Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử mặc dù chưa hoàn thiện, song đang là điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương khi đến với tỉnh Bắc Giang trong những ngày đầu Xuân mới. Theo đánh giá của UBND tỉnh Bắc Giang, khu du lịch này hứa hẹn tạo ra sự bứt phá cho kinh tế nói chung và ngành du lịch của địa phương nói riêng trong tương lai không xa.
Đông đảo du khách tham quan Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử
Núi Yên Tử nằm trên cánh cung Đông Triều, ôm trọn vùng Đông Bắc Việt Nam, sườn Đông của núi chủ yếu thuộc tỉnh Quảng Ninh, sườn Tây của núi thuộc các huyện: Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động của tỉnh Bắc Giang. Du khách vẫn thường biết đến núi Yên Tử là nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông tu tập, nơi lưu giữ xá lị của ngài sau khi viên tịch, song ít ai biết được rằng, Tây Yên Tử là con đường hoằng dương phật pháp của ngài.
Bên cạnh giá trị lịch sử, Tây Yên Tử còn là vùng đất núi non hùng vĩ, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Vì lẽ đó, từ xa xưa, nơi đây đã được các vị vua thời Lý, Trần chọn là nơi dựng chùa, tu tâm, học đạo. Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, nhiều giá trị di sản văn hóa, công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị thuộc khu vực Tây Yên Tử bị mai một. Nhằm phục hồi, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh khu vực Tây Yên Tử, gắn với phát triển du lịch bền vững, góp phần phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, năm 2014, UBND tỉnh Bắc Giang đã triển khai quy hoạch, xây dựng Khu văn hóa tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử. Điều đó đồng nghĩa, Khu du lịch tâm linh - sinh thái này nằm trong chiến lược khai thác tiềm năng, phát triển du lịch bền vững của tỉnh Bắc Giang. Nhằm đưa tỷ trọng du lịch, dịch vụ chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Dự án cũng nằm trong danh mục các dự án ưu tiên đầu tư của tỉnh Bắc Giang theo Quyết định số 269/QĐ-TTg ngày 2/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030.
Sau một thời gian triển khai xây dựng, nhiều hạng mục công trình chính như: Chùa Hạ, chùa Thượng, khu Quảng trường cơ bản đã được hoàn thành. Đồng thời, tuyến đường tỉnh 293 (đường Tây Yên Tử), các tuyến đường dẫn đến khu trung tâm văn hóa tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử cơ bản được hoàn thành, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến với Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử. Tây Yên Tử có tổng diện tích 13,8 ha, với 4 cụm chùa độc lập, bao gồm: Chùa Trình, chùa Hạ (chùa Phật Quang), chùa Trung, chùa Thượng (chùa Kim Quy). Điểm độc đáo khi đến với Tây Yên Tử là, bên cạnh những hoạt động tâm linh như lễ chùa, du khách còn có thể tham gia các hoạt động mang tính tôn giáo như ăn chay, trị liệu tôn giáo, thiền và những hoạt động du lịch sinh thái khác, như: Leo núi, thư giãn tại khu nghỉ dưỡng...
Đặc biệt, theo lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang, từ Tây Yên Tử, du khách có thể tham quan Khu di tích Yên Tử của tỉnh Quảng Ninh. Bởi hai địa phương đã thống nhất việc kết nối giữa hai khu du lịch bằng 3 tuyến kết nối. Trong đó, tuyến đường tỉnh 293 (đường Tây Yên Tử) từ TP. Bắc Giang đi lên Tây Yên Tử đến ngã ba Gàng, xã Vô Tranh, huyện Lục Nam (cách Tây Yên Tử khoảng 10 km) thì có tuyến kết nối đi sang Đông Triều (Quảng Ninh). Tuyến này đã thi công xong và hiện các xe du lịch cỡ lớn có thể lưu thông. Tuyến thứ 2 là từ Khu du lịch tâm linh Tây Yên Tử (Xã Mậu Tuấn, huyện Sơn Động) đi sang đèo Hạ My xuống Hoành Bồ (TP. Hạ Long) đang trong quá trình hoàn thiện. Đặc biệt, tuyến thứ 3 là tuyến kết nối trên đỉnh Yên Tử giữa Bắc Giang và Quảng Ninh đã thống nhất báo cáo và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản đồng ý, cho phép đấu nối giữa hai khu du lịch.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang kỳ vọng, sau khi hoàn thành, Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử sẽ trở thành một điểm nhấn du lịch hấp dẫn của tỉnh Bắc Giang, góp phần tạo nên một hành trình du lịch khám phá mới, hấp dẫn với hành trình lên núi rồi xuống biển, xuất phát từ chuỗi điểm du lịch Bắc Giang, gồm: Chùa Vĩnh Nghiêm - Tây Yên Tử - Đông Yên Tử - Quảng Ninh - Hạ Long. Thông qua tour du lịch độc đáo này, du khách sẽ hiểu rõ hơn về văn hóa, con người và vẻ đẹp non nước hữu tình của Bắc Giang, Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung. Không chỉ vậy, đây cũng là cơ hội để kinh tế Bắc Giang, Quảng Ninh và các địa phương lận cận bứt phá trong giai đoạn tới.
» Khánh Hòa: 2 tháng, đón hơn 1 triệu lượt khách lưu trú
» Tận hưởng chuyến du lịch nơi dải đất miền trung