(NSHN) - Trong khoảng 20 năm trở lại đây, Jakarta đã phát triển hết mức, được liệt vào danh sách “siêu đô thị” quá tải.
Với số dân 12 triệu người và cơ sở hạ tầng hạn chế, thủ đô Jakarta của Indonesia đang trở nên quá chật hẹp và đông đúc. Nhằm giảm gánh nặng cho Jakarta, Indonesia đang cân nhắc phương án di dời thủ đô tới một nơi khác.
Thủ đô Jakarta khởi điểm chỉ là một trung tâm buôn bán gia vị, nhất là đinh hương, do người Hà Lan lập ra. Nằm cạnh bờ biển thuận lợi cho xuất khẩu, Jakarta là một vùng đất sình lầy, nơi 13 con sông đổ ra biển.
Đảo Java, nơi thủ đô tọa lạc, chỉ chiếm 7% lãnh thổ Indonesia nhưng có tới 60% trong tổng số 245 triệu dân nước này sinh sống. Kể từ khi giành được độc lập (tháng 8-1945), Jakarta đã trở thành trung tâm kinh tế và chính trị của đất nước, thu hút rất nhiều người đổ về đây để mưu cầu cuộc sống khấm khá hơn. Kết quả là, từ những năm 1970, dân số Jakarta tăng chóng mặt, vùng Jabodetabek hay Greater Jakarta (gồm cả vùng bao quanh Jakarta) đã trở thành khu tập trung đô thị lớn nhất và đông đúc nhất ở Đông Nam Á.
|
Jakarta có chỉ số ô nhiễm luôn ở mức cao |
Trong khoảng 20 năm trở lại đây, Jakarta đã phát triển hết mức, được liệt vào danh sách “siêu đô thị” quá tải. Các cao ốc chiếm hết các khoảng không gian xanh, sự lan rộng của các khu nhà ổ chuột, ô nhiễm môi trường… đã khiến Jakarta trở nên “ngộp thở”. Ấy thế mà hàng năm vẫn có thêm hàng nghìn dân từ khắp nơi kéo về tìm kế sinh nhai. Mật độ dân số đã vượt 1.300 người/km2.
Không phát triển hệ thống giao thông công cộng, 12 triệu dân Jakarta phải dùng phương tiện riêng. Cơ sở hạ tầng không theo kịp đà phát triển dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng tồi tệ. Nhiều người than phiền là không thể không lỡ hẹn quá một lần trong ngày. Nạn kẹt xe gây tê liệt thủ đô từ sáng đến chiều và gia tăng nạn ô nhiễm khí thải.
|
Chỉ 7% trong số hơn 7.200 km đường ở Jakarta có vỉa hè |
Năm 2015, Jakarta bị xếp vào danh sách thành phố có giao thông tồi tệ nhất thế giới. Theo ước tính của các nhà chuyên môn, Jakarta cần một hệ thống giao thông đường bộ có tổng chiều dài khoảng 12.000 km, thực tế chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu trong khi lượng xe có động cơ liên tục tăng từ 10 - 12% năm.
|
Xe máy tràn lên vỉa hè trong giờ cao điểm là chuyện thường thấy ở Jakarta |
Bên cạnh vấn nạn lụt lội thường xuyên xảy, Jakarta còn phải hứng chịu nguy cơ liên tục xảy ra động đất, vì hòn đảo Java nằm ngay trong Vành đai lửa, khu vực hoạt động địa chấn mạnh nhất thế giới.
Việc liên tục khoan giếng mới để lấy nước ngọt khiến thành phố ngày càng chìm với tốc độ báo động. Nhiều nơi ở Bắc Jakatar đang gần như thấp hơn mực nước biển...
|
Jakarta đang chìm nhanh hơn bất kỳ thành phố lớn nào khác trên thế giới, mưa thường xuyên biến các khu phố thành đầm lầy và các tòa nhà dần dần biến mất vào lòng đất |
Những yếu tố trên thúc ép các nhà hoạch định chính sách phải nghĩ ra các giải pháp giảm tải cho Jakarta bằng cách chuyển vị trí trung tâm chính trị và hành chính sang địa điểm khác. Giới phân tích cho rằng, việc di dời thủ đô không chỉ giải quyết vấn đề quá tải ở Jakarta, mà còn kích thích phát triển các thành phố bên ngoài Java.
Đến nay, cuộc tranh luận kéo dài hàng thập kỷ về vị trí đặt trung tâm hành chính tiếp theo của đất nước vẫn chưa ngã ngũ. Theo Ủy ban Kế hoạch phát triển Quốc gia - cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện nghiên cứu khả thi dự án - thì thủ đô tương lai phải nằm ngoài đảo Java và phải đáp ứng được một số tiêu chí về quỹ đất, tài nguyên thiên nhiên...
|
Jakarta phải dùng lưới "giấu" một phần con sông Sentiong, con sông thường được dân địa phương mệnh danh là “Hắc Giang” bởi độ hôi thối của nó vì nằm sát làng vận động viên ở ASIAD 18 (2018) |
Theo giới chuyên gia quy hoạch đô thị, việc dời đô hay không dời, dời nhanh hay chậm thì vẫn bắt buộc phải đầu tư, dù tốn kém đến đâu, để chỉnh trang Jakarta – nơi vẫn sẽ là “thủ đô kinh tế” của đất nước vì tình trạng sinh hoạt đã hết sức nguy ngập.
Chính quyền Jakarta hiện cũng đang đưa ra một kế hoạch khá tham vọng nhằm quy hoạch lại khu đô thị trung tâm trong vòng 20 năm tới. Theo đó, dân số sẽ được hạn chế ở mức 10 triệu người, mở rộng các khoảng xanh và cắt giảm khí thải carbon 30% so với hiện nay.