Những cơn mưa cuối mùa vừa dứt, bắt đầu mùa khô là lúc hoa quỳ bung những cánh hoa đầu tiên vàng rực, nhuộm vàng cả một góc trời. Quỳ rực rỡ nhưng không kiêu sa, người ta xem đó là biểu tượng của sự quý mến. Ba Vì nằm ở phía Tây Hà Nội, cách trung tâm khoảng 50 cây số, không chỉ nổi tiếng với những cánh đồng thảo nguyên xanh mà còn là vùng đất của loài hoa dại này.
Sắc hoa quỳ vàng gần đây trở thành mùa của du lịch Ba Vì.
Không kém phần rực rỡ và rộng lớn như Lâm Đồng hay Tây Nguyên, Ba Vì cũng có những thảm hoa quỳ mênh mông. Hoa quỳ theo chân người Pháp du nhập vào Việt Nam cùng với cây trà, cà phê. Quỳ được trồng trên những đồi núi, kể cả những vùng đất cằn cỗi nhất, để làm phân bón. Và rồi, hoa bén rễ, gắn với đời sống của người dân bản địa. Ở vùng Tây Nguyên, quỳ là tên gọi thân thương thay cho sơn quỳ, cúc quỳ hay dã quỳ. Loài hoa có sức sống mãnh liệt này gắn với câu chuyện tình diễm lệ của nàng H’Limh và chàng K’Lang.
Ở miền Bắc, gần đây, mùa hoa quỳ "bén duyên" với du lịch. Và Ba Vì có thêm mùa du lịch mới, rơi vào mùa hoa quỳ. Từ đầu đến giữa tháng 11 dương lịch, người ta lại rủ nhau xem quỳ nở.
Ba Vì nằm khá gần Thủ đô Hà Nội nên có thể đi và về trong ngày. Rời bỏ phố xá đông đúc, di chuyển khoảng một giờ bằng xe gắn máy, du khách đã đặt chân đến vùng ngoại ô đầy thơ mộng, đang khoác lên mình chiếc áo vàng rực rỡ của hoa quỳ. Ba Vì lành lạnh trong cái nắng nhẹ đầu đông. Phụ nữ tha hồ điệu đà trong những bộ cánh thời trang, tạo dáng trước hoa quỳ. Thời điểm này, cộng đồng mạng và những người trẻ đang náo nức chờ đến mùa hoa nở.
Thoạt nhìn, hoa quỳ khá giống hướng dương – cũng những cánh vàng tỏa ra như ông mặt trời trong trí tưởng tượng của trẻ con. Loại cây này có thể trồng từ hạt hoặc giâm cành. Thân cây thẳng nếu trồng lâu năm sẽ hóa gỗ. Khi hết mùa nở hoa, nhiều cây lụi tàn đi, một số khác xơ xác như thiếu sức sống. Nhưng mùa mưa đến, chúng xanh um. Gần cuối mùa thì kết nụ chờ chớm đông thì tung cánh khoe sắc.
Ở Ba Vì, hoa nở rộ cả cánh đồng rộng lớn hay phủ khắp trên sườn đồi tưởng chừng là cả một quả núi đầy hoa vàng. Quỳ trở thành đề tài trong thi văn, tranh ảnh và những câu chuyện tình của đôi lứa. Bởi thế, khi quỳ nở, không biết bao nhiêu người lại đổ về Ba Vì để thưởng lãm, lấy cảm hứng sáng tác… Mùa vàng hoa quỳ là mùa vùng đất này náo nức, nhộn nhịp những bước chân du khách.
Không chỉ có hoa quỳ, Ba Vì còn là vùng đất của xứ Đoài xưa vốn đi vào thi ca được nhiều người biết đến. Có thêm mùa dã quỳ, xứ Đoài càng thơ mộng. Ba Vì còn có Tản Viên- ngọn núi gắn với truyền thuyết về Sơn Tinh, một trong tứ bất tử trong văn hóa tâm linh người Việt. Ba Vì như một thung lũng rộng lớn bao quanh bởi ba ngọn núi – Núi Vua cao 1.296 mét, núi Tản Viên cao 1.227 mét và núi Ngọc Hoa cao 1.131 mét. Những ngọn núi này có nhiều thác, suối, hình thành những điểm du lịch hấp dẫn như Khoang Xanh, Ao Vù, Thác Ngà, Suối Ngọc… Ba Vì còn có nhiều resort, khu nghĩ dưỡng hấp dẫn. Đây là nơi được nhiều người lựa chọn để thư giãn cuối tuần hoặc nghỉ dưỡng.
Ở các tỉnh phía Bắc, mùa hoa quỳ nở được tính vào chuỗi các mùa của du lịch. Tầm tháng 9 là mùa du lịch ruộng bậc thang Tây Bắc, tháng 10 là mùa của hoa tam giác mạch vùng Hà Giang, tháng 11 là mùa vàng của hoa quỳ Ba Vì, kế đó là hoa cải Mộc Châu trước khi đến mùa hoa ban, hoa mận, hoa đào của vùng núi phía Bắc. Những mùa hoa liên tiếp nhau, kéo dài khoảng 4-5 tháng, rơi đúng vào lúc tiết trời lạnh, thích hợp cho việc khai thác du lịch, thu hút du khách từ khắp nơi. Không chỉ du khách nội địa mà rất nhiều khách quốc tế cũng ngẩn ngơ trước thiên nhiên của những mùa hoa ở Việt Nam.
Ba Vì là vùng đất của những trang trại nuôi bò lấy sữa và cũng nổi tiếng với mùa vàng hoa quỳ. Để ngắm được những vạt hoa vàng rực rỡ, du khách phải chọn đúng thời điểm. Khi những cơn mưa cuối cùng chấm dứt, tiết trời se lạnh và khô là lúc quỳ bắt đầu nở. Thông thường khoảng đầu đến giữa tháng 11 dương lịch là mùa cao điểm của hoa quỳ.