Bao năm nay, người dân vùng đất này vẫn lưu truyền về một chuyện tình bi thương và công dụng kỳ diệu của cây chuối lạ này.
Cây chuối cô đơn giữa rừng già.
Giữa bạt ngàn rừng núi lại có loài cây kỳ lạ chỉ mọc một mình, hoa có màu xanh cốm, nở rộ như hoa sen. Đó là cây chuối “cô đơn” trên vườn quốc gia Xuân Sơn (xã Xuân Sơn, Huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ). Bao năm nay, người dân vùng đất này vẫn lưu truyền về một chuyện tình bi thương và công dụng kỳ diệu của cây chuối lạ này.
Từ Hà Nội, chúng tôi có mặt ở Xuân Sơn khi ánh nắng đầu tiên vừa ló dạng. Suốt đường đi, cả người và xe đều được thử thách với những con dốc ngoằn ngoèo len mình giữa bạt ngàn cây cối. Đường ở đây có những quãng bên này vách núi cheo leo, bên kia vực sâu thăm thẳm. Mỗi cung đường xe qua là mỗi lần khách reo lên đầy ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của mây, núi và cả sự biến đổi của khí trời.
Truyền thuyết về cây chuối lạ
Vườn quốc gia Xuân Sơn chính thức thành lập năm 2002 với diện tích 15.000ha gồm những núi đá vôi có độ cao từ 700 - 1.300m so với mực nước biển. Nơi đây còn lưu giữ được sự đa dạng sinh học và có tới 40 loài cây, con thú được ghi trong sách đỏ của Việt Nam.
Trong khu rừng nguyên sinh này có biết bao loài cây kỳ lạ nhưng có một loài cây đặc biệt nhất mang tên chuối “cô đơn”. Sở dĩ loại cây này có tên như vậy là bởi từ khi nảy mầm đến trổ buồng, nó nhất định không chịu đẻ cây con. Phải chờ đến lúc quả chín căng mọng, thân mẹ rũ mình chết héo, kết thúc một đời cô quạnh thì những hạt chuối rụng xuống đất mới nảy mầm thành cây con, hình thành sự sống mới. Ngạc nhiên hơn, loài chuối này còn có khả năng chữa nhiều loại bệnh mà Tây y cũng phải "bó tay".
Đem những điều kỳ lạ về cây chuối “cô đơn” đến Bản Cỏi (xã Xuân Sơn) hỏi những người già thì được biết, liên quan đến loại chuối này là một câu chuyện tình rất đỗi bi thương. Một cụ già xúc động kể lại, xa xưa, có một đôi nam nữ làm bạn với nhau từ bé. Sau đó, khi trưởng thành, họ yêu nhau và nguyện sánh đôi đến đầu bạc, răng long.
Trước ngày cưới của đôi trẻ, cha mẹ cô gái bất ngờ bắt con phải phá vỡ lời hẹn ước vì phát hiện chàng rể tương lai mắc nhiều căn bệnh lạ. Biết chuyện, gia đình nhà trai vì tự ái cũng nhất quyết ngăn cản con mình lấy cô gái đó. Yêu nhau mà không đến được với nhau, đôi nam nữ quyết định trốn lên rừng để sống một cuộc sống tự do, không ràng buộc.
Không ngờ, sau mấy ngày chạy trốn, chàng trai phát bệnh nặng, chân tay sưng phù, mọng nước. Thấy mình bị như vậy, chàng trai đã khóc lóc và tự trách mình làm khổ người yêu. Sau khi tìm được nơi an toàn trên vách núi cho cô gái, chàng trai liền bỏ ra đi. Sáng tỉnh dậy không thấy người yêu, cô gái nghĩ rằng chàng lên rừng săn thú như mọi khi mà không biết sẽ chẳng bao giờ được gặp lại người mình yêu dấu.
Thời gian trôi đi, cô gái vẫn ngóng trông người yêu quay trở lại với cái thai trong bụng đang lớn từng ngày. Cuối cùng, cô quyết định đi tìm chàng trai nhưng kết quả chỉ là sự vô vọng. Một ngày nọ, cô tìm được đường xuống chân vực thì bất ngờ phát hiện thi thể của một ai đó. Sau phút hoảng sợ, cô nhận ra chiếc vòng cổ của người yêu. Thì ra, anh đã treo cổ tự vẫn để giải thoát mình khỏi nỗi đau thể xác.
Sau khi sinh con, người con gái cũng kiệt sức mà chết rồi hóa thành một cây chuối kỳ lạ, hoa chuối màu xanh cốm mọc giữa rừng thiêng. Sau này, có một người dân đem cây chuối về trồng thì thấy cây chuối không đẻ cây con mà chỉ thấy ra quả chín rồi tự chết đi. Cả đời cây chuối chỉ sống một mình nên họ mới gọi đó là cây chuối “cô đơn”.
Bi kịch khiến đôi uyên ương trong câu chuyện phải chia lìa chỉ là do bệnh tật. Và vì thế, khi người con gái hóa thân thành cây chuối “cô đơn” đã để cho cây chuối có khả năng chữa bệnh diệu kỳ. Người dân ở vùng Xuân Sơn dùng nó để chữa các bệnh đi ngoài, sỏi thận, phù, viêm loét dạ dạy, dị ứng da… Tùy vào những căn bệnh khác nhau mà sử dụng những bộ phận khác nhau trên cây chuối để chữa trị.
Ông Bàn Xuân Lâm. |
Những bài thuốc quý
“Tôi cũng là người dân tộc Dao, sinh sống ở đây hơn 50 năm rồi. Chuyện về cây chuối cô đơn là một giai thoại được người dân ở đây truyền tụng. Sử dụng nguyên liệu từ cây cuối cô đơn để làm thuốc chữa bệnh là thói quen của người dân nhiều năm nay. Những bài thuốc từ cây chuối đều rất hiệu quả, chúng tôi coi nó là “thần dược” để trị nhiều căn bệnh thường gặp trong cuộc sống”
- ông Bàn Xuân Lâm, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn, cho biết.
Theo chân anh Hoàng Kim Sơn (Trạm trưởng Vườn quốc gia Xuân Sơn), chúng tôi đã được mục sở thị loài chuối có cái tên rất lạ này. Chuối “cô đơn”, hay còn gọi là chuối bạc hà, thường sống đơn độc giữa rừng già. Nó trồng bằng hạt chứ không có chuối con ấp mẹ như chuối thường.
Giống chuối này cao tới 3m, đường kính thân có chỗ tới 0,60m, thon dần lên ngọn, bản lá có kích thước 0,60m x 3m. Cây thân kép, màu xanh nhạt có phủ lớp sáp trắng. Loại chuối này rất ít khi ra hoa nhưng đã ra hoa thì cực kỳ lạ. Hoa chuối màu xanh cốm, rất to, đậu ít quả nhưng nhiều hạt.
Về công dụng chữa bệnh của cây chuối cô đơn, cụ Hà Thị Lễ (một người bản Lạng, xã Xuân Sơn) cho biết: “Nhà tôi đã 3 đời chữa bệnh bằng thuốc Nam và dùng rất nhiều bài thuốc có nguyên liệu từ cây chuối cô đơn này”.
Theo cụ Lễ, cây chuối cô đơn có rất nhiều tác dụng với những loại bệnh khác nhau. Ví như bệnh sỏi thận thì nên chọn một quả chuối thật chín, lấy hột phơi khô, tán nhỏ. Sau đó, cho 7 thìa bột hột chuối vào một siêu nước đun nhỏ lửa, khi còn 2/3 mức nước thì đem uống hằng ngày như nước trà, uống liền vài ba tháng sẽ thấy dứt bệnh. Ngoài ra cũng có thể lấy quả chuối thái mỏng, sao thật vàng, sau đó hạ thổ, mỗi ngày vốc một vốc sắc thành 3 - 4 bát nước uống vào lúc no.
Đối với bệnh tiểu đường thì cần đào lấy củ cây chuối, rửa sạch, giã nát ép lấy nước uống. Dùng thường xuyên và lâu dài có tác dụng ổn định đường huyết. Trẻ em bị táo bón có thể lấy một quả chuối chín đem vùi lửa, khi quả ngả màu đen thì lấy ra để nguội rồi cho trẻ ăn, khoảng 10 phút thì đại tiện được. Cụ Lễ còn cho biết thêm, lá và vỏ quả chuối khô khi sắc uống còn rất lợi tiểu và chữa được chứng bệnh phù thũng hay đái dắt.