Có rất nhiều hiện tượng tự nhiên mà ít ai nghĩ rằng chúng có thể tồn tại. Từ những rừng băng trên dãy núi Andes đến những hòn đá biết đi tại Thung lũng Chết hay thác nước rực lửa tại Mỹ, tất cả đều rất kỳ thú.
ảnh minh họa
Rừng băng trên dãy núi Andes
Đây là hiện tượng Penitentes (băng tuyết) thường gặp ở những vùng núi cao, độ ẩm thấp giống như dãy Andes. Mỗi cột băng tuyết chiều cao tới hơn 4 mét và nếu gặp điều kiện thích hợp như bị mặt trời đốt nóng bất ngờ thì chúng sẽ thăng hoa thành dạng hơi nước mà không cần chuyển thành dạng lỏng.
Du khách tới Andes có nhiều lựa chọn khác nhau: leo núi, trượt tuyết, ngắm hồ băng, thăm làng mạc…Trong số đó, thăm cao nguyên băng Penitentes là một trải nghiệm khó quên.
Bướm Vua di cư
Hàng năm, hàng triệu con bướm Vua (bướm Monarch) di chuyển từ Canada đến Mexico và Baja California. Loài bướm này thường di chuyển khoảng 1,900km-4,480km trên hành trình của mình và kéo dài tới 3-4 thế hệ.
Hầu hết các con bướm trưởng thành chỉ sống khoảng một tháng, nhưng thế hệ cuối cùng sống khoảng 7-8 tháng, thời gian cần thiết để bay từ Canada và Mỹ đến trung tâm Mexico. Một vài nơi thích hợp để chiêm ngưỡng loài bướm này là thành phố ven biển Pacific Grove và Grover Beach cũng như quận Santa Cruz tại tiểu bang California, nơi mà loài sinh vật này sẽ trú đông để tìm cảm giác ấm áp hơn. Hoặc bạn cũng có thế tới Khu bảo tồn Sinh quyển Mariposa Monarca nằm ở miền Trung Mexico.
Những hòn đá biết đi tại Thung lũng Chết
Đây là một hiện tượng hết sức thú vị tại Thung lũng Chết, tiểu bang California. Những hòn đá này được tìm thấy ở vùng đất bùn khô cằn Racetrack Playa. Nhiều hòn đá có thể nặng tới hàng trăm cân Anh (1 cân Anh tương đương với 0.4536kg) “bò” trên khắp vùng đất Racetrack Playa không người ở, nơi chỉ có những thung lũng chứa đầy bùn khô với mặt đất nứt nẻ trong mùa hè, và băng giá vào mùa đông.
Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học đã nỗ lực nghiên cứu để tìm ra lời giải thích cho hiện tượng kỳ lạ này, tuy nhiên họ vẫn chưa tìm ra câu trả lời. Gần đây xuất hiện một giả thuyết cho rằng sức mạnh của gió sau một trận mưa có thể đẩy những hòn đá nặng nhất di chuyển trên Racetrack Playa.
Hang động đom đóm, New Zealand
Hệ thống hang đom đóm Waitomo được khám phá lần đầu tiên vào năm 1887 bởi thủ lĩnh địa phương người Maori có tênTane Tinorau và một thanh tra viên người Anh tên Fred Mace. Nằm ở bên ngoài thị trấn Waitomo, hang Waitomo có rất hấp dẫn du khách với vẻ đẹp tuyệt diệu của nó được tạo nên bởi hàng triệu con đom đóm. Loài đom đóm Arachnocampa thường rất nhỏ, cơ thể của nó có khả năng phát quang trong bóng tối.
Ngắm mây cuộn, Australia
Khu vực phía Nam của Vịnh Carpentaria, Australia, là nơi duy nhất du khách có thể ngắm nhìn hiện tượng này một cách thường xuyên nhất vào thời điểm từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. Nhiều phi công đã bay đến nơi đây để khám vẻ đẹp của những dải mây cuộn khổng lồ ấy. Dài tới xấp xỉ 1,000km và cao 1-2km, những dải mây có thể di chuyển với tốc độ khoảng 60km/h. Số lượng dải mây được hình thành phụ thuộc vào điện kiện thời tiết, có lúc bạn có thể thấy 8 dải nối nhau liên tiếp.
Dê kiếm ăn trên ngọn cây
Trên các sa mạc khô cằn của đất nước Morocco, thức ăn là một cái gì đó rất khan hiếm. Có lẽ vì vậy mà loài dê ở nơi đây đã tìm cách để thích ứng với điều kiện sống khắc nghiệt. Chúng có thể dễ dàng trèo lên ngọn cây Argan hay nhảy từ cành này sang cành khác săn tìm quả của loại cây này. Thi thoảng người dân địa phương gom lại những hạt của loại quả này mà chúng nhả xuống gốc cây để làm dầu Argan dùng trong các bữa ăn hay các sản phẩm làm đẹp.
Phù du “yêu” trên sông rồi chết
Khách du lịch tới sông Tisza gần thị trấn Tiszainoka, Hungary, vào cuối xuân và đầu hè hàng năm sẽ được tận mắt thấy cảnh hàng triệu con phù du đuôi dài (Palingenia longicauda) đua nhau ngoi lên mặt sông để tìm bạn tình trước khi chết. Hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này khiến sông Tisza gần Tiszainoka trở thành một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn nhất của Hungary vào khoảng thời gian này.
Vòng đời sinh trưởng của loài phù du đuôi dài bắt đầu với giai đoạn ấu trùng. Chúng phát triển dưới bùn trong vòng 3 năm trước khi nở thành phù du trưởng thành. Ấu trùng sống trong những hang nhỏ nằm dưới bùn ở đáy sông, với khoảng 400 hang/m2. Sau khi phát triển tới giai đoạn trưởng thành, những con phù chỉ có khoảng 3 giờ để giao phối và đẻ trứng trước khi chết. Với thời gian vô cùng ngắn ngủi, những con phù du đực vội vã bay đi tìm cho chúng một bạn tình thích hợp.
Lửa cháy trong đá trong suốt 2,500 năm qua
Hàng chục ngọn lửa cháy suốt hàng nghìn năm qua trong đá tại vùng núi Chimaera, cách thành phố Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 80 km. Nhiều năm qua, các thủy thủ đã sử dụng những ngọn lửa này như một nguồn sáng để xác định phương hướng còn ngày nay khách du lịch dùng chúng để đun trà.
Những đám lửa này trải dài trên khu vực diện tích khoảng 5.000 m 2 , được tiếp nhiên liệu bởi khí mê-tan thoát ra từ các hốc đá. Vào mùa đông, những ngọn lửa này hoạt động càng mạnh mẽ hơn khi lương khí thoát ra nhiều hơn.
Thác nước rực “lửa”, Mỹ
Hàng năm, thác Horsetail, một trong những thác nước đẹp nhất trên lục địa Bắc Mỹ, trở nên đặc biệt trong vòng khoảng 2 tuần vào mùa đông và đầu mùa xuân. Khi đó, khiến dòng thác trắng xóa bỗng chuyển thành một màu vàng óng giống như màu dung nham núi lửa. Nhìn từ xa, thác Horsetail giống như đang đổ lửa xuống dưới chân núi. Nhưng thực chất đây chỉ là hiện tượng khúc xạ ánh sáng mặt trời lên dòng nước.
Hiện tượng thiên nhiên độc đáo này đã thu hút nhiều khách du lịch tới Công viên Yosemite, tiểu bang California.