Đối với đồng bào miền Tây Nam Bộ, đỉnh Tà Lơn là 1 danh từ huyền thoại đi vào nhiều câu chuyện kể về những đạo sĩ pháp thuật cao siêu, những võ sư võ nghệ tuyệt luân xuống núi giúp đời… Nay Tà Lơn trở thành 1 địa điểm thu hút khách du lịch.
Bokor quanh năm được bao phủ trong mây bồng bềnh
Nằm cách thủ đô Phnom Penh của Campuchia 150 km về hướng Tây Nam, đỉnh núi mà đồng bào miền Tây gọi là Tà Lơn thực ra được chú thích trên bản đồ là Bokor (thuộc tỉnh Kampot). Vùng đất này được “trời phú” cho một khí hậu mát mẻ, trong lành quanh năm, tạo một cảm giác khác, cách nhìn khác về đất nước Campuchia huyền bí.
Thoát khỏi cảnh ồn ào náo nhiệt của phố xá tấp nập, xa rời môi trường ô nhiễm bởi bụi đường và khói xe, chúng tôi đến Bokor vào một chiều mưa. Con đường quanh co uốn lượn trong một không gian bạt ngàn cây rừng, mây núi bồng bềnh.
Càng lên cao phía trước càng mờ ảo, sương mù dày đặc đến nỗi chiếc xe của chúng tôi phải bò từng chút một mới lên tham quan được những điểm được xem là “đặc sản” của đỉnh núi này.
Bokor nằm ở độ cao 1.079m so với mực nước biển. Nhìn từ xa, Bokor có vẻ âm u, huyền bí nhưng vẫn đẹp đến nào lòng du khách. Bokor - theo tiếng Khmer có nghĩa là cái gù của con bò. Nguyên nhân sử dụng Bokor làm tên cho ngọn núi này là vì hình dáng của núi Bokor giống như cái gù trên lưng con bò.
Nơi đây có khí hậu mát mẻ như Đà Lạt của Việt Nam, nhiệt độ dao động từ 10- 20 độ C. Cũng chính bởi được trời phú cho thời tiết mát mẻ mà Bokor được nhiều người Việt ví như “Đà Lạt” của Campuchia. Đặc biệt, từ đỉnh Bokor chúng ta có thể nhìn thấy đảo Phú Quốc (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) của Việt Nam.
Theo anh Châu Kim Dương, hướng dẫn viên người Campuchia thì lên đỉnh Bokor không chỉ để cảm giác cái khác lạ, để xem một Campuchia khác, mà còn có thể khám phá những địa danh nổi tiếng một thời như: Chùa Năm thuyền (nơi đây có năm tảng đá hình chiếc thuyền được gắn với truyền thuyết về Hoàng tử Preah Thong), khu “tàn tích” Bokor Hill Station…
Anh Châu Kim Dương cho biết: “Năm 1917, thực dân Pháp đã cho xây dựng tại núi Bokor một khu nghỉ dưỡng bao gồm trường học, bưu điện, nhà thờ, casino và khách sạn dành cho giới thượng lưu Pháp khi muốn tránh xa cái nóng của thủ đô Phnom Penh. Vào thập kỷ 50 và 60, những người trong hoàng tộc như vua Sihanuok và dân tài phiệt người Campuchia cũng chọn nơi này để nghĩ ngơi thư giãn”.
Đây có thể xem là thời kỳ hoàng kim của Bokor trước khi nó bị bỏ hoang nhiều năm để rồi trở nên đổ nát, điêu tàn. Sự điêu tàn hiện rõ lên trên những bức tường vôi vữa mục nát, cửa sổ vỡ tan, cầu thang đổ vụn và các bức tường gạch đổ nát còn sót lại tại Bokor ngày nay.
“Trong thập niên 1990, người ta từng ví Bokor như là “một nơi kỳ lạ nhất trên thế giới”, hay là “thành phố ma” vì vẻ hoang tàn và kỳ bí của nó. Với vẻ đẹp của nó, Bokor từng được chọn để quay hai bộ phim City of Ghostsvào năm 2002) và R-Point vào năm 2004” - anh Dương nói.
Mời bạn đọc chiêm ngưỡng những tàn tích một thời trên đỉnh Bokor khiến nhiều người đồn đoán là “thành phố ma”: