Chủ ngôi nhà hiện nay là ông Phạm Ngọc Tùng, 62 tuổi, là đời thứ 7 của dòng họ được sở hữu ngôi nhà này, ngôi nhà đặt tại thôn Tây Giai, xã Vĩnh Tiến- Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Ngôi nhà được xây dựng vào năm 1810, do ông tổ của ông Tùng khi đó đang làm quan hàng Bát phẩm của triều đình nhà Nguyễn. Ngôi nhà nằm cách thành nhà Hồ- Di sản văn hóa Thế giới khoảng 200m từ cổng phía Tây. Ngôi nhà nằm theo hướng Đông Nam và được xây dựng theo kiểu nhà lộn thể, chồng rường kẻ bảy kết hợp với họa tiết long, ly, quy, phượng, tùng, cúc, trúc, mai cùng với đó là các bức hoành phi, 8 câu đối.
Hầu hết mọi khung nhà, cột, chèo, cửa... đều được làm bằng những loại gỗ quý, gỗ xoan được sử dụng nhiều nhất bởi loại gỗ này có đặc tính nhẹ, ít mối mọt. Các loại gỗ chịu lực như gỗ táu, sến, lát... Riêng phần mái được lợp bằng 16.000 viên ngói, loại ngói vảy cá làm bằng đất nung. Tường hậu xây gạch dày 50cm, các bức tường khác được trát trên giấy nện vì thế ngôi nhà đặc biệt mát về mùa hè và ấm về mùa đông.
Ngôi nhà hiện có 29 cột chính, 3 chuồng cửa với 12 cánh có chiều cao khoảng 2,5m. Toàn thể ngôi nhà rộng 9m, dài 21,7m, cao 5m. Ông Phạm Ngọc Tùng cho biết: “Mãi đến những năm khi ông lập gia đình có con thì ngôi nhà mới có một số chi tiết bị xuống cấp còn trước đó trải qua bao nhiêu thế hệ cha ông ở ngôi nhà vẫn giữ nguyên được hiện trạng như ban đầu”.
Cũng theo ông Tùng, ngôi nhà được xây dựng với những tiết tấu, hoa văn cũng như kiến trúc của những thợ người Hoằng Hóa và Hà Nam. Ngôi nhà bắt đầu xây dựng năm 1810 nhưng phải khá lâu sau mới hoàn thành bởi sự kỳ công của việc chạm trổ các họa tiết, hoa văn.
Và cũng không ít khách đến trả mua ngôi nhà với giá rất cao nhưng chủ nhân không bán mà quyết giữ lại ngôi nhà từ đường mà cha ông để lại. Vào những năm 1959 đến 1973, ngôi nhà được dùng để chứa quân lương, lạc, bông, vải... của bộ đội.
Năm 2002, chương trình “bảo tồn nhà ở truyền thống dân gian Việt Nam hợp tác giữa Bộ Văn hóa Thông tin Việt nam và Tổ chức Hợp tác quốc tế của Nhật Bản, sau khi khảo sát thực địa, các chuyên gia Việt Nam và Nhật Bản đã chọn ngôi nhà cổ của ông Tùng để trùng tu, tôn tạo với kinh phí 40.000USD.
Bắt đầu tiến hành trùng tu, tôn tạo vào tháng 9/2002 đến tháng 3/2003 mới hoàn thành dưới sự chỉ đạo của các chuyên gia của trường Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) thực hiện. Sau khi hoàn thành việc trùng tu tôn tạo, năm 2004, UNESCO chính thức công nhận ngôi nhà ông Tùng là một trong mười ngôi nhà cổ dân gian đẹp nhất Việt Nam.
“Từ ngày trùng tu, tôn tạo xong, mỗi ngày gia đình chúng tôi đều đón rất nhiều du khách trong nước và nước ngoài đến tham quan ngôi nhà. Khách đến đây đều trầm trồ khen tài hoa của các nghệ nhân thời đó bởi những nét trạm trổ văn hoa. Tôi rất vui và tự hào khi được thừa hưởng một gia tài vô giá mà cha ông để lại” - ông Tùng vui vẻ cho biết.
Dưới đây là những hình ảnh độc đáo của ngôi nhà:
Xà, cột được trạm trổ tinh xảo là điểm hấp dẫn, độc đáo nhất của ngôi nhà
Những hoa văn được trạm trổ một cách kỳ công từ ngoài hiên
...Cho đến những cột, chèo phía trong nhà
Khung nhà vẫn giữ được sự vững chắc dù trải qua hàng thế kỷ
Rất nhiều hoa văn nhưng tuyệt nhiên không có sự trùng lặp
Phần phía trên cửa trang trí công phu
Năm 2004, UNESCO chính thức công nhận ngôi nhà là một trong mười ngôi nhà cổ đẹp nhất Việt Nam
Toàn cảnh ngôi nhà
Con đường dẫn vào ngôi nhà cổ cũng có những nét cổ kính hiếm có
Nguyễn Thùy