Thôn Vinh Ba (xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa) vốn nổi tiếng với nghề đan đát. Gần đây, nhiều người biết đến nơi này với một hình ảnh mới, đó là cánh đồng sen rực hồng, vốn trước đây là đất lúa bấp bênh được nông dân cải tạo lại để làm du lịch.
Khách đến chụp hình tại cánh đồng sen - Ảnh: GIA BẢO
Ruộng sen đón khách
Đường vào thôn Vinh Ba, những ngày này như khoác trên mình chiếc áo mới với cánh đồng sen rộng hơn 2ha rực sắc hồng. Trên cánh đồng này, ruộng sen của gia đình ông Lê Văn Nho nổi bật lên với cái chòi nhỏ, cây cầu tre và vài điểm nhấn trang trí bắt mắt. Những bảng hướng dẫn cũng đậm chất quê với “điểm bán hạt sen, tim sen”, “điểm chụp hình”, “điểm thưởng thức trà sen”… Kể từ khi vào mùa, hầu như ngày nào ruộng sen của gia đình ông Nho cũng có người tìm đến chụp hình và thưởng thức trà sen tại chỗ.
Theo ông Lê Văn Nho, ban đầu, gia đình tham gia mô hình chuyển đổi cây trồng từ cây lúa sang cây sen. Khi sen lớn, cho hoa rực rỡ cả một cánh đồng, ông nảy ra ý tưởng đầu tư thêm để đón khách tham quan, chụp ảnh. “Ruộng sen rực rỡ giữa một vùng đồng quê bát ngát, tui thấy đẹp nên nghĩ đến việc đầu tư cầu khỉ, chòi canh, trang trí để ruộng sen thêm đẹp. Thấy vậy, nhiều người đến chụp hình rồi cứ thế lan tỏa hình ảnh, thông tin về ruộng sen. Mấy tháng nay, ngày nào cũng có khách đến chụp hình ở cánh đồng sen. Mỗi khách vào tui chỉ thu 10.000 đồng. Mấy đứa nhỏ thấy vậy, đầu tư thêm trang phục truyền thống, áo dài, áo bà ba, tứ thân mớ ba, mớ bảy cho khách có nhu cầu thuê để chụp hình... cũng góp phần tăng thêm thu nhập”, ông Nho thật thà nói.
Thấy ruộng sen của ông Nho thu hút nhiều khách, mới đây hộ ông Ngô Văn Khiêm ở gần đó cũng đầu tư làm dịch vụ ăn uống, kết hợp chụp hình với ruộng sen. Khách địa phương và một số vùng lân cận ra vào khá tấp nập.
Ông Lê Văn Nho cho biết thêm: “Ban đầu, người dân nông thôn chúng tôi không nghĩ đến việc làm du lịch gì to tát mà chỉ muốn làm sao cho hiệu quả, đẹp thêm cánh đồng của mình. Tui vốn thích “trà lá cá lươn”, nên muốn tạo điểm đến giới thiệu hình ảnh, đặc sản quê mình với mọi người. Sắp tới, tui sẽ làm thêm những chòi tre, cổng vào, cầu tre... thiệt dân dã; rồi chọn trà về ướp với sen để phục vụ khách, bán những sản phẩm từ sen cho khách tham quan”.
Phát triển dịch vụ, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu
Theo ông Lê Văn Hoa, Trưởng thôn Vinh Ba, cánh đồng sen hơn 2ha hiện tại, hơn nửa năm trước là ruộng rộc, làm lúa kém hiệu quả. Bà con chuyển đổi sang trồng rau muống, trồng cỏ nuôi bò, nhưng thu nhập cũng không khá hơn là mấy. Sau đó, chính quyền địa phương định hướng chuyển đổi sang trồng sen và hỗ trợ vốn để người dân mua giống.
Đến nay, dù mới thu hoạch vụ đầu tiên, song ước tính ban đầu, người dân thu được lợi nhuận gấp đôi, gấp ba trồng lúa nhờ bán gương sen được giá. Bên cạnh những sản phẩm từ sen, những ruộng sen đã tạo nên hình ảnh đẹp giữa vùng nông thôn thanh bình khiến nhiều du khách muốn trải nghiệm, còn bà con nông dân đang ấp ủ ý tưởng phát triển các dịch vụ du lịch đồng quê.
Trao đổi về định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng nông thôn mới ở thôn Vinh Ba, ông Võ Bá Đạt, Chủ tịch UBND xã Hòa Đồng, cho biết: Việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng sen kết hợp làm du lịch ở Vinh Ba cho thấy hiệu quả bước đầu. Nếu kết hợp thêm với dịch vụ sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nữa. Hiện xã đang nhân rộng mô hình thí điểm này, và sẽ vận động bà con chuyển đổi hết 7ha đồng rộc ở thôn Vinh Ba sang trồng sen.
“Làng Vinh Ba vốn nổi tiếng với nghề đan đát truyền thống. Hiện có khoảng 200/850 hộ làm nghề, tạo ra hai dòng sản phẩm chính là đồ dùng bằng tre đan như rổ rá, vỉ bánh tráng, giỏ thưa... và sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Việc phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch làng nghề truyền thống được xem là hướng đi mới đầy tiềm năng mà xã Hòa Đồng đang chủ trương cùng với bà con thực hiện. Trong mục tiêu xây dựng nông thôn mới, thôn Vinh Ba là địa bàn được chọn làm điểm phát triển trở thành khu dân cư kiểu mẫu, là điểm đến tham quan của du khách”, ông Võ Bá Đạt nói thêm.
Phát triển du lịch ngay trên mảnh đất quê nhà gắn đồng ruộng với sản phẩm làng nghề đang trở thành xu hướng ở nhiều địa phương, đáp ứng được thị hiếu của khách du lịch. Chính quyền xã Hòa Đồng cùng những nông dân tâm huyết như ông Nho, ông Khiêm là những người khởi đầu cho ý tưởng đầu tư, khai thác hiệu quả các tiềm năng vùng nông thôn trở thành điểm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn hấp dẫn du khách, giúp nâng cao thu nhập và đời sống người dân.
» 7 địa điểm ma quái nổi tiếng châu Âu, thách thức nỗi sợ của du khách
» Kỷ lục TP. Đồng Hới đón 976.000 lượt khách