Hai bộ hài cốt này có niên đại từ thời Trung cổ và bấy lâu nay vẫn nằm trong khuôn viên Nhạc viện Sigismund Toduta. Ở thế kỷ 15, nơi đây vốn là tu viện của các tu sĩ thuộc dòng Thánh Dominic.
Dựa trên những nghiên cứu ban đầu, các nhà khảo cổ kết luận hai bộ hài cốt này có niên đại từ năm 1450-1550. Sự ra đi của họ có thể là một câu chuyện bi kịch theo kiểu “Romeo và Juliet”.
Người đàn ông đã bị giết bởi một vật sắc nhọn đâm thẳng vào ngực còn lý do đưa tới cái chết của người phụ nữ vẫn chưa được xác định bởi trên bộ xương không có dấu hiệu thương tích. Khi ra đi họ là những thanh niên khỏe mạnh, trên dưới 30 tuổi.
Việc một đôi tình nhân được chôn trên mảnh đất linh thiêng, thần thánh của một tu viện chắc chắn là một sự kiện kỳ lạ và đình đám lúc bấy giờ. Sự ra đi của họ chắc chắn phải gây ra một sự chấn động trong dư luận địa phương mới có thể khiến cặp đôi được chôn cất chung một cách khác thường như vậy. Có lẽ, người phụ nữ này đã qua đời vì một cơn đau tim hoặc đột quỵ ngay sau khi nghe tin người đàn ông của cô đã chết.
Một điều nữa có thể suy luận ra về thân thế của cặp đôi này là họ phải xuất thân cao quý hoặc rất giàu có mới có thể được chôn cất trong khu vườn nhỏ của tu viện. Nơi đây có một đài phun nước và một khu vườn xinh xắn, thường là chỗ để các tu sĩ tìm tới cầu nguyện và đọc sách.
Trong quan niệm của những người theo đạo Thiên Chúa, được chôn cất trong khuôn viên nhà thờ, tu viện là một đặc ân lớn, giúp linh hồn họ được hoàn toàn gột rửa sạch sẽ để lên thiên đàng với Chúa. Đó là niềm mong mỏi của mọi tín đồ Thiên Chúa Giáo lúc qua đời.
Tu viện dòng thánh Dominic hiện là một trong 3 công trình tôn giáo quan trọng còn tồn tại từ thời Trung Cổ ở thành phố Cluj-Napoca.
Một cánh cửa gỗ cổ kính
Nơi đây còn lưu lại những dấu ấn kiến trúc cổ kính từ thế kỷ 15-16. Nữ hoàng Dowager của Hungary đã từng lưu lại trong tu viện này 9 tháng (đất nước Hungary khi đó trải rộng ra tới tỉnh Transylvania của Romania).
Trong thời gian sống tại đây, năm 1557, bà thảo ra chỉ dụ đầu tiên về quyền tự do tôn giáo, trở thành vị quân chủ đầu tiên tại Châu Âu có cái nhìn cởi mở về vấn đề tôn giáo.
Pi Uy
Theo The History Blog