Từ khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng ruộng bậc thang thuộc các xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình là Di tích danh thắng cấp quốc gia vào năm 2007, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái thường xuyên mở hội lễ hội ruộng bậc thang độc đáo.
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải.
Năm nay, Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải sẽ diễn ra từ ngày 26 đến 29/9.
Dọc đoạn đường quốc lộ 32 từ Đèo Khau Phạ về thị trấn huyện lỵ, ở đâu du khách cũng có thể chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang xếp tầng, xếp lớp, trải rộng khắp các triền đồi, núi cao. Trên lưng chừng núi không chỉ đơn thuần là những thửa ruộng để sản xuất mà còn là những tác phẩm văn hóa kiệt tác mang bản sắc của đồng bào người Mông. Những thửa ruộng bậc thang vào mùa lúa chín như những dải sóng vàng uốn lượn trên lưng chừng đồi núi cao.
Đặc biệt hơn, vào những ngày mây mù bao phủ, sóng lúa, biển mây hòa quyện vào nhau tạo nên khung cảnh không gian kỳ ảo đẹp đến mê hồn. Đây chính là “kỳ quan nhân tạo” mà không phải ở nơi nào trên Trái Đất này có được.
Là một trong những địa danh nổi tiếng của vùng Tây Bắc, ruộng bậc thang Mù Cang Chải từ lâu đã được nhiều du khách biết đến với vẻ đẹp kỳ vĩ do con người tạo nên. Nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mặt nước biển; với hơn 2.600ha, ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải được hình thành từ nhiều đời nay do tập quán canh tác của người Mông...
Ngay từ khi định cư ở mảnh đất này, đồng bào Mông đã lấy trồng trọt là phương thức canh tác chủ yếu, từ đó nghĩ ra cách khai khẩn ruộng bậc thang. Trước tiên, họ là lựa chọn mảnh đất ưng ý, có độ dốc vừa phải, có nguồn nước, có khả năng tạo mặt bằng, ít sỏi đá. Tiếp theo, họ xác lập quyền khai khẩn bằng cách xếp các cột đá cao hoặc chặt ngọn một số cây gỗ lớn trên mảnh đất đó làm dấu hiệu xác lập và khi đã đánh dấu nghĩa là mảnh đất đã có chủ, không ai được xâm phạm.
Khi đã huy động được lực lượng và có điều kiện thời tiết thuận lợi, việc khai khẩn được tiến hành. Cần cù lao động, sản xuất, đồng bào Mông đã tạo nên những “kiệt tác” trên núi, đồng thời cũng tạo ra đời sống tinh thần vô cùng phong phú.
Trong những ngày này, Mù Cang Chải đang khẩn trương chuẩn bị cho việc tổ chức Tuần Văn hóa, Thể thao, Du lịch Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2013. Nơi này các cháu học sinh đang chuẩn bị tập luyện cho Hội diễn, nơi kia mấy bác người Mông đang hối hả thu hoạch vụ mùa và còn tranh thủ thời gian để chuẩn bị cho các cuộc thi gặt nhanh, cày giỏi...
Bà Lương Thị Xuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mù Cang Chải cho biết, về cơ bản, công tác chuẩn bị đã sẵn sàng. Khó khăn lớn nhất của huyện là nơi ăn, ngủ cho du khách không được tiện nghi hiện đại như ở các tỉnh, thành lớn, song bù lại, Mù Cang Chải có khí hậu mát mẻ, người dân mến khách, quý người. Vì vậy, huyện đã tổ chức nhiều tour, tuyến du lịch cộng đồng để du khách xuống ở nhà dân và khám phá thêm những nét văn hóa đặc sắc của người Mông, người Thái của huyện vùng núi cao này.
Việc tổ chức lễ hội ruộng bậc thang để tiếp tục tôn vinh vẻ đẹp của danh thắng, đồng thời nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch; tạo mối liên kết phát triển du lịch bền vững với các tỉnh trong khu vực Tây Bắc. Đây cũng là dịp quảng bá, giới thiệu về quê hương, con người, bản sắc văn hóa của của đồng bào dân tộc Mông Mù Cang Chải đến du khách trong nước và quốc tế.
Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2013 sẽ có nhiều hoạt động độc đáo và hấp dẫn. Chương trình Triển lãm ảnh Mù Cang Chải với các chủ đề "Trưng bày triển lãm các tác phẩm ảnh tham dự cuộc thi ảnh đẹp du lịch 8 tỉnh Tây Bắc," “Ánh nhìn chéo” và “Mù Cang Chải-những nấc thang vàng.”
Bên cạnh đó, lễ hội còn có chương trình hội chợ với chủ đề Chợ phiên vùng cao (sắc màu Tây Bắc) với các sản phẩm mang đậm đà bản sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Mù Cang Chải. Đến với chương trình này du khách có thể chiêm ngưỡng những sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số Mù Cang Chải với các sắc thái khác nhau và còn được thưởng thức những món ăn mang đậm bản sắc văn hóa của người Mông.
Trong chương trình "Hành trình với danh thắng ruộng bậc thang" sẽ có những cuộc thi gặt nhanh, cày giỏi, tạo nên không khí thi đua sôi nổi và hấp dẫn, đồng thời còn trưng bày một số hiện vật là công cụ sản xuất nông nghiệp trên ruộng bậc thang của người Mông, hướng dẫn và giới thiệu cho du khách về lịch sử hình thành những nét văn hóa độc đáo của sản xuất nông nghiệp tại ruộng bậc thang.
Đến với các tour du lịch cộng đồng, du khách sẽ được tìm hiểu về giá trị truyền thống tại các bản làng văn hóa, các làng nghề và tham quan danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải...
Đến với Mù Cang Chải, tham dự Tuần văn hóa ruộng bậc thang, chắc chắn du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên để đồng cảm với mảnh đất còn nhiều khó khăn này và thêm yêu, thêm quý những con người cần cù lao động, đầy sáng tạo nơi đây