Trong ngày cưới, cha mẹ đẻ không có quyền gì cả mà họ phải ủy quyền và giao hết con cái cho cha mẹ đỡ đầu và bà con họ hang.
Đám cưới của người Chăm
Cha mẹ đẻ lánh mặt ngày cưới con
Người Chăm theo chế độ mẫu hệ nên gái lớn hỏi chồng còn con trai theo về nhà gái. Đám cưới của người Chăm ngày xưa với bây giờ không có nhiều điểm khác biệt. Hôn nhân ở dân tộc Chăm phải thông qua mai mối. Trong ngày cưới, người đứng ra tổ chức hôn lễ cho con cái là cha mẹ đỡ đầu, còn cha mẹ đẻ phải đi trốn hoặc lánh mặt, không được xuất hiện trong các lễ đón rể và nhập phòng the. Bên cạnh đó, người Chăm vẫn giữ được tục lệ ba đêm đầu tiên hai vợ chồng mới cưới không được "động phòng hoa trúc" như nhiều dân tộc khác. Cho đến thời điểm này, tục lệ này vẫn được người Chăm duy trì.
Dọc theo quốc lộ 1A hướng Nam - Bắc giữa cái nắng gay gắt như đổ lửa của dải đất Nam miền Trung, chúng tôi đã đến được địa bàn cư trú của cộng đồng người Chăm ở thôn Tịnh Mỹ, huyện Bắc Bình (Bình Thuận). Tại thôn Tịnh Mỹ người Chăm sinh sống đông nhất, họ sống quần cư thành xóm làng và có tính cộng đồng rất cao. Người Chăm tuy chịu ảnh hưởng của tôn giáo Bàlamôn nhưng nghi lễ cưới xin của người Chăm ở Bình Thuận lại mang nhiều nét văn hóa truyền thống hơn là văn hóa tôn giáo.
Ông Lư Thái Thuổi (SN 1940), người có uy tín nhất trong cộng đồng người Chăm ở Bình Thuận cho biết: "Người Chăm quan niệm đời người có ba lần sinh. Cưới là lần sinh thứ hai, lần sinh này thuộc quyền của cha mẹ đỡ đầu. Cha mẹ đỡ đầu là người chưa hề nửa đường đứt gánh, có tuổi tương đương với cha mẹ đẻ và phải hợp tuổi với cô dâu chú rể và biết về phong tục tập quán để có thể thực hiện vài nghi thức trong đám cưới. Cha mẹ đỡ đầu thay cha mẹ đẻ thực hiện tất cả thủ tục đám cưới. Trong một năm, cha mẹ nuôi chỉ được làm chủ hôn đúng một lần vì theo phong tục của người Chăm cha mẹ mỗi năm chỉ đẻ được một người con”.
Lý giải thêm về tục cưới xin của người Chăm, ông Văn Hồng Tịnh, trưởng thôn Tịnh Mỹ, huyện Bắc Bình (Bình Thuận) chia sẻ: "Lễ cưới của người Chăm chỉ được tổ chức vào các tháng 3, 6, 10, 11 Chăm lịch (kém lịch âm của người Việt hai tháng). Mỗi một đám cưới kéo dài bốn ngày, từ thứ tư đến thứ bảy. Ngày thứ tư khởi đầu đám cưới ở nhà trai với lễ vật rất đơn sơ, vì người Chăm cho rằng không quan trọng lễ vật, chủ yếu hai vợ chồng sống với nhau hạnh phúc và viên mãn".
Trong ngày cưới, cha mẹ đẻ không có quyền gì cả mà họ phải ủy quyền và giao hết con cái cho cha mẹ đỡ đầu và bà con họ hàng. Khi rước rể vào nhà, cha mẹ để phải đi trốn hoặc lánh mặt để cô dâu chú rể làm quen với bà con trong dòng tộc của hai họ trước. Chỉ sau lễ nhập phòng the, cha mẹ đẻ mới được xuất hiện. Lý giải về điều này, ông Lư Thái Thuổi bày tỏ: "Từ ngàn xưa, người Chăm đã có câu ngạn ngữ lúc còn nhỏ là con của cha mẹ, lớn lên là con của họ hàng nên trong ngày cưới trong mẹ không được xuất hiện. Ngày con gái rước rể vào nhà thì con gái không còn thuộc về cha mẹ nữa mà đã hoàn toàn thuộc về chàng rể.
Cha mẹ đẻ dù rằng đã ý thức được điều đó, nhưng ngày cưới diễn ra cha mẹ sẽ khóc thương cho con gái từ nay trở đi sẽ phải chăm lo cho cuộc sống gia đình sẽ phải vất vả nên khi cha mẹ đẻ và cô dâu chú rể gặp nhau sẽ mủi lòng khóc. Trong khi đó, người Chăm lại kiêng kị ngày vui không được có nước mắt. Chính vì thế, cha mẹ đẻ không bao giờ có mặt trong ngày cưới".
"Ba đêm cấm động phòng"
Một phong tục khá độc đáo trong lễ cưới của người Chăm là nghi thức "ba đêm cấm động phòng". Trong ba ngày cưới, ngày đầu tiên sau lễ đưa đón rể là lễ nhập phòng the. Trước khi về phòng, cô dâu chú rể được ông mai bà mai dặn trong ba ngày đêm ở phòng the cô dâu chú rể không được đụng chạm đến nhau. Để ngăn cách hai vợ chồng mới cưới không có những cử chỉ thân mật ông mai bà mai phải để giữa giường một cỗ mâm tơ hồng gồm trầu cau, nến sáp cháy suốt ngày đêm. Xung quanh góc tường, trên gối đều được yểm bùa. Do vậy, cô dâu chú rể dù có muốn ở gần nhau đến mấy vẫn phải ở nguyên vị trí của mình. Chỗ ai người đấy nằm, gối ai người nấy kê, ở giữa là mâm tơ hồng ngăn cách. Trong ba đêm này, đối với người mới cưới nó dài đằng đẵng như ba thế kỷ. Hai người ở gần nhau nhưng chưa thể hòa hợp, họ chỉ được nhìn nhau trong khao khát cháy bỏng, phải kìm nén bản thân đến phút chót. Có thể trong thời gian cấm kị ấy, họ cảm thấy yêu nhau mãnh liệt hơn và cần nhau đến nhường nào.
Qua những lời kể của những người có uy tín trong cộng đồng người Chăm và một số tài liệu về người Chăm cho biết tục cấm ba đêm đầu tiên không được động phòng có nguồn gốc từ Ấn Độ. Ba đêm trong ngày cưới, cô dâu chú rể không được chung chăn gối được ghi trong tình yêu Kamasutra của Ấn Độ cổ. Ngày xưa người Ấn Độ rất đề cao sinh hoạt tình dục sau khi cưới và xem đây là một nét đẹp trong cưới xin còn đến tận ngày nay.
Sau ba đêm đầu tiên làm vợ chồng, ông mai bà mai sẽ làm một lễ nhỏ để tháo gỡ các bùa yểm trên chiếu ở phòng the. Sau đó, bà mai sẽ lôi cô dâu ra góc phòng để dặn dò chuyện chăn gối, còn ông mai cũng tranh thủ lúc cô dâu ở xa chú rể cũng truyền lại một ít kinh nghiệm cho chú rể trong cuộc sống vợ chồng. Có thể nói rằng đám cưới của người Chăm Bàlamôn còn giữ được rất nhiều nét văn hóa đẹp. Nhưng nhiều năm trở lại đây, trong đám cưới của người Chăm cũng đang bị ảnh hưởng bới phong trào cưới nhanh, cưới gấp của giới trẻ nên các phong tục cổ truyền và trang phục truyền thống dần dần bị loại bỏ, đó là một điều đáng tiếc trong việc phát huy và bảo tồn bản sắc văn hóa mang tính truyền thống của người Chăm.