Nổi tiếng với những cánh đồng chum huyền bí, thị trấn Xieng Khouang của nước bạn Lào nằm cách Nậm Cắn, Nghệ An, khoảng 150 km.
Cánh đồng trải dài, những chiếc chum kỳ lạ hiện ra với đủ vóc dáng to nhỏ không biết đã được đặt sẵn tự bao giờ.
Sáng: Nghĩa địa khổng lồ Cánh đồng Chum
Trời đất chiều lòng người khi cơn mưa đã tạnh ráo hé lộ những tia nắng ấm áp đầu tiên. Anh bạn lái xe biết lõm bõm tiếng Việt kiêm luôn hướng dẫn viên, dẫn chúng tôi đến với cánh đồng lớn nhất mà khách du lịch được phép đến tham quan. Chiếc xe nhảy chồm qua những con đường đất đỏ vẫn còn đọng nước mưa.
Những cánh đồng ở đây xanh màu cỏ non và rộng xa tít tắp. Đánh xe vào một điểm, anh chỉ cho chúng tôi đường vào cánh đồng với lời dặn dò rằng phải đi đúng vạch đường, trong khu vực hàng rào, tuyệt đối không được đi linh tinh...
Bám sát nhau, chúng tôi bước vào khu đồi.
Những chiếc chum với đủ mọi tư thế, kích thước và hình dáng, chất liệu. Có chiếc được làm từ đá cẩm thạch, chiếc lại làm từ đá vôi hay đá ong. Chiếc miệng lồi, chiếc miệng tròn và duy nhất một chiếc có nắp. Chiếc chum lớn nhất cao tới 2,5 m với tuổi đời ước tính 3000 năm.
Sau những tàn phá nặng nề của chiến tranh và thiên tai, vẫn còn khoảng 2.000 chiếc chum sót lại trên một khoảng đất rộng, trong đó rất nhiều chum đã bị vỡ hoặc nứt. Là khu vực từng bị rải bom dày đặc, đến nay những quả bom chưa nổ còn sót lại vẫn gây nên nhiều thương tích cho người dân trong vùng.
Giả thiết về một nghĩa địa chum có vẻ hợp lý khi ta tận mắt trông thấy toàn cánh đồng. Có cảm giác như những chiếc chum được thả rơi từ trên cao xuống để rồi khi tiếp đất không chiếc nào giống chiếc nào về thế đứng. Ai là tác giả của những chiếc chum này, được làm ra với mục đích gì... là câu hỏi mà các nhà khoa học chưa giải đáp được. Bởi vậy, dù đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, nhưng cánh đồng chum vẫn đang trong một bức màn bí ẩn.
Cánh đồng số hai và số ba có diện tích nhỏ và ít chum hơn, lại cách nhau khá xa. Đây là ba cánh đồng an toàn được phép đi tham quan trong toàn vùng.
Chiều: Cafe bom mìn
"Đặc sản" nổi bật của thị trấn Xieng Khouang là vỏ bom, mìn, lựu đạn và vỏ đạn. Chiến tranh đã để lại cho nơi đây hàng tấn vỏ của các chất gây nổ nguy hiểm, chưa kể rất nhiều quả bom khác chưa được tìm thấy ngoài cánh đồng xanh quanh mảnh đất này.
Bạn có thể nhìn thấy rất nhiều vỏ mìn, vỏ đạn được bày trong khách sạn hay những ngôi nhà ở Xieng Khouang.
Những chiếc vỏ mìn cao ngang đầu người đặt ngay bên ngoài cửa ra vào quán cafe là lời chào khách đơn giản mà hữu hiệu nhất. Phía trong quán bày rất nhiều vỏ đạn, lọ hoa nhỏ, lọ tăm được làm từ vỏ mìn. Trên tường là những bức tranh khổ lớn về toàn cảnh cánh đồng Chum. Với cách sắp đặt này, người chủ quán đã khéo léo biến quán nhỏ của mình trở thành một bảo tàng chiến tranh.
Ngồi thưởng thức cafe trong một quán đặc trưng như thế, bạn sẽ có cảm giác hơi lạnh sống lưng khi nghĩ về một thời đã qua của vùng đất này. Người chủ quán nói tiếng Việt khá tốt, thấy nhóm người Việt chúng tôi vào liền vui vẻ đón tiếp và ngồi trò chuyện cùng.
Không chỉ quán café này mà ở đâu đâu trong khắp thị trấn, gia đình nào cũng có những sản phẩm của chiến tranh trong nhà.
Tối: Điệu múa Lamvoong trong đám cưới bè bạn
Thật bất ngờ khi được mời dự đám cưới ở nơi xứ lạ. Dường như không có giới hạn nào giữa người dân hai nước, và khi điệu nhạc Lamvoong truyền thống nổi lên, cả nhóm cùng tham gia trong vũ hội đắm say lòng người. Lamvoong là điệu nhảy dành cho nhiều người, không phân biệt đẳng cấp xã hội, tất cả đứng quây lại thành một vòng tròn, cùng múa và nhảy theo nhịp nhạc rộn ràng.
Xieng Khuoang yên bình của ngày hôm nay.
Nhóm chúng tôi lần đầu tiên múa điệu Lamvoong, vũ điệu 1..2..3…4…5…6 rồi lại 1..2..3… dễ dàng khiến người ta học theo và bắt kịp nhịp điệu. Chuyển động của những vòng xoay, những cái nắm tay khiến con người gần gũi với nhau hơn. Những người bạn Lào thân thiện đã xóa nhòa khoảng cách nước bạn nước tôi, chỉ còn lại cảm xúc duy nhất về một thế giới không hận thù và chiến tranh.