Với nền văn hóa độc đáo, hòa quyện nhưng không trộn lẫn, làng của người Druze thu hút đông đảo du khách.
ảnh minh họa
Thông thường, nhắc tới đất thánh Israel, người ta chỉ nghĩ tới 2 dân tộc quen thuộc là người Israel và Palestin mà quên đi rằng nơi đây có sự pha trộn đa dạng của rất nhiều nhóm dân tộc khác, với những cái tên trải từ A đến E: Ả Rập, Bedouin, Copts, Druze và Ethiopia. Trong số đó, Druze là bộ tộc có nền văn hóa còn nhiều bí mật nhất với du khách gần xa.
Nằm ở phía Bắc của vùng Galilee và Golan Heights, những ngôi làng của người Druze hầu hết đều được xây dựng trên những sườn đồi cao, nhìn xuống cảnh quan thung lũng bên dưới. Trên những con đường làng này, du khách có thể dễ dàng bắt gặp những người phụ nữ Drzue đang đi bán bánh mỳ hay ô liu.
Người Druze được biết đến là một cộng đồng rất thân thiện, chung sống hòa bình với người Israel và các bộ tộc bên trong. Trên thế giới, có khoảng 1 triệu người thuộc tộc Druze, sống rải rác ở Syria, Lebanon và khoảng 104.000 người ở Israel.
Mặc dù nói tiếng Ả Rập nhưng họ không theo đạo Hồi mà có tôn giáo riêng. Văn hóa của người Druze là sự hòa trộn giữa văn hóa của đạo Hồi, đạo Hindu và triết học Hy Lạp. Họ có cờ riêng với 5 màu sắc, mỗi màu tượng trưng cho một tiên đoán về tương lai.
Tới thăm vùng đất của người Druze, du khách có thể tới khu di tích Nebi Shu’eib, lăng mộ của Jethro, người được cho là cha vợ của Moses, hoàng tử Ai Cập và là người được tộc Druze tin là đã sáng tạo ra tôn giáo của họ. Khu lăng mộ được xây dựng như một nhà thờ Hồi giáo với mái vòm và sân sau kiến trúc tỉ mỉ, rất đáng ngưỡng mộ.
Công trình quan trọng thứ 2 của người Druze là lăng mộ Sabalan, ở ngôi làng Hurfeish. Khu lăng mộ trên vùng núi non, là nơi chôn cất nhà tiên tri nổi tiếng Zebulum.
Tuy nhiên, trung tâm cho mọi hoạt động của người Druze phải kể đến Daliyat al-Karmel, ngôi làng ở cực Nam Israel, được xây dựng cách đây 400 năm. Xây trên đỉnh núi Carmel, ngôi làng có những khu chợ tấp nập và đường phố bán la liệt các món đồ truyền thống như trống darbuka, tẩu hút shisa, trang sức, đồ gốm sứ…
Cũng tại ngôi làng này, du khách có thể tới thăm trung tâm di tích Druze, một bảo tàng nhỏ trưng bày các hiện vật và tranh ảnh về dân tộc còn khá lạ lẫm với thế giới này.
Ẩm thực của người Druze nổi tiếng với các loại cây, cỏ địa phương và món bánh mỳ pita to bản, được nướng theo công thức đặc trưng, truyền thống, không đâu có.
Ở phía Bắc của Israel, không xa biên giới Syria bao nhiêu là ngôi làng Majdal Shams, nơi có tới hơn 9.000 người Druze sinh sống, được bao quanh bởi những vườn táo và sơ ri chín mọng. Đây cũng là điểm đến thú vị cho những ai thích tìm hiểu các nền văn hóa xa xôi và mới lạ trên thế giới.