Hàng nghìn phiến đá cổ nằm lẫn giữa cỏ dại và dây leo chằng chịt trên sườn đồi Pọm Páng (Thanh Hóa), ẩn chứa nhiều câu chuyện rợn người.
Do tác động của thời gian, nhiều ngôi mộ đã bị san ngang bằng mặt đất, chỉ còn viên đá trấn yểm nằm xiêu vẹo.
Đồng bào Thái ở bản Co Me (Cây Me) thuộc xã Trung Sơn, huyện vùng cao biên giới Quan Hóa, Thanh Hóa gọi đồi Pọm Páng là quả đồi ma. Cánh rừng bí ẩn nằm lọt thỏm giữa Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, cách thành phố Thanh Hóa chừng hơn 200 km. Men theo quốc lộ 6, tới ngã ba Tòng Đậu, trườn sang đường 15A, theo tả ngạn sông Mã là đến khu rừng này. Để đến được “vùng đất thiêng” của người Thái, du khách phải mất một gần ngày trời băng qua vô vàn đèo dốc, những khúc cua tay áo. Phương tiện duy nhất di chuyển vào bản Co Me là xe máy, không có đường ôtô.
Những cụ già trong bản Co Me kể lại, xưa kia trong rừng, những khúc xương người nằm vương vãi, lăn lóc giữa gai góc và cỏ dại. Nhiều cụ già trong làng tin rằng, đó là xương cốt của những kẻ liều mạng dám cả gan bước qua lời nguyền truyền kiếp để vào rừng tìm vàng bạc châu báu mà người xưa để lại. Có người bảo, đó là xương người do lũ hổ ăn thịt bỏ lại... Không ai dám bén mảng tới đây, trừ bọn trộm mộ vãng lai băng rừng từ hướng Mường Lát, Lai Châu, Hòa Bình qua.
Cũng vì coi khu rừng ma là “lãnh địa của thần linh” nên hễ thấy có kẻ là mặt xuất hiện, mọi ánh mắt dân bản Co Me đều ném về phía vị khách không mời như dò xét, cảnh giác. Những ánh mắt sắc lẹm đó cho thấy cảm giác về một thế giới khép kín, kỳ bí, không nhiều giao thương với bên ngoài.
Trưởng bản Co Me, Phạm Bá Thược, cho biết ở đây có một khu rừng mộ đá kỳ lạ mà lâu nay, theo đồn đại của người dân địa phương, đó là khu mộ của những người xa xưa “may mắn” chỉ bị hổ tát tai. Người Thái địa phương từng tin rằng, khi “chúa sơn lâm” vồ người, nếu tay của nó chạm vào tai thì con hổ sẽ bỏ xác lại mà không thèm ăn thịt.
Sau đó, người ta thường chôn kẻ xấu số trong rừng sâu, bên trên phải đặt những phiến đá lớn kè chặt để tránh bị loài thú khác đào bới. Nếu chẳng may bị thú dữ moi thấy xác, hồn phách người đó sẽ không thể siêu thoát mà cứ lởn vởn quanh làng, ám hại người dân.
Già làng Phạm Bá Tình là người đầu tiên dám đặt chân sang “vùng đất chết” và cũng là người hiểu rõ cấu trúc của khu mộ đá. Dù đã ngoài tuổi thất thập, dáng gầy gò, da đen cháy nhưng bước đi thoăn thoắt, cụ Tình phăm phăm tiến về phía trước. Từng đôi lần “mò” vào rừng ma nên cụ Tình nhớ khá rõ vị trí những ngôi mộ đá.
Nằm sâu giữa cánh rừng, phía dưới những tán cây cổ thụ, một quần thể hàng trăm ngôi mộ nằm xen giữa cây rừng rậm rạp. Nhiều ngôi mộ cổ ở đây dài tới 5-7 mét. Một số khác ngắn hơn cũng độ 3-4 mét. Xung quanh các ngôi mộ đều được chôn theo nhiều phiến đá lớn theo hướng dựng đứng. Phiến đá phần đầu thường lớn hơn so với những phiến còn lại. Trên sườn đồi Pọm Páng là chi chít các ngôi mộ cổ, không thể đếm xuể có bao nhiêu ngôi mộ cổ trong khu rừng. Cứ cách vài mét lại nhìn thấy những phiến đá tương tự, chôn vòng theo hình ô van, hoặc chữ nhật, hay hình elip. Nhiều phiến đá lớn đã bị xô nghiêng, không rõ do tác động của bàn tay con người, hay thời gian...
Nằm giữa trung tâm cánh rừng là một ngôi mộ được cho là mộ tổ của người Thái cổ ở Co Me. Phía trên ngôi mộ này có một phiến đá to cỡ chiếc chiếu một, cao đến quá đầu người, rộng hơn 1m, dày khoảng từ 10 đến 20 cm, bề mặt đã bị phong hóa nặng tạo nên lớp mùn mỏng, không còn nhìn rõ những nét chữ Nho khắc trên đó.
|
Có điều đặc biệt, trong vùng không hề có loại đá dùng để táng quanh khu mộ này. |
Về chủ nhân của ngôi mộ đá lớn nhất trong nghĩa địa Co Me, ông Phạm Bá Tình khẳng định đó là mộ của ông Tiều, ông Tổ của vùng đất này. Theo lời kể của những người cao niên, bản Chiềng được lập do công một vị thủ lĩnh người Thái. Vì không ai biết rõ tên, họ của ông nên dân gian quen gọi một cách kính ngưỡng là ông Tiều (ông Cả, ông Trưởng).
Mấy trăm năm về trước, ông Tiều dẫn một đoàn thuyền lớn chất đầy gạo, muối, cung nỏ, đạn dược ngược dòng sông Luồng đến khúc sông này. Thấy thế đất đẹp, ông bèn dừng thuyền lập bản, đặt tên là bản Chiềng (bản Trung tâm). Gần đây, khi dân bản Chiềng đã đông đúc, người ta lại qua sông lập thêm bản Co Me. Người bản Chiềng, bản Co Me bây giờ chính là hậu duệ nhiều đời của ông Tiều.
Có điều đặc biệt là theo ông Tình, trong vùng không hề có loại đá dùng để táng quanh khu mộ này. Và cho đến tận bây giờ, người dân địa phương vẫn chưa thể lý giải được, khu mộ có từ bao giờ, đá này được vận chuyển từ đâu tới? Làm cách nào mà người xưa với những phương tiện thô sơ có thể ghè đẽo được những tấm đá lớn nặng hàng tấn như vậy?...
Theo bà Trịnh Thị Lan, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, tác giả dự án khảo sát nghiên cứu văn hóa cổ truyền xứ Thanh, việc dựng những phiến đá lớn xung quanh khu mộ Co Me là hình thức mai táng theo quan niệm của những cư dân Việt, Mường cổ.
Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn, Trưởng ban Quản lý di tích và danh thắng Thanh Hóa cho biết, sau khi nghe thông tin về khu mộ đá bí ẩn ở bản Co Me, ngành chức năng đã có văn bản yêu cầu chính quyền địa phương kiểm tra thực trạng khu ngôi mộ này để có biện pháp bảo tồn phù hợp. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ mời các nhà nghiên cứu mộ cổ ở Viện khảo cổ học Viện Nam về kiểm tra, đánh giá để giải mã những bí ẩn về khu mộ đá cổ này”, ông Tuấn nói.