“Chuyến đi Nam Du phiêu lưu và đầy ngẫu hứng, chuyến đi mà đã để lại trong trí nhớ của mình về một nơi bình yên đầy cảm xúc.” – Cô bạn Trần Vân Khánh .
Đảo Nam Du được mệnh danh là Phú Quốc thứ hai của Kiên Giang.
Đảo Nam Du chưa bao giờ hết hot, đây vẫn luôn là một điểm đến cực kì thu hút giới trẻ vì hội đủ các yếu tố (cảnh đẹp, đồ ăn ngon, chi phí rẻ) nên rất được lòng những đôi chân muốn đi lang thang khám phá những vùng đất lạ. Cô bạn Trần Khánh Vân (24 tuổi), đã có chuyến đi đảo Nam Du thú vị cùng với chị của mình, “Chuyến đi Nam Du này đầy ngẫu hứng khi mà mình mang theo nhiều đồ chơi với mục đích sống ảo nhưng bản thân mình lại thích hòa nhịp sống cùng người dân nơi đây vì thế chuyến đi này đã để lại trong trí nhớ của mình là một nơi bình yên đầy cảm xúc.”
1. Nên đi đảo Nam Du vào thời điểm nào ?
Nên đi vào mùa khô trong khoảng từ tháng 12 đến tháng 3 hàng năm, thời tiết đẹp nhất là trong khoảng từ tháng 1-3 do lúc này biển khá êm, những bạn bị say sóng cũng sẽ giảm được nhiều khó chịu khi di chuyển bằng tàu.
Các vùng biển của Kiên Giang không chịu nhiều ảnh hưởng trực tiếp của bão nhưng lượng mưa do bão gây ra chiếm tỉ trọng lớn. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4-11 hàng năm.
2. Cách di chuyển đến đảo Nam Du
Để ra quần đảo Nam Du, bạn cần phải xuống thành phố Rạch Giá – Kiên Giang. Sau khi đến Rạch Giá - Kiên Giang bạn có thể đi tàu cao tốc khoảng 2 giờ là ra đến đảo Nam Du. Hiện nay có rất nhiều hãng tàu cao tốc chất lượng cao phục vụ thường xuyên, các bạn nhớ theo dõi lịch tàu chạy để sắp xếp thời gian di chuyển sao cho hợp lý nhé.
3. Hành trình khám phá đảo Nam Du của cô bạn Vân Khánh
Bãi Sỏi
Gần 2 tiếng 30 phút lênh đênh trên biển thì hòn đảo xinh đẹp đang trước mắt. Xe máy homestay Bãi Sỏi đã chờ sẵn đón hai cô gái trốn việc đi ngao du 3 ngày 2 đêm. Đến nơi thì bụng cũng đã đói, thưởng thức ngay bàn ăn cho 2 người được Bãi Sỏi homestay chuẩn bị sẵn.
Hòn Mấu
12h30 ra bến tàu bắt đầu hành trình chinh phục đảo nữa ngày (200k/người). Điểm đầu tiên tìm đến là Hòn Mấu một ốc đảo nổi không có núi, chỉ có cồn cát trắng phẳng, nước xanh ngọc bích, dọc bãi có những hàng quán của người dân địa phương, tất cả hoang sơ đẹp đến nao lòng. Đó cũng có lý do người ta gọi đây là Maldives Việt Nam. Ngồi tận hưởng cái gió dịu, làn nước mát dưới chân, vị mát lành của kem dừa béo ngậy đang tan trong cuốn họng, rồi quay qua húp một ngụm nước dừa sau khi thả mình với biển...Thiên đường là đây đúng không?
Đảo Nam Du - thiên đường nguyên sơ Việt Nam. Video Trần Vân Khánh
Trời chiều dịu nắng thuyền tiếp tục đưa mọi người đi lặn ngắm san hô, ngồi trên thuyền ăn cháo nhum ngó nước biển trong xanh, ngó những hòn nhỏ xa dần. Về khách sạn ra bãi sỏi ngồi nhìn biển, nhâm nhi ốc mặt trăng, ốc vú được homestay chế biến giúp, ốc mua lúc trên đường về của một cậu nhóc.
Tối đến nếu không ra khu bến cảng với những hàng quán hải sản tấp nập thì những chổ khác thật sự rất buồn và hoang vắng. Mùa tháng tư mùa của những chú ve gọi hè. Ở đây nghe tiếng ve từ sáng sớm đến sập tối, trong màn đêm chỉ còn lại tiếng sóng biển và tiếng ve. Bãi Sỏi về đêm thật huyền bí, những viên sỏi ban ngày nhìn thấy rất bình thường nhưng ban đêm khi rọi đèn có ánh sáng mạnh chúng thật lung linh với đủ sắc màu, thật sự khung cảnh lúc này rất thơ mộng nếu như đâu đó không có tiếng hát karaoke kinh dị theo tiêu chí hát hay không bằng hay hát của nhóm bạn trẻ đang trải bạt nướng BBQ kế bên.
Mình chọn một góc bãi sỏi xa xa ngồi hít thở gió biển, nghịch những viên sỏi màu, cảm nhận từng hơi thở, cuộc sống yên bình xứ đảo.
23h khi mọi người bắt đầu đi ngủ là lúc mình bắt đầu làm cho cuộc sống sinh động, những vệch tròn lửa phát sáng, sỏi dưới nước được chiếu sáng lại phát ra màu. Ôi ba má ơi con đã bắt gặp được khoảnh khắc đẹp của đời người.
Ban đêm ở đây là thế, bình minh ở đây còn làm nao lòng hơn nữa. Ở bãi sỏi này là nơi ngắm mặt trời chính diện từ biển nhô lên, vừa ngắm bình minh vừa bơi vẫy vùng xem cá và ngắm san hô tại chỗ thì ôi thôi thiệt là đã.
Dốc Ân Tình.
Ngày hôm sau anh hướng dẫn đưa mình đi tham quan một vòng quanh đảo qua bãi cây Mến, cây cô đơn, dốc Ân Tình ngó toàn cảnh Nam Du. Còn lên ngọn hải đăng bây giờ các anh bộ đội không cho lên nữa rồi.
Đã biết địa hình của đảo, những ngày sau mình cứ lang thang hết nẻo đường, chỗ nào có đường là cứ đi. Hai chị em mình tự chinh phục con dốc đôi xuống bãi Đất Đỏ cao hơn 60 độ, theo lời người dân mình đi bộ thôi bạn cũng phải dùng chân thắng nhịp. Rồi cho xe chạy men theo con đường của người dân địa phương ngay mém biển, đi ăn hàng khu xóm biển, tối ra bãi cảng xem thu mua ghẹ, óc, hải sản…rồi trùm vào lồng thả xuống biển rộng để khuya xuất tàu sớm chở vào đất liền, đậu xe khu bến cảng không sợ mất đi bộ mấy vòng tham quan rồi tìm một góc đẹp nhất ngồi xem thuyền, ngồi ăn hải sản.
Đường xuống bãi cây mến.
22h con đường về homestay thật đáng run sợ, một bên là núi một bên là vực biển, đường vắng không bóng người trừ hai chị em, tuy không người nhưng bên đường lác đát lại có vài chiếc xe máy không chủ, đường không đèn đối với một con sợ bóng tối như mình thì tứ chi coi như rụng rời, cứ nín thở mà chạy, chạy hoài không thấy đến, khi đến nơi rồi eo ôi gục ngã. Lúc chinh phục con dóc đôi 60 độ gang lỳ bấy nhiêu lúc này tim muốn phóng ra ngoài bấy nhiêu. Đúng là một kỉ niệm ấn tượng mạnh khó phai.
Làng cầu vòng - Thảo Trường Camp.
Ngày cuối mình dành buổi sáng sống ảo tại Thảo Trường Camp – nơi có những căn nhà màu sắc, nơi nhiều bạn đến Nam Du check–in cho bằng được lắm.
Đi vòng vòng Humiso ăn kem, dạo vài vòng lưu vài bức hình rồi chào tạm biệt cô chú về homestay lấy hành lý ra bến tàu nhìn Nam Du đầy lưu luyến.
» Cánh đồng hoa hướng dương ở Thái Bình hút khách những ngày đầu hè
» Đi du lịch Đông Nam Á nên mang gì?