Dù có phần lo lắng trước những tai tiếng về vấn đề an toàn cho du khách nữ, chúng tôi vẫn quyết tâm đặt chân tới Ấn Độ, vùng đất được coi là một trong những cái nôi văn minh của nhân loại.
Đại giáo đường Hồi giáo Jama Masjid
Chuyến bay tới thủ đô New Delhi lúc gần nửa đêm nên chúng tôi cẩn thận liên lạc trước với nhà trọ, đặt một chiếc xe đón tại sân bay. Sự chuẩn bị này quả thật không thừa vì đường sá ở khu Paharganji, khu phố cổ nơi chúng tôi ở trọ chằng chịt như một mê cung với nhiều ngõ nhỏ lắt léo.
Nửa đêm, cả khu phố vắng tanh, nhưng sáng hôm sau, thành phố đã bừng thức dậy, huyên náo, đầy sức sống. Các cửa hàng bắt đầu tấp nập người buôn bán đủ các loại hàng hóa và ngoài phố xe cộ đi lại như mắc cửi. Đủ mọi loại phương tiện giao thông chen chúc trong các con phố bé xíu, người đi bộ cùng chen bước với bò (con vật thiêng trong Ấn Độ giáo) đi nghênh ngang giữa đường, tạo nên bức tranh giao thông ngộ nghĩnh với du khách lần đầu tới đây.
Giao thông đông đúc ở khu phố cổ Delhi
Giống như phố cổ ở các nước khác, Paharganji là một khu buôn bán sầm uất với vô số cửa hàng san sát nhau và rất nhiều nhà trọ giá rẻ cho khách du lịch. Nơi đây rất gần cụm điểm tham quan chính của thành phố. Chúng tôi quyết định đến điểm đầu tiên là Pháo đài Đỏ (Red Fort). Quần thể pháo đài đồ sộ này được xây dựng từ thế kỷ XVII, dưới thời vua Shah Jahan. Đây không chỉ là một pháo đài mà còn là cung điện hoàng gia sau khi vua Shah Janhan dời kinh đô từ Agra về Delhi. Kiến trúc Mughal của hoàng thành là sự kết hợp hài hòa phong cách Hồi giáo và Ấn Độ, đơn giản, uy nghi nhưng không kém phần tráng lệ và tinh xảo, nổi bật nhất là những trang trí bên trong các cung điện. Thật khó để tin rằng những đường nét chạm khắc vô cùng tinh tế và mềm mại này lại được tạo ra từ những khối sa thạch thô kệch xù xì.
Quà rong ngoài đường rất hấp dẫn
Quầy hoa quả khô trên vỉa hè
Không xa Pháo đài Đỏ là Jama Masjid, giáo đường Hồi giáo lớn nhất Ấn Độ. Được xây dựng cùng thời với Pháo đài Đỏ, ngôi giáo đường này cũng có kiến trúc tương đồng và sử dụng cùng loại vật liệu chính là sa thạch đỏ và cẩm thạch trắng. Đi qua một trong ba cửa vào giáo đường, chúng tôi tới một sân cầu nguyện ngoài trời khổng lồ như một sân vận động với sức chứa lên tới hàng ngàn người. Thật yên bình khi ngồi đây vào một buổi chiều nắng rực rỡ, ngắm những người dân lặng lẽ cầu nguyện và đàn bồ câu tung cánh bay lượn trên nền trời xanh ngắt.
Rời giáo đường, trái ngược với khung cảnh yên bình bên trong, chúng tôi lạc ngay vào một khu chợ bên ngoài với đủ màu sắc, mùi vị và âm thanh hỗn hợp. Dường như cả khu “old Delhi” (cách gọi để phân biệt khu phố cổ với khu phố mới của New Delhi) là một chợ trời khổng lồ. Nhiều phụ nữ sà vào các quầy bán vải vóc, nữ trang, rộn ràng ướm thử. Các quầy bán đồ ăn vặt cũng vô cùng quyến rũ với cách bài trí hấp dẫn. Một hành trình tham quan Delhi đầy đủ không chỉ là chuyến đi dạo thảnh thơi qua những phế tích lộng lẫy của thành phố này mà còn là những giây phút thót tim khi băng qua đường hoặc phấn khích hòa vào dòng người bất tận trong các con hẻm nhỏ, để các thanh âm và màu sắc của thành phố hàng ngàn tuổi mê hoặc, đưa bạn trở về quá khứ.