Miếu thờ nơi diễn ra lễ hành xác.
Những người biết đến tập tục này khẳng định họ từng chứng kiến người tham gia hành động kỳ dị, không hề biết đau hay bị thương tích khi tắm vạc dầu sôi, dùng vật nhọn rạch lưỡi, đâm xuyên qua má… Những thứ nghe qua tưởng như quá khó tin với bất kỳ “người trần mắt thịt” nào. Trong một chuyến hành trình trở lại miền Tây, PV Báo GD&XH Cuối tuần đã đến tận nơi diễn ra tập tục này để tìm hiểu hư thực.
Tục lệ này diễn ra vào tháng Giêng theo truyền thống dòng họ là 2 thanh đoản kiếm sáng lóa, một thanh sắt nhọn như chông tre, một cặp chùy tua tủa đinh, một cặp ghế có đính bàn chông và những dụng cụ kinh dị khác để… “hành xác”. Những người chứng kiến phải rùng mình khi thấy những người trần mắt thịt dùng vật nhọn tự rạch lưỡi và tắm dầu đang sôi ùng ục, đi qua than hồng…
Ông lão giữ ngôi am kỳ bí
Từ nhỏ, tôi đã được nghe nhiều về tập tục lạ và huyền thuật kỳ bí, của những người có khả năng kỳ lạ, ở một vùng đất nằm mạn thượng nguồn sông Tiền ở An Giang. Người ta bảo rằng, trong lễ hội đó có những người hành động rất kỳ dị, họ không biết đau, không biết sợ và đặc biệt chiến thắng được những thứ “tầm thường” mà người phàm trần không ai vượt qua. Có người đi xem, sau khi tận thấy thì về trầm trồ rằng, những người có khả năng kỳ lạ ấy là người được “cõi trên” sai xuống hạ giới để hứng nỗi đau, san sẻ bi ai với người cõi trần.
Bẵng đi thời gian dài, những câu chuyện kỳ lạ đó im bặt, không ai còn nhắc tới nữa. Có anh bạn là nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ ở TP. HCM từng chắc mẩm khẳng định với tôi rằng, tập tục huyền bí ấy hoàn toàn có thực, hiện vẫn còn một số thôn ấp bí mật giữ tục truyền thống. Đây là sản phẩm do những con người miền Tây sông nước tạo ra và truyền kế cho các đời sau, mang nét đặc trưng không thể trộn lẫn. Tuy nhiên, nó không còn công khai như thuở mới xuất hiện, bởi lý do quá rùng rợn và kinh hãi, dễ gây mê tín dị đoan.
Là sản phẩm văn hóa thì cần được lưu giữ, nhất là đó lại là tập tục tín ngưỡng ăn sâu vào đời sống tinh thần của người dân. Trăn trở với những nghi hoặc trên, chúng tôi đã thu thập những thông tin liên quan và quyết định “phiêu lưu” một chuyến về An Giang để rõ thực hư. Tại thị xã Tân Châu sau nhiều ngày bách bộ hỏi han, lang bạt khắp thị trấn, tham vấn ý kiến của các bậc cao niên ở những thôn ấp miền thượng nguồn sông Tiền, cuối cùng chúng tôi đã tìm ra tịnh thất của một dòng họ lớn ở Phường Long Thị B (thị xã Tân Châu). Đây được xem là nơi hiếm còn sót lại lưu giữ tập tục kỳ lạ như đã nói.
Chiếc am khiêm tốn mang tên “Am thờ chư vị Đường Công”, nằm trong một con hẻm nhỏ, không có gì nổi bật. Người hằng ngày hương khói và trông coi am là cụ ông Nguyễn Văn Hai (còn gọi là Hai Nhung), ông chính là trưởng dòng họ Nguyễn Văn nổi trong vùng. Biết chúng tôi tìm hiểu hiểu câu chuyện, ông cười vui vẻ gật đầu, rồi tìm chìa khóa mở am thất. Chiếc am nhỏ sạch tinh tươm, mọi thứ được xếp gọn gàng cho thấy con người thường hay lui tới. Bên trên thờ 5 bức tượng nhỏ gọi là 5 chư vị Đường Công gồm: Đường Công, Bửu Công, Lãng Công, Chí Công và Hóa Công, tượng trưng cho năm vị thần có vị trí tâm linh quan trọng trọng trong tín ngưỡng của người dân nơi đây. Ông Hai Nhung bảo, am chính là của gia truyền, lưu giữ rất nhiều câu chuyện cũng những chứng tích liên quan đến tục lạ mà chúng tôi đi tìm hiểu. Bản thân ông cũng chính là người thừa kế và trông coi những dụng cụ phục cụ việc “hành xác” cho đời sau. Những dụng cụ đó được cất giữ cẩn thận trên ban thờ, nó quý giá hơn cả gia phả dòng họ.
Những công cụ phục vụ cho việc “hành xác”.
Huyền thuật khó giải mã
Ông Hai Nhung kể rằng ngôi am này không phải là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của cả dân làng mà chỉ dành riêng cho dòng họ. Nguyên thủy, chiếc am được cụ Nguyễn Văn Tròn là nội của ông Hai Nhung xây cất phục vụ cho việc bốc thuốc cứu người. Cụ Tròn có người con trai cuối cùng là ông Nguyễn Văn Út Cây (tự Út Cây). Ông Út Cây chính là người tạo ra những tập tục kỳ bí trên và được con cháu, các chi họ truyền giữ cho đến tận ngày nay. Câu chuyện ông Út Cây “hóa thánh” được ông Hai Nhung kể với chúng tôi đầy tính liêu trai nhưng hết sức cụ thể.
Rằng, khi đang ở trong am thì bỗng nhiên “ông trên” (thần linh) nhập vào người, khiến ông Út không thể ăn, ngủ mà chỉ thích hành xác hàng tháng trời. Sau đó, ông rơi vào trạng thái mất lý trí như ai đó điều khiển, rồi đi như mộng du ra một ngôi đình rồi dừng lại. Ông ngửa mặt lên nóc đình bảo: “Trên nóc có một chiếc xiên quai (thanh sắt nhỏ, dài có thể xiên qua da thịt)”. Mọi người nghe theo, cử một người bắc thang leo lên kiểm tra thì quả đúng. Sau khi “ông trên” rời xác về trời, ông Út Cây tỉnh lại và bảo con cháu làm những thứ theo sự chỉ dẫn của ông. Đó là hai thanh kiếm (hai bên đều sắc bén), một thanh sắt dài vừa tầm tay được mài sắc nhọn (thứ mà ông Út từng thấy ngoài đình), một cặp chùy tròn có gắn đinh nhọn lua tủa có gắn dây, một cặp ghế tựa nhưng nơi ngồi phải gắn đinh nhọn, hoặc dao chông lưỡi sắc bén, một cái vòng (tựa miệng rổ)…Tất cả những thứ kỳ dị trên, ông bảo phục vụ cho việc “hành xác”.
Thế rồi cứ đến ngày rằm tháng Giêng hàng năm, ông Út Cây lại được “bề trên” nhập một lần, việc nhập khiến ông rơi vào trạng thái như thể mộng du trong khoảng 4 ngày. Ông Út dùng chiếc chùy tự đánh vào thân thể mình, xong lại ngồi lên bàn đinh, dùng dao rạch lưỡi. Nhưng thật lạ là không hề có cảm giác đau đớn hay sợ hãi, những vết thương dù tóe máu nhưng chỉ cần dán một tấm bùa vào thì khỏi ngay, và đặc biệt khi được “thần linh” trả xác thì ông không hề biết gì nữa.
Ông Hai Nhung bảo, khi lễ cúng diễn ra, người được “ông trên” nhập xác sẽ tự lấy cặp chùy vụt túi bụi vào người mà không kêu van; có người lại dùng thanh kiếm bén rồi lè lưỡi ra rạch từng đường để máu chảy; có người lại lấy thanh “xuyên quai” đâm xuyên từ má bên này sang má bên kia, rồi một thanh đâm ngược lại như thể dùng đũa tre đâm xuyên nắm cơm. Chưa hết, ông Hai Nhung chỉ sang cặp ghế tựa mà cơ man nào đinh khiến tôi sởn gai ốc. Ông bảo, đó chính là nơi ngồi của những ai được “ông trên” nhập. Nếu người được nhập là nam thì đó là bàn đóng bằng đinh, nếu là nữ thì nơi ngồi gắn bằng những lưỡi dao sắc nhọn.
Ngày nhỏ, ông Hai Nhung còn trông thấy cảnh tượng rất rùng rợn nữa là người được ông trên nhập xác có thể tắm cả một vạc dầu đang đun sôi hay đi qua cả một con đường đầy than đỏ mà không hề bị phỏng. Thấy tôi nghi ngờ, ông Hai Nhung lấy cả danh dự của một người 85 tuổi để cam đoan đó là điều hoàn toàn có thật. Không những ông nghe mà đã chứng kiến rất nhiều lần, còn chuyện có phép màu gì che chở, bảo vệ cho họ ra sao thì ông không thể biết được. Sau khi “ông trên” thoát xác trở về trời, người bị nhập hoàn toàn tỉnh táo và đặc biệt không nhớ những gì đã diễn ra hoặc những gì bản thân vừa làm.
Nghi lễ để đuổi tà ma
Ông Hai Nhung và những “bảo vật” của tục “hành xác” bên ngôi miếu.
Ông Hai Nhung cho biết, đó là tâp tục truyền thống của dòng Nguyễn Văn nhà ông, nhưng từng có một thời là “tài sản” của cả thôn ấp. Việc rạch lưỡi là lấy máu vẽ bùa bảo vệ sức khỏe, đuổi tà ma cho những ai có nhu cầu, còn rất nhiều ý nghĩa khác mà những người tín ngưỡng mới có thể cảm nhận chứ rất khó giải thích. Theo lời ông Hai Nhung, lễ cúng được tiến hành từ ngày từ 13 đến 16 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Tuy nhiên, ngày nay thì nó đã phai nhạt và lược bỏ đi rất nhiều tục cúng như tắm vạc dầu. Hơn nữa lễ quá huyền bí, cũng như quá kinh hãi, khiến người xem sợ nên chính quyền không khuyến khích tổ chức, nên ngày nay lễ cúng mang tính tượng trưng nhiều hơn.
|
Theo Ngọc Bình
GĐ&XH