Khi Edinburgh lên đèn, cũng là lúc các tour ma (ghost tour, mystery tour) bắt đầu khởi động. Tour ma - ở thành phố ngàn năm tuổi này – như một thứ “đặc sản” độc đáo.
Edinburgh
Quyến rũ du khách không kém phần những “đặc sản” nổi tiếng khác của Scotland như lâu đài, thành quách, rượu Whisky, kèn túi bagpipes, hoa kế1, váy kilt2, Nessi - quái vật hồ Loch Ness…
Và dẫn dắt tour ma, không phải hướng dẫn viên du lịch thông thường, mà là thực sự là những người - kể - chuyện với giọng nói trầm bổng, cuốn hút.
1. Trên bản đồ, West Bow được thể hiện như một hình vòng cung duyên dáng, là cửa ngõ đi vào Lâu đài Edinburgh từ phía Tây và nối Castlehill với Grassmarket. Bây giờ mùa đông chưa bắt đầu, ngày dài đêm ngắn, chỉ sau 21 giờ hoàng hôn mới buông trên tuyến đường được coi là quan trọng nhất Edinburgh từ trước thế kỷ 19 này.
Vào buổi tối đến West Bow, nhiệt độ hạ xuống chừng 14 độ, gió lạnh thổi mạnh làm cho hè phố lát đá xám dường như sẫm màu hơn. Trong ánh vàng hiu hắt của đèn đường, bất chợt nhìn thấy một người phụ nữ mặc váy phồng có cổ ren cao và đeo trước ngực một chuỗi hạt màu đen, đang mở xắc lấy ra một chùm chìa khóa đồng cũ kỹ, tra vào cách cửa sơn đen có tay nắm kiểu cổ. Nếu như góc phố phía xa xuất hiện thêm một cỗ xe ngựa kéo, có lẽ sẽ tái hiện một bức tranh hoàn hảo kéo lùi Edinburgh về thời điểm cách đây vài thế kỷ. Khung cảnh liêu trai này xem ra rất phù hợp với tour ma mà chúng tôi chuẩn bị tham gia: The Cadies and Witchery Tours.
Kéo dài 75’, tour này nhận được rất nhiều nhận xét tích cực của du khách, đồng thời nằm trong TOP 10 trên tổng số 117 tour du lịch tại Edinburgh. Tại điểm khởi đầu tour (Witchery shop, một tiệm bán đồ Halloween), chúng tôi nhanh chóng hòa vào một nhóm du khách khoảng 12 người, trong đó có phân nửa là người già và chỉ có vẻn vẹn 03 người châu Á. Đúng 21 giờ, cửa shop bật mở, người - kể - chuyện xuất hiện trong trang phục áo choàng đen dài. Anh giới thiệu mình tên là Adam Lyal, một ma cà rồng đẹp trai, đã… chết từ năm 1811 sau khi bị treo cổ tại Grassmarket vì tội ăn cắp 126 bảng của một thương gia trên đường Stirling. Phụ tá của anh là Alexander Clapperton, cũng đã quy tiên từ thế kỷ trước, hiện đang bận trang phục của Jimmy Tamson3.
2. Những tour ma thường kéo dài từ 1 - 2 giờ, giá trung bình từ 07 bảng/người trở lên, không đơn thuần để hù dọa du khách mà còn là cách tiếp thị khôn khéo về lịch sử Edinburgh. Điểm đặc biệt của The Cadies and Witchery Tours là mô tả sống động “bóng tối” Edinburgh dựa trên sự kiện lịch sử và vụ án có thật từng xảy ra trong lòng thành phố.
Du khách sẽ theo chân người - kể - chuyện băng qua đường phố u tịch, ngõ ngách tối tăm, khoảng sân âm u, hành lang yếu ớt ánh đèn… đến một số địa điểm và lắng nghe những câu chuyện huyền bí.
Tại nhà thờ St. Columba, Adam kể về khu Castlehill, “nơi hành quyết nhiều phù thủy nhất, nhiều hơn bất kỳ nơi đâu ở Scotland”. Những cuộc săn lùng phù thủy là sự kiện đen tối có thật trong thời kỳ đêm trường Trung cổ (cuối thế kỷ 15 - đầu thế kỷ 18), khi ấy có đến 300 phụ nữ Scotland bị kết tội vô cớ, đưa ra xét xử, tra tấn dã man rồi đem đi thiêu sống. Một trong những trường hợp nổi tiếng nhất là Agnes Fynnie, người phụ nữ bán cá xấu tính, luôn mắng chửi và hắt nước lạnh vào khách hàng mỗi khi không vừa ý. Không biết có phải vì vậy mà Agnes bị cáo buộc là phù thủy, đưa ra hành hình vào năm 1641 hay không, chỉ biết rằng sau khi chết, có tin đồn thỉnh thoảng vẫn nghe thấy tiếng la hét thịnh nộ của cô ta vang vọng ở Castlehill.
Ngang qua Grassmarket4, một công trình có từ thế kỷ 14, sau này là đại pháp trường của thành phố, người ta khuyến cáo không nên tùy tiện sờ tay vào tường, lan can, cánh cửa… vì rất có thể sẽ chạm phải… những vệt máu vương vãi của vô số tử tù từng bị hành hình ở đây. Tới Lady Stair's Close, nghe câu chuyện về Maggie Dickson, một phụ nữ bị treo cổ công khai vào năm 1724 vì tội vứt bỏ con. Trong thời gian chồng đi vắng, Maggie đã ngoại tình, mang thai và sinh non. Sau khi con chết, cô đã vứt bỏ xác đứa trẻ tại bờ sông. Sự việc vỡ lở, cô bị tuyên án treo cổ. Tuy nhiên, một sự kiện hi hữu xảy ra là sau khi thi hành án, chuẩn bị mang xác đi chôn, thì nghe thấy tiếng gõ trong quan tài. Không hiểu lý do gì mà Maggie thoát chết, nhà chức trách cho đây là ý nguyện của Chúa nên cô được tha bổng, sống thêm 40 năm nữa mới qua đời.
Tại căn gác nhỏ - được cho là nơi cư ngụ của Maggie - chúng tôi thử chụp lại và hoảng hồn vì tấm ảnh hiện lên chẳng có hình thù gì cả, vô cùng nhòe nhoẹt và hỗn độn. Xuôi về phía cầu George IV, tại một bãi hoang phế chứa đầy thùng hóa chất bỏ không, là bối cảnh xảy ra vụ án William Burke - William Hare. Năm 1828, hai tên sát nhân được bị buộc tội đã giết chết 16 người để “bán” cho một số bác sĩ, cơ sở y tế phục vụ việc giải phẫu để thuyết giảng cho sinh viên y khoa. Khi bị bắt, Hare – do trở thành nhân chứng cho phía cảnh sát – nên chỉ bị trục xuất khỏi Edinburgh, còn Burke bị xử tử tại nhà thờ St. Giles.
3. Trên trang web du lịch nổi tiếng Tripadvisor, một du khách đã kể lại một sự việc huyền bí liên quan đến William Burke - William Hare. Đó là khi anh đang di chuyển ở St Jame’s Close, tự nhiên linh cảm thấy sự hiện diện một người phụ nữ tên là Isobel, mặc dù anh mới đến Edinburgh lần đầu và chưa từng nghe cái tên này. Sau khi trao đổi với người - kể - chuyện, người - kể - chuyện đã rất sửng sốt vì đúng là có một phụ nữ trẻ tên là Isobel Anderson, nghi ngờ là một trong những nạn nhân của Burke – Hare.
Tuy nhiên, do không có chứng cớ nên cảnh sát xếp hồ sơ của Isobel vào diện mất tích và người - kể - chuyện không hề nhắc đến cô trong suốt thời gian tour diễn ra!
Những câu chuyện mang màu sắc huyền bí kiểu như vậy – mặc dù chưa xác thực - song rõ ràng góp phần làm các tour ma ở Edinburgh trở nên hấp dẫn và… đáng tin hơn. Điều này lý giải phần nào lý do hằng năm, có hàng triệu du khách vẫn hăm hở đến Edinburgh, lùng sục trong Lâu đài Edinburgh5, Mary King’s Close6, Cung điện Holyrood7 để… “săn” ma!
Chú thích:
1 . Hoa kế: Hay thistle, loài hoa đại diện cho Scotland
2 Váy kilt: Váy len truyền thống của nam giới Scotland, thường có họa tiết kẻ caro, mặc trong các dịp lễ lạt, cưới xin.
3 Jimmy Tamson (1620-1646): Vào thế kỷ 17, chỉ trong vòng 18 tháng, dịch hạch đã làm tử vong hàng chục ngàn người dân Edinburgh. Chính quyền thành phố quyết định lập ra một lực lượng đặc biệt tên “foule clengers” (tạm dịch là “người tẩy rửa”) chuyên chôn cất bệnh nhân mắc căn bệnh đáng sợ này, Jimmy Tamson là một trong số đó. Mặc dù được trang bị bằng mặt nạ đặc biệt song những “người tẩy rửa” thường chết trước khi nhận được thù lao do nhiễm dịch hạch, vì thế sau khi Jimmy Tamson qua đời, có tin đồn hồn ma của ông thỉnh thoảng vẫn lang thang ở khu Royal Mile với những tiếng thét oan khuất.
4 Grassmarket: Hình thành từ thế kỷ 14, ban đầu là khu chợ buôn bán gia súc, sau trở thành pháp trường của thành phố.
5 Lâu đài Edinburgh: Hiện tượng kỳ bí ở đây bao gồm tiếng kèn túi Bagpipes ma quái của một nghệ nhân mất tích bí hiểm trong khi đang thăm dò đường đi trong mê cung dẫn sang Holyrood Palace; hồn ma John Graham (Claverhouse); hồn ma Công tước xứ Gordon; đạo quân vô hình…