Các tài liệu về con đường hàng hải nối Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương, khai thông quan hệ giao thương giữa Âu, Á đều nhắc về mũi Hảo Vọng (Cape of Good Hope) ở Cape Town, Nam Phi.
Tác giả tung người háo hức tại mũi Hảo Vọng. Ảnh: NCL
Các tạp chí CNN Travel, Thai Airways đều nhắc mũi Hảo Vọng là “nơi giao thoa giữa trời và đất”,…
Mất 14 giờ 30 phút bay từ Việt Nam và thêm mấy chặng đường xe, tôi đến khuôn viên Vườn quốc gia núi Bàn (Table Mountain) lúc 3 giờ chiều, Nam Phi đang vào mùa xuân nên mưa xuân bay lất phất. Tôi chạnh lo, sợ trời mưa lớn sẽ không chụp được hình ảnh địa điểm đặc biệt này. Từ đây lên đỉnh núi để nhìn ra mũi phải qua một chặng xe điện và một đoạn đường bộ. May sao mưa đã dứt khi tôi rời tàu điện, trời bừng sáng, mũi Hảo Vọng hiện ra trong mắt.
Sự nhầm lẫn thú vị
Từ trên núi cao (khoảng 500 m so với mực nước biển) nhìn xuống, mũi Hảo Vọng là một doi đất nhô ra biển. Chỉ một vùng biển xanh Đại Tây Dương ôm lấy doi đất với những con sóng lô xô tung bọt trắng, hoàn toàn không có hiện tượng hai đại dương giao nhau. Tôi đã sai hay các tạp chí viết sai? Hỏi chuyện những người hướng dẫn du lịch địa phương tôi mới biết mũi Cape Point cách mũi Hảo Vọng khoảng 2,3 km mới chính là nơi hai đại dương giao nhau. Không riêng tôi, nhiều du khách khác cũng bất ngờ tương tự.
Mặc cho trời mưa, du khách vẫn cứ nườm nượp đi tiếp lên đỉnh Cape Point, đặc biệt là các đoàn thủy thủ. Anh thủy thủ Ấn Độ Ajay chia sẻ: “Xuất phát từ Mumbai đã nửa tháng, tàu vừa cập cảng Cape Town, 50 anh em thủy thủ đoàn chúng tôi đã đi ngay đến đây...”. Cả đoàn vừa đi vừa hát những hành khúc sôi động háo hức. Tôi gia nhập đoàn thủy thủ và hỏi anh Ajay: “Các anh hát bài hát gì”. Hóa ra họ đang hát bài Jana Gana Mana - quốc ca Ấn Độ. Trái tim cũng sôi lên, tôi lẩm nhẩm hát bài hát Tiến quân ca. Sự hào hứng và sôi động của đoàn người khiến khoảng cách 80 bậc thang lên đỉnh Cape Point trở nên quá ngắn. Trên đỉnh Cape là ngọn hải đăng được chính phủ Bồ Đào Nha xây dựng, ghi lại dấu ấn của thuyền trưởng Bartolomen Dias, người châu Âu đầu tiên tìm thấy doi đất này năm 1488.
Điểm cần đến trước khi chết
Từ độ cao khoảng 700 m nhìn xuống, hai đại dương giáp nhau tạo thành một đường kẻ chạy dài xa tít tắp đến chân trời: Một bên màu xanh thẳm của dòng Agulhas của biển Ấn Độ Dương ấm áp và một bên màu nước đục của dòng Benguela thuộc Đại Tây Dương lạnh giá. Tôi chưa bao giờ nghĩ có ngày đứng ở nơi được các tạp chí du lịch trên thế giới xếp vào hạng mục “những điểm cần đến trước khi chết”. Vì thế, khi đến Cape of Good Hope, Cape Point, thời tiết trên núi khá lạnh (khoảng 16 độ C) nhưng tôi cởi phăng áo khoác nhảy tung người lên để chụp ảnh khiến các anh Ấn Độ cười phì.
Không riêng tôi, những du khách khác mỗi người một cách đều thể hiện cảm xúc dạt dào khi đặt chân đến nơi cuối biển.
Những dạng khác nhau của hoa Protea - quốc hoa Nam Phi. Hoa Protea chỉ nở vào mùa xuân.
Mũi hảo vọng.
Tại Cape Point sau khi xuống núi.
Theo dấu chân Vasco da Gama
Đi tắt len lỏi theo con đường mòn giữa những lùm bụi gai, tôi và thủy thủ đoàn Ấn Độ đến ngọn hải đăng Vasco da Gama cũng do chính phủ Bồ Đào Nha xây dựng để tưởng niệm ông tại vùng đất này và đặt cách ngọn hải đăng Bartolomen Dias khoảng 1 km. Ngọn hải đăng trắng toát, trên đỉnh mang Thánh giá theo kiểu đặc trưng của người Bồ Đào Nha nổi bật trong ánh nắng chiều. Không ai bảo ai, mọi người im lặng thành kính tưởng nhớ đến người thuyền trưởng tài ba, dũng cảm.
Để đồng cảm trải nghiệm chuyến đi khó khăn của Bartolomen Dias và Vasco da Gama ngày xưa, thay vì đi xe xuống núi để ngắm mũi Hảo Vọng gần hơn, tôi đi bộ bằng đường mòn dọc theo các triền núi.
Mất khoảng 1 tiếng rưỡi đồng hồ tôi cũng đã đến mũi Hảo Vọng. Nhờ vậy, tôi có khám phá thú vị khác: quốc hoa Protea của Nam Phi có nhiều loại và màu sắc khác nhau.
Thú vị hơn nữa, tôi được nhìn ngắm những chú nai vàng ngơ ngác trong rừng, bước lững tha lững thững và giương cặp mắt tròn xoe. Đang là mùa xuân nên không có lá vàng như trong thơ Lưu Trọng Lư và đây là công viên thiên nhiên quốc gia được bảo vệ nghiêm ngặt nên thú rừng hồn nhiên vô tư sinh hoạt trước mắt du khách mà không hề e sợ, trốn tránh.
Hiện tượng giao thoa giữa hai luồng nước biển nóng - lạnh của Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương còn tạo ra sự đa dạng về sinh học và cảnh quan đặc biệt của rừng quốc gia xung quanh mũi Hảo Vọng và Cape Point. Đây là quê hương của bốn loại ngựa vằn nổi tiếng và khỉ đầu chó của Nam Phi. Các nhà khoa học còn tìm thấy ở đây: đà điểu, thằn lằn núi, rắn, rùa, côn trùng các loại, chuột, cầy, rái cá, nai trắng, hải cẩu, cá voi, cá heo,… Các nhà khoa học tìm ra nơi đây khoảng 1.100 loài thực vật sinh sống và hầu hết trong số đó là thực vật lùm bụi. Riêng dòng họ quốc hoa Nam Phi là Protea, có khoảng 24 loài đang sinh sống.
Tháng 8-1487, thuyền trưởng Bartolomen Dias (Bồ Đào Nha) lên đường tìm con đường hàng hải từ châu Âu thông đến tiểu lục địa Ấn Độ. Tháng 12 năm đó, ông đến Goffo da Conceicão (vịnh Walvis thuộc Namibia ngày nay), qua ống nhòm, ông Dias phát hiện một doi đất nhô ra biển về phía đông. Bão biển kéo đến, đoàn tàu chạy về doi đất này trú bão, ông đặt tên doi này là Cape of Storm (doi đất đầy bão táp). Ông dự tính tiếp tục hành trình tìm tiểu lục địa Ấn Độ, tuy nhiên thủy thủ đoàn sợ hãi vì bị những “con thuyền ma” ngoài khơi và những “bóng ma” trên boong tàu ám ảnh nên nhất quyết đòi quay lại. Sau khi nghe ông báo cáo, vua John II của Bồ Đào Nha đã đổi tên Cape of Storm thành Cape of Good Hope với hy vọng từ mũi đất này sẽ có một con đường hàng hải.
Ngọn hải đăng mang tên Dias trên đỉnh Cape Point.
Tiếp bước Bartolomen Dias, thuyền trưởng Vasco da Gama đã vượt qua Cape of Good Hope, tìm ra đường giao thương mới giữa châu Âu và châu Á, mở ra kỷ nguyên giao thương hàng hải mới. Giao thương Á-Âu không còn lệ thuộc vào con đường bộ qua Trung Đông quá tốn kém, đắt đỏ.