Đi dưới những rặng thông xanh mát vào Côn Sơn, thấy lòng yên ắng lạ. Ảnh: Lam Linh.
Du khách thập phương đến với Côn Sơn, Chí Linh, Hải Dương, trước hết vì đây là một vùng danh lam cổ kính nổi tiếng. Khoảng 600 năm trước, Nguyễn Phi Khanh (thân phụ Nguyễn Trãi) đã mô tả nơi đây: "Khói đầu non, ráng ngoài đảo, gấm vóc phô bày, hoa dọc suối, cỏ ven rừng, biếc hồng phấp phới" (Bóng mát để nghỉ, chỗ vắng để ngồi, mùi thơm để ngửi, sắc đẹp để xem).
Ngày nay, di tích Côn Sơn được tu tạo và bổ sung thêm nhiều nét mới, khiến phong cảnh càng thêm thơ mộng và huyền diệu. Du khách đến Côn Sơn vào bất cứ mùa nào cũng thấy không khí mát lành, bởi nơi đây có thảm thực vật lý tưởng. Vào những ngày đầu xuân mưa lất phất, cây cối đua nhau nảy lộc, trời đất Côn Sơn hòa quyện với nhau. Đi dưới mặt đất mà tay như với được những áng mây bồng bềnh. Leo lên sườn núi, bước chân du khách lẫn trong mây.
Đã đến Côn Sơn, du khách không thể không leo lên sườn núi Kỳ Lân thơ mộng. Tương truyền, vào một sớm mùa thu, có một số thi nhân rẽ cỏ, vén hoa tìm đường lên núi. Trên đường đi, họ nghe như có tiếng nói cười lao xao từ đỉnh núi vọng xuống. Nhưng đến nơi tịnh không một bóng người, chỉ thấy một bàn cờ đang đánh dở. Đứng ở đỉnh núi cao giữa bao la đất trời, mọi người cho rằng các tiên đã xuống đây chơi cờ, múa hát, khi thấy người vội bỏ đi không kịp mang theo bàn cờ. Vì thế, đỉnh núi được gọi là Bàn Cờ Tiên.
Trên mảnh trời xanh. Ảnh: Lam Linh.
Còn sườn bên phải núi Kỳ Lân, nơi Nguyễn Trãi dựng nhà dạy học, nay vẫn còn dấu tích nền nhà xưa cùng với phiến đá lớn mà nhân dân địa phương thường gọi là Thạch Bàn, hay còn gọi là hòn đá "năm gian" (rộng bằng 5 gian nhà), nơi Nguyễn Trãi từng ngồi ngâm ngơ, đọc sách.
Kiếp Bạc nằm trên một khu đất bằng giữa thung lũng núi Rồng. Tam quan đền Kiếp Bạc như bức cuốn thư "Lưỡng long chầu nguyệt" bề thế. Hơn 700 năm trước, đây là nơi Trần Hưng Đạo hội quân sau chiến thắng. Ngày trên sông đông vui. Đêm về trên sông càng tưng bừng. Đèn treo, hoa kết, mở hội hoa đăng trong mấy ngày liền. Người ta thả đèn, thả những khúc chuối trên cắm nến và vàng hoa. Đèn màu xanh đỏ, nến sáng bập bùng, trôi nổi theo con sóng xuôi về biển. Người xem hội như được trở về chốn cũ vườn xưa với những danh tướng, những binh sĩ đời Trần.
Khu Côn Sơn - Kiếp Bạc là một trong 23 di tích quốc gia đặc biệt quan trọng của Việt Nam. Ảnh: Lam Linh.
Đền Kiếp Bạc nhìn ra con sông Thương (còn gọi là sông Lục Đầu). Thời Trần, nơi đây là bến Bình Than. Đi thuyền trên sông Bình Than lịch sử, giữa dòng, còn đó cồn cát dài 200m, gọi là Cồn Kiếm, do Trần Hưng Đạo để lại thanh kiếm báu cho đời sau giữ gìn Tổ quốc. Sau lưng đền Kiếp Bạc, là núi Trán Rồng sừng sững, bên tả có núi Bắc Đẩu, bên hữu là núi Nam Tào ba bề ôm lấy Kiếp Bạc hùng vĩ.