Người dân trong và ngoài huyện Lục Yên (Yên Bái) xưa nay biết đến núi Vua Áo Đen (còn gọi là núi Vua Đen), bởi sự rùng rợn, bí hiểm. Đặc biệt, trên đỉnh núi ấy từ lâu đã tồn tại một vườn cây ăn quả kỳ bí.
Anh Lục Văn Trường, công an viên thôn 3 bên một cây ăn quả.
Người dân nơi đây truyền nhau rằng, nếu ai lên núi Vua Đen, vào ăn quả ở “vườn cây ma quái” sẽ không thể tìm nổi đường về.
Núi Vua Đen chỉ cách trung tâm xã Tân Lĩnh chừng 1 km. Tuy nhiên, muốn lên được đến khu vườn chứa đầy hoa quả này, người ta phải đi lòng vòng quanh các sườn núi, qua những vách đá dựng đứng và những thung lũng đá tai mèo nhọn hoắt như chông.
Sau 2 tiếng băng rừng vượt núi, ông Lục Biên Cương (Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Tân Lĩnh) thở phào cho biết: “Chúng ta đang ở khu vườn quả bí hiểm nhất mà người dân Lục Yên đồn đại suốt mấy trăm năm qua”.
Trước khi lên khu vườn, cụ Lục Văn Ngạn, một người dân xã Tân Lĩnh, tâm sự với chúng tôi: Cách đây khoảng 40 năm, khu vườn còn có nhiều cam, quất, chuối... lúc nào cũng sai trĩu quả. Ngày ấy, thời còn trai trẻ, mỗi lần đi săn, cụ Ngạn thường tạt qua khu vườn nghỉ ngơi.
Một hôm, cụ vào khu vườn hái cam ăn và hái một túi trái cây mang về cho đứa cháu nội. Chuyện lạ xảy ra, dù là người bản địa nhưng cụ Ngạn vẫn không thể ra khỏi vườn. Cụ cứ đi lòng vòng rồi lại quay về chỗ cũ. Sau đó, cụ liền bỏ túi cam lại và khấn vái thần linh. Kỳ lạ thay, cụ Ngạn lập tức tìm thấy đường xuống chân núi.
Anh Mai Thế Huân, một người dân xã Tân Lĩnh, kể: "Cách đây gần chục năm, vì không tin vào những lời đồn, tôi cùng vài người bạn rủ nhau lên núi tìm vườn quả. Khi lên đến nơi chỉ thấy vài cây cam, quất hôi mọc xen lẫn với cây rừng.
Tôi vặt quả của một cây quất hôi chấm muối ăn. Lúc về, mặc dù trước đó đã đánh dấu đường cẩn thận nhưng tôi không thể tìm ra lối xuống núi. Hoảng quá, tôi đặt cẩn thận mấy quả quất xuống gốc cây và tìm lên tảng đá cao nhất quan sát. Cuối cùng tôi cũng tìm được đường về.
Nhìn tận mắt "vườn quả ma quái" mà dân gian vẫn thường đồn thổi, chúng tôi thực sự bất ngờ trước rất nhiều loại cây ăn quả như cam, quất hồng bì, nhãn… đang đơm hoa, kết trái dù không được bàn tay con người chăm bón.
Thấy có quá nhiều thứ quả chín mọng trong rừng, tôi tiện tay với lấy một chùm quất hồng bì ăn thử. Thấy vậy, mấy người đi cùng cũng thi nhau hái quả mà quên mất “lời nguyền”. Một người đi trong đoàn còn vặt mấy quả bỏ vào túi đem về để thử xem "thần linh" có bịt mắt như dân gian vẫn thường đồn thổi hay không.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Hoàng Ngọc Chấn, Chủ tịch UBND xã Tân Lĩnh, cho biết: "Xã đã khoanh vùng bảo vệ và nghiêm cấm việc xâm phạm khu vườn quả cũng như toàn bộ rừng thuộc phạm vi của xã từ cách đây hơn 10 năm theo chủ trương của Nhà nước.
Từ đó đến nay, khu vườn quả rậm rạp trở lại. Việc các cụ cao niên, người dân trong xã truyền tai nhau rằng đó là khu vườn “ma quái”, có chứa lời nguyền, thực ra chỉ vì không muốn cho người từ nơi khác lên đó phá rừng. Hơn nữa, các cụ cũng muốn giáo dục con cháu phải biết giữ gìn rừng và những giá trị truyền thống".