Vẻ đẹp thiên nhiên hoang dã và những vỉa đá lớn tại vịnh mở Great Australian Bight ở miền Nam Australia luôn làm cho du khách phải dừng bước.
65 triệu năm trước, dải đất Nullarbor từng thuộc Nam Cực. Ảnh: Aoch M Baron/Flick.
Vùng bờ biển phía Nam nước Australia như phần rìa của một miếng bánh quy khổng lồ bị bẻ ra. Đó là cách mô tả dễ nhất để bạn có thể hình dung về địa lý của Great Australian Bight thuộc bang South Australia.
Great Australian Bight là khu vịnh mở với dải đất trong bờ có bề mặt phẳng hướng mình ra đại dương mang tên Nullarbor Plain. Đây được xem là tảng đá vôi đơn lớn nhất thế giới phủ trên diện tích 270.000 km2 và trải dài khoảng 1.000 km từ Đông sang Tây. Vùng đất này bằng phẳng đến nỗi hệ thống ray xe lửa của hãng Trans Australian Railway “kẻ” một đường thẳng tắp 483 km.
Mảng đá vôi đơn lớn nhất thế giới Nullarbor Plain (màu đỏ) trên lãnh thổ Australia. Ảnh: wikimedia.
Tại nơi địa đầu này, những trận mưa rào khiến cho lớp đất thường bị xói mòn và lở nhẹ. Một vài nơi có hang động nằm dưới lòng đất cũng bị ảnh hưởng dẫn đến sự sụp đổ để lại các vết mẻ lớn. Khu vực Bunda Cliffs (những vỉa đá Bunda) kéo dài trên 200 km thuộc Nullarbor Plain gần như không có cây cối, đó cũng là lý do có tên gọi Nullarbor, trong tiếng Latin có nghĩa là “không có cây”.
Màu trắng tại chân vỉa đá là loại đá vôi Wilson Bluff. Đây là một trong những lớp nền cổ khi lục địa châu Đại Dương bắt đầu tách ra khỏi Nam Cực 65 triệu năm trước. Đá vôi Wilson Limestone dày 300 m nhưng chỉ một phần của Bunda Cliffs có thể nhìn thấy được.
Bên trên tầng đá vôi trắng là những lớp đá cổ màu xám, nâu hay đá kết tinh. Nhiều lớp bị dính với các thủy sinh hóa thạch gồm cả những loại trùng cổ, động vật thân mềm. Các lớp khác tạo nên từ trầm tích dưới biển. Trên cùng vỉa đá là mặt cát bị đóng cứng có niên đại khoảng 1,6 triệu năm đến 100.000 năm trước.
Những vỉa đá Bunda cao 60 – 120 m, thẳng đứng và có thể ngắm nhìn từ nhiều điểm dọc theo đường cao tốc Eyre (Eyre Highway) bắt đầu từ công viên quốc gia Eucla, tuyệt nhất có lẽ là quan sát từ trên cao bằng máy bay trực thăng.
Đường cao tốc Eyre (A1), huyết mạch giữa đông và tây của Australia chạy dọc theo bờ biển cách vỉa đá khoảng 1km bên trong đất liền. Con đường được đặt tên theo nhà khám phá đến từ Anh quốc Edward John Eyre. Ông đã cùng John Baxter và 3 thổ dân đặt chân đến vịnh Fowlers (Fowlers Bay) tháng 11/1840 trong nỗ lực tìm đến Albany, thành phố cảng phía Tây Australia. Họ đã đi dọc theo Nullarbor Plain và gặp vô vàn khó khăn vì thiếu nước, thực phẩm, thời tiết khắc nghiệt. 2 thổ dân nổi loạn bắn chết John Baxter rồi bỏ trốn. Eyre và người còn lại là Wylie tiếp tục hành trình của họ và hoàn thành cung đường vào tháng 6/1841. Đúng một thế kỷ sau, năm 1941, đường cao tốc Eyre được hoàn thành.
Với khoảng cách 85 km dọc theo đường cao tốc, có 5 điểm để nhìn ngắm những vỉa đá ấn tượng và đều có biển thông báo trước để du khách chuẩn bị dừng xe. Điểm dừng mang tên Bunda Cliffs Scenic Lookout Rest Area nằm cách đường cao tốc 1 km rất phổ biến với du khách bởi là điểm khá đẹp và an toàn để đi bộ ra sát vách đá. Nếu có GPS, bạn chỉ cần gõ tọa độ “S31.606409 E129.776568” để xác định vị trí.
Còn tại phía cuối bờ đông Bunda Cliffs là điểm dừng Head of the Bight nơi du khách có thể ở lại nhiều giờ thỏa thuê ngắm nhìn những chú cá voi Southern Right (cá voi Baleen) di trú từ rìa Nam Cực. Cứ đến mùa thu chúng lại quây bầy về để hưởng thụ làn nước ấm áp và sinh nở ngay gần bờ biển nam Australia. Những bầy cá voi sẽ ở lại vài tháng chờ cá voi con lớn lên trước khi tiếp tục chuyến phiêu lưu của riêng chúng. Vùng biển quanh Head of the Bight là nơi quan trọng bảo vệ cá voi Baleem nhằm giúp loài này có môi trường tìm bạn tình và duy trì nòi giống.
Những du khách thích thú ngắm nhìn những chú cá voi Baleen vui đùa trong tự nhiên. Ảnh: Caravanpark.
Để khám phá vẻ đẹp của những vỉa đá và loài động vật có vú lớn bậc nhất đại dương, bạn chỉ cần thuê một chiếc xe, lái dọc theo đường cao tốc Eyre. Từ trung tâm thành phố Adelaide, nam Australia đến Head of the Bight 1.066 km và đến Bunda Cliffs Scenic Lookout Rest Area 1.179 km.