Chùa Bà Đanh (Hà Nam) gắn liền câu nói mang thương hiệu “vắng như chùa Bà Đanh” một trong những ngôi chùa cổ được xem là đẹp nhất miền Bắc.
ảnh minh họa
Chùa Bà Đanh hay còn gọi là “Bảo Sơn Tự” nằm kề ngọn núi Ngọc, vào thế kỉ VII thờ tứ pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) trong ngôi đền nhỏ. Đến thời Lê Huy Tông (1675 - 1750), chùa được xây dựng với quy mô to đẹp hơn.
Năm 1994 chùa Bà Đanh được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể Thao - Du Lịch) cấp bằng Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Ngôi chùa nằm ở vị trí sơn thủy hữu tình, xung quanh là sông núi, khuôn viên chùa là một tổng thể bao gồm nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật với gần 40 gian nhà lớn nhỏ.
Theo truyền thuyết, chùa thờ nữ thần linh thiêng trông coi việc điều mưa khiển gió, giúp dân trừ lũ lụt, đem lại mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu nên được gọi là chùa Đức Bà làng Đanh, ngày nay gọi tắt là chùa Bà Đanh.
Ngoài thờ Đức Bà làng Đanh, chùa còn thờ phật, thờ tượng Nam Tào, Bắc Đẩu, Thái Thượng Lão Quân và các tượng của tín ngưỡng Tứ Phủ, một tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
“Vắng như chùa Bà Đanh” là câu nói mang thương hiệu của chùa được nhiều người lý giải rằng do chùa Bà Đanh nằm ở vị trí u tịch, xa dân cư, ba mặt là sông, rừng rậm chắn, lối đi độc đạo, lại có nhiều thú dữ nên không ai dám vào. Cách duy nhất an toàn là chèo thuyền qua sông Đáy nhưng vì bất tiện nên người hành hương thưa thớt.
Cũng có ý kiến cho rằng ngôi chùa trở nên vắng vẻ bởi nơi đây rất linh thiêng, ai trái ý sẽ bị trừng phạt ngay nên ít người dám lui tới.
Quần thể chùa Bà Đanh, đền Trúc, Ngũ Động Thi Sơn (núi Cấm), khu du lịch sinh thái Tam Chúc (Ba Sao), Bát cảnh Tiên hợp thành một khu du lịch “non nước hữu tình”.
» Thiên Sơn Suối Ngà – nức tiếng du lịch Ba Vì
» Vẻ đẹp và truyền thuyết về hang động nơi 12 cầu thủ nhí Thái Lan mắc kẹt