Người Hàn Quốc yêu thích những chiếc mặt nạ bởi chúng cho phép họ ẩn danh để chỉ trích, châm biếm những thói xấu trong xã hội.
Trong tiếng Hàn, "tal" nghĩa là "mặt nạ". Đối với người Hàn Quốc cổ đại, tal là biểu tượng thiêng liêng của các vị thần và thường xuất hiện trong nhiều hoạt động văn hóa từ giải trí tới nghi lễ cưới hỏi.
|
Theo truyền thuyết, thời kỳ Cao Ly ở Hàn Quốc, các vị thần ra lệnh cho thợ thủ công Huh Chongkak, dân làng Hahoe, phải tạo ra 12 chiếc mặt nạ gỗ khác nhau. Họ yêu cầu Chongkak không được gặp mặt ai cho đến khi hoàn tất công việc của mình.
|
Những chiếc mặt nạ làng Hahoe và điệu nhảy của người dân khi đeo chúng là văn hoá truyền thống của người Hàn Quốc. Ngày nay, 9 trong số 12 chiếc mặt nạ trên có mặt trong danh sách “Kho tàng văn hoá Hàn Quốc”, 3 chiếc còn lại đã bị thất lạc. Có 12 nhân vật trong bộ mặt nạ Hahoe. 3 nhân vật mất tích là Chongkak (cử nhân), Byulchae (người thu thuế) và Toktari (ông già). 9 chiếc mặt nạ vẫn tồn tại là: Yangban (quý tộc), Kaksi (người phụ nữ trẻ hay cô dâu), Chung (tu sĩ Phật giáo), Choraengi (người hầu của Yangban), Sonpi (học giả), Imae (người ngu ngốc và đầy tớ vô dụng của Sonpi), Bune (vợ lẽ), Baekjung (kẻ giết người), và Halmi (bà già).
|
Những chiếc mặt nạ làng Hahoe chỉ là một trong hàng chục phong cách mặt nạ Hàn Quốc với các điệu múa liên quan. Những khu vực khác nhau lại sáng tạo ra một hình thức nghệ thuật riêng. Các mặt nạ từ tả thực đến kỳ dị. Một số mặt nạ có hình tròn, bầu dục, một số khác lại có hình tam giác với phần cằm dài và nhọn.
|
Theo các nhà nghiên cứu, những màn biểu diễn với mặt nạ (Tiếng Hàn: talchum) đầu tiên có thể đã xuất hiện từ những năm 18 TCN đến năm 935. Giai đoạn này là thời kỳ của vương quốc Silla, với sự có mặt của điệu múa kiếm “kommu”, trong đó các vũ công đeo mặt nạ.
|
Kommu trở nên phổ biến trong thời kỳ Cao Ly, kéo dài đến năm 1932. Đến cuối thời đại này, talchum – điệu múa với những chiếc mặt nạ đã xuất hiện trong dân gian. Huh Chongkak phát minh ra phong cách mặt nạ Hahoe từ khu vực Andong. Cũng vào giai đoạn đó những nghệ nhân khác trên khắp bán đảo Triều Tiên cũng tạo ra những chiếc mặt nạ sống động, phục vụ loại hình châm biếm này. Trong ảnh là nhân vật Chwibari, đang nhìn chằm chằm vào cô dâu của mình đằng sau lớp mặt nạ của nhân vật Bongsan.
|
Các diễn viên đeo mặt nạ thường mặc những chiếc áo lụa hanbok hoặc quần áo truyền thống đầy màu sắc. Phần tay áo dài, màu trắng giúp chuyển động của diễn viên trở nên sinh động hơn, nhất là khi họ đeo mặt nạ có hàm cố định làm ẩn đi biểu cảm gương mặt.
|
Để có một điệu nhảy, chắc chắn phải có âm nhạc. Mỗi tiết mục talchum của từng khu vực lại có các loại nhạc cụ riêng kèm theo. Tuy nhiên, về cơ bản một dàn nhạc thường có “haegum” – loại đàn nhị Hàn Quốc, một loạt loại sáo ngang, chiêng và trống. Nhân vật trong ảnh là Kaksi, cô dâu.
|
Các vũ điệu với những chiếc mặt nạ ở Hàn Quốc xoay quanh 4 chủ đề chính. Đầu tiên là nhạo báng sự hoang mang, ngu xuẩn và bất hạnh chung của tầng lớp quý tộc. Thứ hai là tình yêu tay ba giữa người chồng, người vợ và một vợ lẽ. Chủ đề thứ ba là nhà sư đồi bại và hư hỏng, như Choegwari. Cuối cùng là câu chuyện phổ quát hơn, về cái tốt phải chung sống với cái xấu, và cái tốt giành chiến thắng cuối cùng.
|
Có ít nhất 13 hình thức khác nhau của lối biểu diễn talchum vẫn còn được lưu giữ tại Hàn Quốc ngày nay.
|
(Vnexpress)
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/the-gioi-muon-mau/bi-an-sau-chiec-mat-na-nguoi-han-quoc-dung-nghin-nam-truoc-20181224105126114.htm
|