Nghe kể nhiều về In-đô-nê-xi-a, nhưng vừa rồi tôi mới được đến quốc gia vạn đảo theo một chương trình do Đại sứ quán In-đô-nê-xi-a tại Việt Nam tổ chức.
Đường phố Gia-các-ta vào giờ cao điểm.
Ngay từ lúc đặt chân đến đây, tôi đã thực sự choáng ngợp trước vẻ ồn ã, sôi động của thủ đô Gia-các-ta, và một tuần khám phá đất nước có số tín đồ Hồi giáo đông nhất thế giới này thật thú vị.
Sân bay Xu-các-nô Hát-ta ở ngoại ô Gia-các-ta vào dịp cuối tuần dường như tấp nập kẻ đến người đi hơn ngày thường. Với dân số khoảng 12 triệu người, thủ đô Gia-các-ta nằm bên bờ Tây Bắc của đảo Gia-va, hòn đảo lớn nhất của In-đô-nê-xi-a. Gia-các-ta cũng được coi là cửa ngõ của In-đô-nê-xi-a, nhất là trong lĩnh vực du lịch.
Như để những vị khách đến từ Việt Nam bớt bỡ ngỡ, 3 nhân viên chuyên về quảng bá du lịch của Gia-các-ta hồ hởi giới thiệu về thủ đô của In-đô-nê-xi-a. Lạ là trong câu chuyện đầu tiên, họ lại nhắc đến cảnh tắc đường, vốn xảy ra thường xuyên ở Gia-các-ta. Những con phố ùn ùn xe cộ qua lại vừa là nhược điểm, vừa như một đặc trưng của thành phố này. Thế nhưng Gia-các-ta nổi tiếng với tắc đường chẳng phải do thành phố có một hệ thống giao thông kém mà trái lại, đường sá ở đây được quy hoạch khoa học với chất lượng cũng rất đáng nể. Nói về một trong những vấn đề nan giải nhất của Gia-các-ta, anh A-gung Xu-đi-ra (Agung Sudira), nhân viên của Sở Văn hóa và Du lịch Gia-các-ta cho biết, dân số tăng nhanh, lại thêm làn sóng nhập cư từ các vùng khác đổ về đã khiến những con phố ở thủ đô thường xuyên bị ùn tắc, nhất là giờ tan tầm.
Ước tính, có tới 40% tổng số phương tiện giao thông của In-đô-nê-xi-a tập trung tại thủ đô Gia-các-ta. “Ngoài xe gắn máy, ô tô giờ đây đang là phương tiện ưa dùng của các gia đình ở Gia-các-ta. Có gia đình sở hữu tới ba, bốn chiếc ô tô”, anh Đô-li Ha-xtô-dô-ê-đô (Dolly Hastojoedo), Giám đốc điều hành của công ty chuyên tổ chức sự kiện Gemma Event cho biết. Cùng với sự phát triển về mọi mặt của thành phố, số lượng “xe bốn bánh” đã tăng với tốc độ chóng mặt, nên mới có chuyện nhiều tuyến đường, dù được xây dựng cho hơn chục làn xe, vẫn hàng giờ, hàng phút phải chịu cảnh tắc đường.
Chúng tôi đến Gia-các-ta đúng vào lúc chính quyền và người dân nơi đây đang náo nức bước vào Lễ hội ban đêm, lễ hội chính trong số hàng chục sự kiện kỷ niệm 486 năm ngày thành lập thành phố. Ước tính có tới 2 triệu người đã đổ về Gia-các-ta để cùng nhau ăn mừng ngày trọng đại này. Thủ đô của In-đô-nê-xi-a cũng như thân thiện hơn thường lệ khi tất cả những con phố hướng về Quảng trường Mô-na và trụ sở thành phố ngay từ cuối giờ chiều đã biến thành những con phố đi bộ với cờ hoa rực rỡ, ánh đèn lấp lánh. Phố Tham-rin, con phố chính ở Gia-các-ta, thường ngày xe cộ đông đúc là vậy, nhưng nay đã phải nhường chỗ cho những sân khấu ngoài trời của lễ hội.
Đang tất bật với việc đưa tin về lễ hội, nhưng anh An-đria Gia-rốt (Andrie Djarot), biên tập viên Kênh truyền hình Trans7 của In-đô-nê-xi-a vẫn nhiệt tình dành ít phút trò chuyện cùng đoàn phóng viên Việt Nam. Anh cho biết, sở dĩ lễ hội năm nay náo nhiệt và được tổ chức rầm rộ hơn những lần trước là bởi Gia-các-ta vừa đón chào vị Thị trưởng mới. Không sinh ra và lớn lên ở Gia-các-ta, song sự xuất hiện của tân Thị trưởng thành phố Giô-cô Uy-đô-đô (Joko Widodo) được nhiều người tin rằng sẽ đem lại niềm hy vọng mới cho thủ đô của In-đô-nê-xi-a. “Người dân Gia-các-ta rất háo hức chờ đợi xem ông ấy sẽ lãnh đạo thành phố ra sao”, An-đria Gia-rốt nói.
Gia-các-ta trong mùa lễ hội cũng là điểm đến tuyệt vời đối với du khách quốc tế. Chị In-gan Ma-lem (Ingan Malem), Thư ký thứ nhất về Thông tin và Văn hóa xã hội của Đại sứ quán In-đô-nê-xi-a tại Việt Nam; các nhân viên của Sở Văn hóa và Du lịch Gia-các-ta cùng chúng tôi rảo bước đến hai con phố dành cho khách du lịch ba-lô ở Gia-các-ta. Thoạt nhìn hai con phố này chẳng khác mấy so với phố Tạ Hiện ở Hà Nội. Nếu như Sabang là phố chuyên về ẩm thực, với những món ăn đa dạng từ Á đến Âu, thì phố Jaksa lại tràn ngập nhà trọ và khách sạn. Giá phòng ở đây cũng phù hợp với dân du lịch bụi, chỉ cần khoảng 250.000 ru-pi (chừng 500.000 đồng Việt Nam), là du khách đã có một căn phòng chất lượng khá cho một đêm nghỉ.
Một trong những địa điểm thu hút rất đông khách tham quan ở Gia-các-ta là tổ hợp Công viên In-đô-nê-xi-a thu nhỏ. Ngay tại đây, có thể bắt gặp hình ảnh hòn đảo du lịch Ba-li xinh đẹp hay chiêm ngưỡng toàn cảnh quốc gia vạn đảo thông qua một bản đồ mô phỏng dựng trên mặt hồ rộng lớn. Với những ai ưa khám phá lịch sử và văn hóa, Gia-các-ta cũng là lựa chọn lý tưởng. Trên khắp thành phố này, có tới hàng chục bảo tàng theo đủ các lĩnh vực như văn hóa truyền thống, dệt may, hàng hải, múa rối… để khách tham quan có thể tìm hiểu về đất nước có số tín đồ Hồi giáo đông nhất thế giới này.
Bên cạnh những nét văn hóa đậm chất In-đô-nê-xi-a, Gia-các-ta cũng là nơi để du khách châu Âu có thể tìm thấy hình bóng hiện đại của đất nước mình với những tòa nhà chọc trời, những “thiên đường mua sắm” sầm uất. Sự phát triển hài hòa ấy đã tạo nên một Gia-các-ta vừa truyền thống, vừa thời thượng, mà không nhiều thành phố trên thế giới có được.
Chia tay Gia-các-ta bằng một bữa trưa nhẹ trong quán Café Batavia ở Quảng trường Batavia, chợt thấy đôi chút tiếc nuối bởi với vỏn vẹn gần hai ngày, chúng tôi chưa thể đi khắp góc cùng ngõ hẻm của thành phố này. Nhưng phía trước vẫn còn nhiều điều đang chờ đợi ở Gioóc-gia-các-ta (Yogyakarta) và Xô-lô (Solo), hai địa danh gắn liền với du lịch và thương hiệu vải Batik.