Động Từ Thức hay còn gọi là động Bích Đào nằm lưng chừng núi Thạch Bi (xã Nga Thiện, H.Nga Sơn, Thanh Hóa). Trong động, cảnh đẹp nhiều màu sắc lung linh, huyền ảo như chính truyền thuyết Từ Thức gặp tiên lưu truyền trong dân gian.
Động Bích Đào đẹp huyền ảo như chính câu chuyện lưu truyền trong dân gian
Từ thành phố Thanh Hóa chạy theo quốc lộ 10 khoảng 1 giờ đồng hồ du khách sẽ về đến xã Nga Thiện. Bao quanh xã này, dãy núi Thạch Bi hiện lên sừng sững. Bên vách núi hoang sơ, người xưa phát hiện có một hang động, bên trong thắng cảnh đẹp tuyệt trần nên đã được đặt tên là động Bích Đào.
Chàng Từ Thức lạc động Bích Đào, gặp tiên nữ
Tương truyền, động Bích Đào gắn với câu chuyện tình đẹp giữa người trần là chàng Từ Thức và tiên nhân, mang theo khát vọng chinh phục cái đẹp, khát vọng vươn tới sự thánh thiện, vượt qua những rào cản trong ý thức hệ phong kiến ở dân gian thời bấy giờ.
Chuyện rằng, Từ Thức là người Tống Sơn (nay là huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá), được nhà vua cử làm tri huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Trong một lần đi chơi hội, chàng đã cởi áo gấm chuộc lỗi cho một cô gái xinh đẹp đã làm gãy cành hoa mẫu đơn. Thời gian sau, chàng từ quan về quê vì không muốn lợi danh ràng buộc.
Đường lên động Từ Thức ken kín những dây leo như những chiếc võng
Bia đá tạc bài “Đề từ động Từ Thức” của nhà bác học Lê Quý Đôn ngay lối vào động
Bài thơ của chúa Trịnh Sâm khắc trên vách động
Thời gian về ở quê nhà, trong một lần ra cửa biển Thần Phù ngao du sơn thủy, khi đến núi Thạch Bi, bước chân chàng Từ Thức đã lạc động Bích Đào. Khi vừa bước vào động, Từ Thức thấy một tòa lâu đài nguy nga, tráng lệ. Rồi chàng được người chủ tòa lâu đài gả cho con gái tên Giáng Hương làm vợ. Giáng Hương chính là người con gái năm trước chàng đã cởi áo gấm chuộc lỗi khi còn làm tri huyện Tiên Du.
Sống hạnh phúc với nhau ở cõi tiên, đến lúc Từ Thức nhớ nhà, chàng ngỏ lời muốn được về thăm quê. Cảm thông nỗi niềm của chồng, Giáng Hương cho chuẩn bị xe mây và trao cho chồng một phong thư. Khi đến quê ở trần thế, tất cả đều đổi thay, Từ Thức hỏi ra mới biết một ngày ở tiên cảnh bằng cả trăm năm dưới trần. Cô đơn, lạc lõng, Từ Thức muốn trở lại cõi tiên gặp nàng Giáng Hương nhưng xe mây đã biến mất.
Mở phong thư ra thì thấy lời từ biệt của Giáng Hương. Chàng buồn bã, thất vọng đi về phía tây nam theo dãy núi Hoàng Sơn (ở xã Hoàng Sơn, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa ngày nay) rồi sau đó biệt tích đến ngày nay. Từ đó, động Bích Đào còn có tên gọi là động Từ Thức.
Lối vào trong động
Chạm tay vào từng khối đá và ngẩn ngơ trước lời kể bỏ ngỏ về chàng Từ Thức - nàng Giáng Hương
’Nam thiên đệ nhất động’
Do trong động có nhiều thạch nhủ với các hình thù khác nhau mà hiếm nơi nào có được, nên động Từ Thức đã được nhiều tao nhân, mặc khách gọi là “nam thiên đệ nhất động”.
Từ dưới chân núi, du khách chỉ cần leo hơn 100 bậc thang được làm bằng bê tông là đến cửa động. Quãng đường này cây cối bao phủ, những bộ rễ cây thuộc họ dây leo quấn quanh lối đi, thậm chí du khách còn có thể ngồi lên rễ cây như ngồi võng.
Đến cửa động, hình ảnh đầu tiên du khách bắt gặp là hai bài thơ chữ Hán ca ngợi vẻ đẹp thần tiên của động. Một bài thơ được khắc trên phiến đá đặt dưới nền động của chúa Trịnh Sâm với bút danh Nhật Nam Nguyên. Bài thơ còn lại khắc trên vách đá cao của nhà bác học Lê Quý Đôn khi viếng thăm động vào thế kỷ XVII.
Thạch nhũ với hình thù kỳ lạ
Tầng tầng, lớp lớp thạch nhũ lóng lánh sắc màu
Câu chuyện truyền thuyết khiến nơi đây thêm phần cuốn hút du khách
Tiến sâu vào trong động, động có hình cung, chiều sâu khoảng 200 m, nơi rộng nhất chừng 30 m, nơi hẹp nhất phải nghiêng người mới có thể qua. Hành trình từ đầu đến cuối động du khách sẽ được chiêm ngưỡng tầng tầng, lớp lớp thạch nhũ lóng lánh sắc màu gợi lên những hình ảnh gắn liền với tình yêu của Giáng Hương và Từ Thức.
Từ đầu cửa động vào, hướng dẫn viên sẽ giới thiệu các khu vực thạch nhũ được kết tạo tự nhiên, như kho tiền là những chỗ thạch nhũ xanh; kho vàng là những thỏi đá óng ánh màu vàng; kho muối là một quần thể thạch nhũ bé, trắng toát; kho gạo lại hấp dẫn hơn bởi những hòn đá mịn được gắn chặt, đều màu nâu bạc.
Tiến sâu vào trong, du khách bắt gặp hình ảnh bằng thạch nhũ với đủ hình trâu, dê, lợn, mâm cỗ, mâm ngũ quả... bày sẵn từ muôn đời nay.
Năm 1992, động Từ Thức được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) công nhận là di tích thắng cảnh cấp quốc gia
Tiếp đó là những hình ảnh như buồng tắm của Giáng Hương và thư phòng của Từ Thức bằng đá; những bông hoa, những quả đào tiên, vầng trăng và có cả những đôi chim thạch nhũ. Khu vực này, nếu du khách gõ vào những thanh đá hình chiêng trống sẽ phát ra những thanh âm khác nhau. Cạnh đó, có bàn cờ tiên trên một tấm đá phẳng.
Cuối cùng, trong hang còn có một vũng nước trong mát không bao giờ cạn. Vũng nước được xem là giếng mà tiên nữ Giáng Hương từng tắm với nụ cười làm đắm say kẻ phàm trần. Cuối hang có một ngã rẽ sâu thăm thẳm, chưa từng có ai dám đi theo lối này, tương truyền đó là đường lên cõi tiên của Từ Thức.
Động Từ Thức gắn liền với câu chuyện chàng Từ Thức gặp tiên. Vì thắng cảnh đẹp hiếm thấy của động, năm 1992, động Từ Thức được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) công nhận là di tích thắng cảnh cấp quốc gia. Hiện nay trở thành một điểm du lịch quan trọng của tỉnh Thanh Hóa.