(Baonghean.vn) - Ngôi nhà tranh 2 gian, những kỷ vật thiêng liêng, những hiện vật quý gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu - tất cả đang được lưu giữ tại Khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu trên chính quê hương ông, huyện Nam Đàn - Nghệ An.
Khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu có diện tích hơn 5000 m2, gồm 02 điểm tham quan chính là ngôi nhà của gia đình cụ Phan Bội Châu và nhà trưng bày hiện vật liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng của Phan Bội Châu.
Hàng năm, lễ dâng hương tưởng niệm nhà chí sĩ yêu nước tên tuổi gắn liền với phong trào Đông du và những vần thơ dậy sóng cổ vũ tinh thần yêu nước được tổ chức trang trọng tại đây nhân kỷ niệm ngày sinh (26/12) và ngày mất (29/10) của cụ.
Nhiều du khách trong và ngoài nước, đông đảo học sinh trên mọi miền quê, đặc biệt là các thế hệ học sinh của ngôi trường mang tên ông - trường THPT chuyên Phan Bội Châu đã tìm về với di tích lịch sử này để hiểu hơn về 1 nhân cách, một người con ưu tú của xứ Nghệ.
Báo Nghệ An điện tử xin giới thiệu một số hình ảnh về khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu.
|
Ngôi nhà của cụ Phan Bội Châu được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1992. Nơi đây gắn liền với những kỷ niệm thiêng liêng trong gia đình cụ: từ giây phút cậu bé Phan Văn San cất tiếng khóc chào đời, trải qua những kỷ niệm của thời niên thiếu cho đến tuổi trưởng thành và cả giây phút ngắn ngủi được gặp lại vợ con sau hơn 20 năm xa cách. |
|
Toàn bộ ngôi nhà của cụ Phan Bội Châu được thiết kế được thiết kế theo kiểu nhà truyền thống của người Việt ở thế kỷ XIX gồm 02 phần: nhà trên và nhà dưới. |
|
Năm 1990, ngôi nhà của cụ Phan lại được Sở VHTT Nghệ An cùng UBND huyện Nam Đàn chuyển từ làng Đan Nhiệm, xã Xuân Hòa (quê nội) về tại khối Phan Bội Châu - thị trấn Nam Đàn (quê ngoại) . Nguyên do là ở Đan Nhiệm, ngôi nhà của gia đình cụ Phan nằm ở phía ngoài đê hàng năm bị ảnh hưởng lũ lụt. Trong vườn được trồng các loại cây ăn quả toả bóng mát xum xuê làm cho khu lưu niệm mang vẻ dung dị, mang đậm dấu ấn làng quê xứ Nghệ. |
|
Hai bên cổng vào và bao bọc khu lưu niệm là hai hàng mận hảo được xén tỉa công phu. |
|
Gian giữa là nơi đặt bàn thờ của gia đình cụ Phan. |
|
Án thư, bộ tràng kỷ bằng tre - những kỷ vật gắn bó với cụ Phan trong những năm tháng dạy học ở quê nhà. |
|
Bộ phản gỗ và yên thư để ở gian ngoài của nhà lớn là nơi cụ Phan dùi mài kinh sử và đàm đạo thơ văn, bàn việc nước với các sỹ phu trong vùng. |
|
Trong hai ngôi nhà còn lưu giữ các hiện vật quí gắn với quãng đời cụ sống ở quê hương. Chiếc cối giã gạo bằng đá xanh... |
|
......và cối xay là những kỷ vật của hai bà vợ cụ trong những ngày tần tảo nuôi chồng con. |
|
Nhà trưng bày phụ trợ được xây dựng trên khoảng đất rộng 600 m2 ở phía Tây khu lưu niệm. Diện tích trưng bày khoảng 100 m2. |
|
Thông qua hàng trăm bức ảnh tư liệu quí, hiện vật gốc và các tài liệu khoa học, nhà trưng bày đã tái hiện lại được những nét cơ bản về cuộc đời và sự nghiệp cứu nước của cụ Phan Bội Châu. |
|
Mỗi năm có hàng trăm lượt học sinh đã đến với khu di tích này. Những dòng lưu bút thể hiện sự kính yêu, ngưỡng mộ trước nhân cách, tài trí và tấm lòng vì nước của cụ Phan. |
|
Nhiều người bạn Nhật yêu quý Việt Nam hơn khi được tìm hiểu về cụ Phan Bội Châu. |
|
Toàn cảnh khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu. |
An Nhân - Nguyên Khoa
Nguồn baonghean.vn
http://baonghean.vn/nghe-an-dat-va-nguoi/201505/ve-tham-di-tich-cu-phan-609817/
|