Hầu như ai cũng có một dòng sông quê hương đầy ắp kỷ niệm. Mỗi dòng sông là một chứng nhân của lịch sử bể dâu. Sông Sài Gòn cũng vậy.
Sông Sài Gòn - Ảnh: Diệp Đức Minh
Phố xá được hình thành hơn 300 năm trước, mang tên của dòng sông nhưng con người đã sinh sống ở đây từ vài ngàn năm.
Sông Sài Gòn dài 256 km, gồm 2 nhánh nhỏ, bắt nguồn từ vùng biên giới Việt - Cam (Tây Ninh và Bình Phước), tạo thành hồ Dầu Tiếng, xuôi Bình Dương, qua Sài Gòn rồi hợp lưu với sông Đồng Nai thành sông Nhà Bè, chia thành 2 nhánh ra biển Đông là Lòng Tàu và Soài Rạp.
Người Bình Dương gọi sông Sài Gòn là Ngã Cái, dân Sài Gòn gọi là Thủ Khúc (đoạn qua Thủ Đức), Sài Gòn, Bến Nghé. Còn người xưa gọi là Ngưu Chữ Giang và Tân Bình Giang.
Năm 1698, Lễ Thành Hầu Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh, hậu duệ của Nguyễn Trãi, vâng lệnh Chúa Nguyễn Phúc Chu, vào phía nam, lập ra 2 phủ Phước Long còn gọi là Trấn Biên (Đồng Nai) và Tân Bình còn gọi là Phiên Trấn (Sài Gòn). Ngày xưa, giao thương chủ yếu bằng đường thủy, “Nhất cận thị, nhị cận giang” chứ chưa có hội chứng “nhà mặt tiền đường lộ” như bây giờ.
Thuở ấy, sông Sài Gòn là “super highway” của thuyền bè lớn nhỏ, lúc nào cũng nhộn nhịp, tấp nập như cá lội ngược xuôi, ra vào không ngớt. Có cả ghe thuyền nước ngoài chen vai sát cánh, chi chít cột buồm, mang theo đủ thứ sản vật để trao đổi mua bán, từ lúa gạo, nông lâm sản, vật nuôi đến hàng tiêu dùng và cả vũ khí... Sông Sài Gòn còn là huyết mạch chiến lược tối quan trọng trong việc mở mang cõi bờ và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Nhìn từ trên cao, sông Sài Gòn như thủy quái khổng lồ, hiền hòa, bao dung ôm trọn và chở che cả vùng đất phương nam mới mẻ. Cho đến tận bây giờ, dù không có cảng biển nhưng Sài Gòn vẫn chiếm hơn một nửa lượng hàng hóa giao thông đường thủy của cả nước. Hệ thống cảng không ngừng được mở rộng. Những Bến Nghé, Nhà Rồng, Tân Thuận, Khánh Hội, Hiệp Phước... ngày càng sầm uất. Sông Sài Gòn là ranh giới tự nhiên của Sài Gòn, Tây Ninh, Bình Dương và mang trên mình hàng chục chiếc cầu nối những bờ vui. Tây Ninh nối Bình Dương với cầu Bến Củi. Bình Dương nối Sài Gòn với các cầu Bến Súc, Phú Cường, Phú Long. Nối các quận huyện Sài Gòn có các cầu Bình Lợi, Bình Phước, Bình Triệu, Sài Gòn, Thủ Thiêm, Phú Mỹ và hầm Thủ Thiêm.
Trải hơn 300 năm hình thành và phát triển, “vật đổi sao dời”, sông Sài Gòn là chứng nhân thao thức và ít đổi thay nhất. Vẫn bình lặng và thủy chung chịu đựng sự bạc đãi của con người đang ngày càng gia tăng.
Từ năm 1918, Sài Gòn từng được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông”, chứ không chỉ là Đông Nam Á. Khi ông chủ của các tập đoàn Huyndai, Samsung, Daewoo... đang đi làm thuê, người Sài Gòn đã lắp ráp xe La Dalat và thu nhập của người Sài Gòn lúc đó gấp 3 lần người Nam Triều Tiên. Bóng đá Sài Gòn từng vô địch SEA Games lần I năm 1959 ở Bangkok, từng là kèo trên của Nhật Bản và nhiều nước khác. Sau 1975, Sài Gòn có một lực lượng trí thức khoa học hùng hậu, được đào tạo khắp thế giới mà không nước nào có được. Nếu nước Mỹ được gọi là “Hợp chủng quốc” của thế giới thì Sài Gòn phải được gọi là “Hợp chủng tỉnh” của Việt Nam.
Thời hoàng kim, Sài Gòn là anh cả của vùng Viễn Đông. Bây giờ nhìn lại, anh cả bị các em út ngày xưa qua mặt về nhiều mặt. Từ bóng đá đến giao thông, từ kinh tế đến xã hội. Không gì buồn bằng bị dân Đại Hàn, một nước nghèo khổ, phải đi lính đánh thuê cho Mỹ mà dân Sài Gòn xem không ra gì ngày xưa, giờ làm khó dễ đủ thứ khi xin visa vào xứ họ. Thu nhập hằng năm của dân Hàn Quốc bây giờ gấp gần 10 lần dân Sài Gòn. Không thao thức sao được. Dĩ nhiên là Sài Gòn có nhiều đổi thay tiến bộ so với trước đây nhưng quá chậm, cứ đủng đỉnh dạo chơi trong khi thiên hạ chạy nước rút nên ngày càng bị bỏ xa.
Sông Sài Gòn thao thức và dân Sài Gòn cũng thao thức. Dòng sông đẹp và hào hùng vẫn đang trăn trở chuyển mình cùng thành phố. Từ lâu, sông Sài Gòn muốn được chia sẻ gánh nặng với giao thông đường bộ nội đô, đang ngày càng ùn tắc quá tải nhưng cứ loay hoay chưa tìm ra cách. Thuyền buýt đường sông, thậm chí xe chạy được cả trên bờ lẫn dưới nước, thiên hạ làm từ lâu. Còn ta, cứ hội họp liên miên mà chưa thấy bắt tay thực hiện. Sông Sài Gòn biết mình đẹp và dân Sài Gòn cũng biết điều đó. Nhìn thiên hạ khai thác du lịch đường sông mà phát thèm. Cả chục năm hô hào, hàng trăm cuộc hội thảo vẫn chỉ dừng lại mấy chiếc tàu chở khách ăn tối trên sông. Tôi đi nhiều nước, thấy thành phố nào có sông là có thêm nhiều lựa chọn cho du khách. Tàu thuyền cứ phải tính hàng trăm. Nhỏ bé như sông Singapore, độ tĩnh không cầu chỉ 2,7m, bề ngang sông chừng 20m thì họ làm thuyền gỗ nhỏ, chạy điện êm ru. Khách nước nào là có ngay thuyết minh tiếng nước đó, được lập trình sẵn. Hai bên bờ là khu thương mại và ẩm thực sầm uất. Thái Lan thì cứ có rạch là có chợ nổi. Rạch chỉ là cớ, bởi chợ họp hai bên bờ là chính. Nước nào cũng đưa du lịch đường sông vào chương trình quốc gia.
Du thuyền chủ yếu là để ngoạn cảnh, chỉ uống nước và ăn nhẹ. Sài Gòn thì ngược lại, thuyền nào cũng lấy việc ăn uống làm trọng điểm, lại còn thêm màn biểu diễn múa, hát, xiếc... rôm rả, có cả nghệ sĩ đẳng cấp. Lẽ thường, hễ đã ăn ngon thì không thể xem tốt. Phải tập trung mọi giác quan để thưởng thức ẩm thực mới cảm nhận hết. Còn chăm chú xem thì quên ăn, phải chọn một trong hai. Vừa ăn, vừa xem văn nghệ đã không thể phân thân thì làm sao ngoạn cảnh và chụp hình. Sẽ rất bất lịch sự khi các nghệ sĩ mải mê và dốc lòng biểu diễn, còn thực khách cứ đi lại lấy đồ ăn và tha hồ “zô zô” loạn xạ. Chưa kể ăn trên tàu kiểu đó, không thể nào ngon bằng các nhà hàng trên bờ được. Tôi đã đi du thuyền trên sông ở Paris, Amsterdam, Berlin, Venise, Thượng Hải, Quảng Châu... Họ làm giản đơn mà tinh tế, lịch lãm. Khách du thuyền thoải mái ngoạn cảnh và nghe thuyết minh trên nền nhạc nhẹ như một kiểu PR tuyệt vời về thành phố. Không ăn nhưng giá rất đắt mà lúc nào khách cũng nườm nượp.
Trong khi chờ phát triển thuyền buýt và du lịch đường sông như các nước thì cố gắng thay đổi cách kinh doanh và tận dụng các tàu phục vụ tham quan ban ngày cho học sinh, người nghèo và công nhân. Để học sinh bớt chán, kết hợp tàu du lịch nhà hàng Bến Nghé, đưa các em du ngoạn trên sông Sài Gòn. Tour chỉ 1 buổi. Đi bảo tàng xong là lên tàu, vừa sinh hoạt cộng đồng vừa ngắm cảnh thành phố. Từ trung tâm thành phố, hoàn toàn có thể tổ chức du thuyền đi Cần Giờ, về miền Tây, lên Bình Dương và Củ Chi... Nếu giá thành như du thuyền Hạ Long, mỗi giờ chừng 300.000 đồng cho 30 người thì chắc chắn sẽ có nhiều người tham gia. Mỗi ngày đi làm, ngang qua sông Sài Gòn, tôi cứ áy náy như người có lỗi. Làm du lịch mà cứ để dòng sông mãi thao thức và trăn trở, một sự lãng phí tiềm năng đến nao lòng.