhưng Phố Cáo vẫn còn nguyên sơ. Trong thung lũng xanh mướt màu tam giác mạch này, ngồi trên bậc thềm của nhà đất cổ, cùng chủ nhà uống cạn bát rượu ngô, ngắm nhìn lũ trẻ chạy chơi ngoài sân, sẽ thấy vùng núi rừng Hà Giang còn biết bao điều thú vị đang chờ phía trước.