Trang chủ Liên hệ       Thư ba, Ngày 26/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > > Chuyện lạ đó đây >
  Sang Ấn độ thăm ngôi trường Đường Tăng du học Sang Ấn độ thăm ngôi trường Đường Tăng du học , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

(Dân trí) - Đến với đất Phật, mục tiêu của nhiều người là được đến thăm tứ đại thánh địa: nơi Phật sinh ở Lâm Tỳ Ny, nơi Phật thành đạo ở Bồ đề Đạo Tràng, nơi Phật chuyển Pháp Luân và cuối cùng là nơi Phật nhập niết bàn ở Câu Thị Na.

Nhưng trên đường đến với 4 địa danh "Đại Hồng Phúc " ấy, ta khó bỏ qua những điểm gắn với lịch sử Phật giáo, gắn với huyền thoại nhà sư đời Đường - Huyền Trang trong tiểu thuyết “Tây du ký” đã mấy trăm năm ăn sâu vào tâm khảm mọi người.

Ở Bang Bihar, cách trung tâm thành phố Patnar không xa ta sẽ đặt chân đến thành Vương Xá và cạnh đó là núi Liên Thứu nơi Đức Phật đã truyền kinh Pháp Hoa, rồi Trúc Lâm tịnh xá và trường Đại học Nalanda nơi nhà sư Huyền Trang đã từng đến hoc tập và giảng dạy hơn 1.300 năm trước.

Tháng Tư, trời đã nắng chói chang, nhưng con đường dẫn vào trường Nalanda rợp bóng cây xanh, tôi có cảm giác khá quen thân như đang đi vào một khu trường nào ở Việt Nam vậy.

Cổng Nalanda
Cổng Nalanda

Đến với Nalanda hôm nay, ta bắt gặp biển đề “Archaeological sủrvey of India” và cái tên Nalanda phía dưới, có nghĩa khu vực này giờ đây đang thuộc cơ quan khảo cổ Ấn Độ quản lý chứ không thuộc chủ quyền của Đại học Phật giáo Quốc tế Nalanda.

Dẫu vẫn biết những phế tích đền đài, thành quách ở Ấn Độ còn lại sau hàng ngàn năm nhiều nơi vẫn uy nghi, rạng rỡ... nhưng thực sự bất ngờ khi đặt chân đến khuôn viên Nalanda, một cơ sở tôn giáo được xây dựng từ thời vua A Dục khoảng 300 năm trước Công nguyên.

Qua bao biến thiên xây lên rồi bị phá, bị phá rồi trùng tu, mở rộng. Mở rộng nguy nga... rồi lại bị tàn phá dã man... mà hôm nay, còn đây sừng sững những khu nhà nền móng vững chắc với tường dày hàng mét, hàng chục bậc cầu thang lên xuống khoa học.

Có lẽ các nhà kiến trúc mới có thể hiểu được vì sao thời ấy cả ngàn năm trước người ta xây được những toà nhà cao 5-7 tầng lầu?! Tại sao giữa vùng đất nóng hầm hập mà hàng ngàn người thầy, người trò có thể sống tập trung trong những ngôi nhà tập thể. Chúng tôi đi xem từng phòng, phòng cho thầy giáo, có hai loại, một loại mỗi phòng chỉ một vị ở, một loại mỗi phòng có hai vị ở.

Phòng ở của giáo viên
Phòng ở của giáo viên

Những phòng sinh viên thì tất cả đều ở hai người. Theo người hướng dẫn cho biết thì, hai người ở cùng phòng nhưng không cùng lớp, thường là một trò cũ ở với một trò mới. Không biết người hướng dẫn có thêm thắt chút nào không khi anh ta nói rằng, thường thì học trò mới phải chịu khó phục tùng, thậm chí là bị học trò cũ sai vặt, nhưng bù lại hoc trò mới được học trò cũ kèm cặp mau tiến bộ.

Cầu thang giữa các tầng
Cầu thang giữa các tầng

Nghe vậy bất giác tôi nhớ lại điều mà Nhà nông học Lương Định Của từng chia sẻ với tôi. Dạo ấy, chúng tôi thi đua học kinh nghiệm Trung Quốc chia sinh viên thành các nhóm học tập, ông bảo làm kiểu ấy là con béo kéo con gầy, thế thì hai con cũng chết.

Hai cậu cùng trình độ, cùng nghe thầy giảng, thế rồi một cậu làm trò, một cậu làm thầy, cũng như hai anh không biết bơi cứ ôm lấy nhau thế nào cũng chết. Còn ở đây, quả thực nếu sinh viên Nalanda bố trí cho một người giỏi đã qua mấy năm học tập giúp người mới vào thì quá hay.

Di tích Nalanda trải rộng trên hàng chục hécta, qua khu nội trú sang khu giảng đường, đặc biệt là khu tu tập với tháp Xá Lợi Phất. Dần dần lịch sử thịnh suy của ngôi trường hiện lên rất rõ.

Khu vực đền thờ Xá Lợi Phất
Khu vực đền thờ Xá Lợi Phất

Sàn giảng đường lớn
Sàn giảng đường lớn

Giai đoạn tiền khởi, sau hơn 500 năm xây dựng với cơ sở vật chất hùng hậu với đội ngũ giáo sư uyên bác, lúc này Nalanda đã có 8 dãy tịnh xá lớn, có những bậc thầy tên tuổi lớn như Bồ tát Long Thọ, Nalanda đã thực sự trở thành trung tâm văn hoá lớn của Ấn độ và nhiều nước.

Nhưng rồi đến thế kỷ III sau Công nguyên, Hung-nô phương Bắc đã tràn đến và đốt phá tan hoang. Cơn cuồng phong qua đi, vua Badhapatsa lại bắt đầu xây dựng lại và trong suốt gần 3 thế kỷ sau đó các vương triều dù có theo Phật giáo hay không cũng đã dốc lòng ủng hộ, xây nên các công trình lớn như chánh điện trung tâm, đại tịnh xá.

Các công trình tiếp tục được xây dựng hết sức hoành tráng, thu hút hàng vạn sinh viên đến rèn luyện tu tập và ngày càng xuất hiện nhiều bậc tài cao đức trọng, tri thức siêu việt như Vô Trước, Thế Thân, Giới Hiền...

Có lẽ chúng ta từng nghe đến nhà sư Trung Hoa - Đường Huyền Trang vượt nghìn trùng gian khổ sang Tây Trúc thỉnh kinh qua tiểu thuyết “Tây du ký” của Ngô Thừa Ân, đây đúng là một tiểu thuyết thần thoại, nhưng cùng “Tây du ký” còn có “Tây vực ký” do Đường Huyền Trang ghi chép những viêc thực đã xảy ra trong quá trình sang Tây Trúc đất Phật du học.

Hiện nay sau gần 1.500 năm, kho tàng tri thức nhân loại vẫn lưu giữ được cuốn nhật ký sang Tây Trúc thỉnh kinh của Đường Tăng. Trong đó, ghi chép hết sức tỉ mỉ quá trình 17 năm du học của mình, cuốn nhật ký không chỉ ghi bằng chữ Hán mà đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, thực ra kể từ ngày thành lập đến khi Đường Huyền Trang tới học, Đại học Nalanda đã có bề dày 700 năm.

Trước Huyền Trang hơn 200 năm đã có Pháp Hiền khởi sự Tây du ở tuổi 60 và chặng đường từ Trung Hoa sang Ấn độ còn dài hơn, gian khổ hơn. Khoảng thời gian Tây du của Pháp Hiền cũng tương đương Huyền Trang - kéo dài 16 năm. Những ghi chép của Pháp Hiền trong Phật Quốc Tự cũng thật cụ thể, sau Pháp Hiền còn có 2 vị sư Trung Hoa cũng đã sang tu tập ở Ấn Độ, họ cũng có tài liệu ghi chép để lại, nhưng sơ sài không được như Tây vực ký của Huyền Trang.

Sau Huyền Trang còn có Nghĩa Tịnh và 56 vị có "hồ sơ" cụ thể, đáng chú ý có nguồn dẫn cho biết có 5 vị đến từ Giao Chỉ. Rồi còn có nhiều vị từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia...

Vào thời hưng thịnh Đại học Nalanda có tới 15.000 sinh viên và 3.000 giảng viên, Đại học Nalanda xứng đáng là một trung tâm đào tạo Phật giáo Quốc tế. Thời kỳ Đường Huyền Trang du học thì ở đây đã có 8.500 sinh viên và 1.510 giảng sư, nhưng đến thời kỳ Nhĩa Tịnh du học khoảng từ năm 675 đến 685 thì số giảng viên đã lên tới 3.000 vị, giảng sư và sinh viên đều là người tu hành.

Điều đáng chú ý là nội dung nghiên cứu, giảng dạy ở đây không chỉ đóng khung trong triết lý 18 phái bộ Phật giáo mà nghiên cứu cả nội dung triết học, kinh sách của Ấn Độ giáo, Bà la môn... Tầm quốc tế còn thể hiện ở chỗ những vấn đề nghiên cứu giảng dạy đề cập cả những lý luận, học thuyết ở ngoài Ấn Độ.

Các môn khoa học cũng đươc giảng dạy như y học, toán học, thiên văn học, ngôn ngữ học, kiến thức yoga... và dạy cả môn bắn cung. Về tuyển sinh, sinh viên phải có tuổi trên 20 và thông thạo tiếng Sanskrit, như vậy cho thấy chắc chắn phải thông thạo ít nhất là hai thứ tiếng Pali và Sankrit, tỉ lệ tuyển chọn khá cao chỉ lấy khoảng 20% số thí sinh dự tuyển.

Nguyên tắc tuyển hoàn toàn thuộc quyền của Ban giám khảo tuyển sinh, Ban giám hiệu không can thiệp. Cách hoc và dạy khá hiện đại, sau trình bày thuyết giảng có phần tranh luận đối thoại giữa sinh viên với giáo sư. Nhiều cuộc tranh luận theo chủ đề được tổ chức, theo Nhật ký Huyền trang mỗi ngày nơi đây bố trí tới 100 cuộc tranh luận với từng chủ đề cụ thể.

Để phục vụ cho việc ăn ở, học tập, nghiên cứu của hàng chục ngàn tu sĩ tại đây, thời Huyền Trang là nhờ sự cung ứng, hỗ trợ của 200 đại thí chủ cũng như dân chúng hơn 100 làng quanh vùng. Đến thời Nghĩa Tịnh lên đến 200 làng. Các thời vua cai trị đã có chính sách như miễn thuế để dân làng phục vụ cho Đại học Nalanda.

Nhà nước và nhân dân cùng làm phải chăng đã có từ cả mấy ngàn năm, chính nhờ cách làm ấy mà hàng chục ngàn giáo sư, sinh viên từ vạn dặm đến nhờ ăn, nhờ ở miễn phí mà yên tâm học tập tu luyện thành tài cao đức trọng?

Tại đây còn có một thư viện lớn, chính nhờ vậy mà sau 14 năm học tập giảng dạy tại đây, Đường Huyền Trang mới có một kho sách mang về Trung Hoa tới 657 bộ kinh, và dù có bị chìm đò trôi mất 50 cuốn thì cũng đủ để Đường tăng sau đó phiên dịch từ chữ Phạn ra chữ Hán 75 bộ kinh với 1.335 cuốn làm cơ sở cho Phật học Á Đông.

Ánh sáng Phật pháp từ Nalanda lan truyền ngày một lớn, nhưng đến năm 1.193 bạo chúa Bakhtiya Khiji từ Thổ Nhĩ Kỳ tràn sang bắt đầu cuộc chiến đẫm máu, giết hại hàng trăm ngàn dân vô tội ở khắp nơi trên đất nước Ấn Độ, trong đó có Đại học Nalanda.

Riêng thư viện đã bị đốt cháy phải mất bảy tháng mới tắt, hàng ngàn tu sĩ, giảng viên vị giết hại. Các tu viện, tịnh xá, phòng học, phòng ở bị đập phá tan tành, Nalanda thật sự bị sụp đổ cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Ngài hiệu trưởng cuối cùng đã phải tìm sang Tây Tạng. Đại học Nalanda hôm nay qua những gì thấy được trên phần đất 14 hécta còn lại để làm "bảo tàng sống” hôm nay, cũng đủ cho khách hành hương chúng tôi hình dung ra sự kỳ vĩ của một thời mà theo người thuyết trình viên cho biết: trước đây với 8 tịnh xá và 5 "chùa" thì khu Nalanda rộng tới hơn 14 km chiều dài và 5 km chiều rộng. Tất cả đã bị tàn phá và chìm xuống lòng đất.

Phải đến thế kỷ 20, vào năm 1915 -1937 mới được các nhà khảo cổ khai quật và đánh thức dậy niềm tự hào về một công trình văn hoá hàng đầu của Ấn Độ và của đạo Phật, xứng đáng là di sản nhân loại.

Thú thật lúc vào thăm tôi cứ nghĩ là điểm dừng chân chốc lát, nên lướt qua bảng giới thiệu ở cổng, cho nên lúc trở ra tôi phải chụp lại bản giới thiệu để về nghiền ngẫm:

Sàn giảng đường lớn
 

“Lịch sử Nalanda gợi nhớ lại quá khứ, thời kì của ngài Mahavira và Đức Phật Gautama trong thế kỉ 6 trước Công nguyên. Đây cũng là nơi sanh và nơi niết bàn của Sariputta, người học trò nổi tiếng của Đức Phật. Nalanda trở nên nổi tiếng vào thế kỉ 5 sau Công nguyên như một tu viện và học viện về các nghệ thuật phương Đông và giáo dục Phật giáo.

Nalanda lôi cuốn rất nhiều học viên từ phương xa trong đó có Trung quốc. Trong một thiên hà đầy sao sáng đó có những cái tên như: Nagajuna (Long Thọ), Aryadeva, Vasubandhu (Thế Thân), Dharmapala (Hộ Pháp), Suvishnu, Asanga (Vô Trước), Silabhara, Dharmakirti, Shantaraksita và các nhà chiêm bái Trung Quốc nổi tiếng như Huyền Trang và Pháp Hiển.

Huyền Trang và Pháp Hiển đã mô tả chi tiết tất cả các tu viện và thánh tích của Nalanda cũng như tiểu sử của các tu sĩ tại đây…”

Huyền Trang tôi tưởng do mình quá quen thuộc với Tây du ký nên mới đề cao như vậy, nhưng đến đây mới thực sự thấy rõ vai vò của ngài và cuốn Nhật ký của Đường Tăng trong nghiên cứu khai quật tìm lại một Nalanda kỳ vĩ trước đó cả ngàn năm.

Chính vì vậy, Huyền Trang kỷ niệm đường mới được xây dựng cách Nalanda cũ vài km, cạnh trường Đại học Nalanda mới, cũng cách trung tâm Nalanda vài km. Theo người hướng dẫn những vị trí này vẫn nằm trong khuôn viên Nalanda ngày trước.

Tháng 8/2010 hai viện Quốc hội Ấn độ thông qua dự án xây dựng lại Đại học Nalanda với tổng số vốn đầu tư cho cơ sở nhà trường là khoảng 500 triệu đô la Mỹ, và vì bang Bihar quá nghèo, cơ sở hạ tầng còn thấp, nên cũng cần có thêm 500 triệu đô la Mỹ nữa để tăng cường trang bị cơ sở hạ tầng kết nối mới đảm bảo cho giáo sư và sinh viên quốc tế đến nghiên cứu học tập như một Nalanda của 1.500 năm trước.

Dự án Đại học Nalanda đang thu hút hàng chục chính phủ và các tổ chức tôn giáo các nước Á Đông tham gia. Singapore đã quyên góp hàng trăm triệu đô la cho xây dựng thư viện Đại học Nalanda.

Trong thời kỳ đầu, chủ yếu dành cho nghiên cứu sinh với 7 học viện: học viện Quan hệ Quốc tế và nghiên cứu Hoà bình, học viện Quản lý thương mại, học viện Khoa học thông tin và kỹ thuật, học viện Lịch sử, Học viện nghiên cứu Phật giáo và các tôn giáo, học viện Ngôn ngữ và văn học, học viện Sinh thái và tài nguyên môi trường.

Các học giả Ấn Độ hy vọng: Mục đích xây dựng lại Đại học Nalanda là khẳng định tính quan trọng của trí tuệ phương Đông và chắc chắn khát vọng của nhân loại đối với tri thức không chỉ do phương Tây chủ đạo.

Xây dựng lại Đại học Nalanda là biểu tượng PHỤC HƯNG CHÂU Á.

Nguyễn Lương Phán


  Các Tin khác
  + Gột rửa tâm hồn ở “Vương quốc hạnh phúc” Bhutan (07/11/2019)
  + Bãi Trường - địa điểm ngắm hoàng hôn thơ mộng ở Phú Quốc (05/11/2019)
  + Thánh đường cầu kỳ nhất thế giới hơn 130 năm chưa hoàn thiện (05/11/2019)
  + Bụi kim cương huyền ảo ở nơi lạnh nhất Nhật Bản (05/11/2019)
  + Rừng thiền Huyền Không Sơn Thượng: Đi để tĩnh lặng (05/11/2019)
  + Có hẹn cùng Huế ngày thu (04/11/2019)
  + Cây nghìn tuổi ở Trung Quốc thay lá vàng rực, đẹp tựa chốn bồng lai (04/11/2019)
  + Hà Nội - một thành phố đẹp nhất thế giới (04/11/2019)
  + Bộ lạc nổi tiếng với sức khỏe dẻo dai và nhiều mỹ nhân đẹp nhất thế giới (03/11/2019)
  + Đà Lạt lập đông: Mùa hoa ban “Background” xịn sò cho những bức ảnh siêu đẹp (03/11/2019)
  + Khám phá những con đường trong lòng TP Nha Trang (03/11/2019)
  + Nước giếng Hà Nội (03/11/2019)
  + Độc đáo tòa tháp thời Lý cùng những cổ vật nghìn năm tuổi ở Hải Phòng (03/11/2019)
  + Những truyền thuyết muôn đời bí ẩn gắn liền với ngày Halloween (03/11/2019)
  + Mùa Dã quỳ gọi mùa đông về trên mảnh đất Tây Nguyên (01/11/2019)
  + Quảng Trị: Vùng đất với nhiều điểm du lịch chưa được biết đến (01/11/2019)
  + Cỏ lau nở trắng trời ở Vạn Lý Trường Thành phiên bản Việt (01/11/2019)
  + Những làng chài thơ mộng như tranh vẽ ở Quảng Ninh: Điểm đến thường xuyên của khách du lịch (01/11/2019)
  + THÀNH PHỐ BARROW – 67 NGÀY CHÌM TRONG BÓNG TỐI (31/10/2019)
  + Khách du lịch một mình chuộng điểm đến trong nước (30/10/2019)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 8
Total: 65245393

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July