Ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong xóm Đình Long, xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn, Nghệ An là nơi ở của vợ, chồng bà Lê Thị Bích Hường - người con gái năm xưa dùng liềm bắt sống giặc Mỹ.
Chiếc liềm huyền thoại đã được Bảo tàng Quân khu 4 lưu giữ. Chiến công phi thường của người con gái quê gốc huyện Thanh Chương vẫn còn luôn được nhắc đến với người dân, dân quân, bộ đội nơi vùng quê nghèo.
Mồ côi cha mẹ, tham gia dân quân, dùng liềm bắt giặc
Bà Lê Thị Bích Hường (SN 1940, xã Ngọc Sơn, Thanh Chương, Nghệ An), sinh ra trong gia đình có ba anh, em mồ côi cha, em từ thửa nhỏ. Lớn lên, anh trai đi bộ đội và hy sinh ở chiến trường, người em gái lấy chồng còn Hường thì tham gia dân quân.
Lên 6 tuổi, bà Hường đi ở cho anh em họ hàng, được một thời gian, rồi sau lại đi ở cho người dân trong xóm. Cứ như vậy, mỗi nhà bà Hường ở 1 tháng. Chăn trâu, cắt cỏ cho người ta để kiếm miếng cơm, manh áo qua ngày. Sau này, em gái lấy chồng thì bà cũng quyết định tham gia dân quân. Tuy nhiên, do thể hình bé nhỏ nên bà Hường không được chấp thuận.
Bà Hường bên căn nhà nhỏ của mình
Mọi người không đồng ý nhưng bà Hường vẫn quyết tâm theo dân quân, bộ đội vận chuyển hàng và vũ khí. Mọi người khuôn vác được bao nhiêu thì bà cũng cố gắng thực hiên cho bằng được như thế. Thấy được sự nhiệt tình của bà Hường nên mọi người đã đồng ý cho bà tham gia vào dân quân của xã. Ban ngày, bà Hường vẫn đi chăn trâu, cắt cỏ như thường lệ, còn buổi tối thì lại cùng dân quân, bộ đội thực hiện nhiệm vụ vận chuyển vũ khí.
Từ năm 1965 đến năm 1968, vùng đất Ngọc Sơn (Thanh Chương) là một trong những tọa độ mà Đế quốc Mỹ bắn phá ác liệt. Tuy nhiên, trung đội dân quân của bà Hường vẫn hoàn thành nhiệm vụ tháo gỡ bom, vận chuyển vũ khí tiếp ứng cho bộ đội.
Năm 1966, lúc đang đi chăn trâu, khoảng 12 giờ trưa, bà Hường đi ra sau núi, nghe tiếng nổ lớn liền chạy xuống hầm, ngước nhìn lên bà thấy khói bay nghi ngút. Sau đó, thấy một vật bay lơ lửng trên không mà không biết là vật gì, bay gần tới đất thì thấy một phi công Mỹ nhảy xuống.
Trong tay tên phi công Mỹ có một khẩu súng và một cái bộ đàm. Bà Hường dùng đá nắm bay khẩu súng, hoảng sợ tên phi công liền bỏ chạy. Sau đó, bà liền cầm chiếc liềm của mình đuổi theo. Vừa chạy, bà vừa kêu lên: “Mày đứng lại không được chạy”.
Chạy được khoảng 300m thì tên phi công chạy xuống một cái khe gần đó và leo lên ngọn núi khác với ý định bỏ trốn. Biết được ý định, Hường liền chạy theo lối tắt sang ngọn núi đó chặn lại. Tên phi công liền quay lại chạy lên đường lớn, Hường tiếp tục chạy theo lối tắt đón đường. Chạy đi, chạy lại mấy vòng như thế, dù rất mệt nhưng Hường vẫn quyết tâm bám đuổi.
“Tôi nhỏ, hắn thì to, mệt lắm nhưng ý nghĩ đó không cho phép tui thua nó”, bà Hường nhớ lại. Chạy được một lúc, tên phi công Mỹ liền bị trượt đá, thấy vậy, Hường liền nhanh chân chạy đến cầm áo tên phi công kéo xuống, dùng liềm kề ngang cổ, tên phi công run rẩy giơ tay lên trời. Có dây cắt cỏ sẵn bên người, Hường trói hắn lại. bộ đàm vang lên tiếng nói lì xì, Hường cầm viên đá đập nát vì sợ máy bay đến nhưng không phá được.
Thấy chiếc bộ đàm được nối vào trong người tên phi công. Bà Hường cởi quần, áo hắn để phá. Cùng lúc đó thì dân quân, bộ đội cũng chạy đến và bà giao lại những thứ mà mình thu được. Đưa tên phi công Mỹ về hầm xong, bà quay lại đi tìm trâu vì lúc này trâu tản mọi nơi, nhưng bộ đội lại không cho đi: “Em mà ra giờ này là em chết”- bà Hường kể lại.
Chủ tịch nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba cho bà Lê Thị Bích Hường
Trên bầu trời lúc đó, máy bay vẫn đang quần thảo dày đặc. Sau khi phá được bộ đàm thì máy bay mới tản đi. Bà Hường lại tiếp tục ra chăn trâu. Người dân thi nhau hỏi Hường: “Sao mi gan rứa”. Với sự bình thản, bà trả lời: “Anh, em bộ đội cả nước Việt Nam còn ngoài chiến trường, anh trai tui cũng ngoài đó”.
Nên duyên trong lửa đạn và chuyện chưa bao giờ kể
Năm 1967, bà Hường đi trực chiến ở huyện Nam Đàn. Sau này huyện Nam Đàn thành lập xã Nam Hưng nên những người huyện Thanh Chương ở đó được xếp vào người dân trong xã, vì lúc đó xã Nam Hưng đang còn thiếu nhân khẩu.
Chiến tranh đang còn khốc liệt, để đảm bảo cho tuyến đường 15 được lưu thông, Tổng đội TNXP Nghệ An đã nhận nhiệm vụ sửa chữa con đường. Mối lương duyên đến, Hường đã gặp Nguyễn Đình Bảo (Quê Quỳnh Lưu, Nghệ An) và hai người đã phải lòng nhau rồi sau này nên duyên vợ chồng.
Năm 1968, bộ đội sơ tán và vận chuyện hàng, vũ khí về các điểm kho, kho đầy, bộ đội gửi hàng và vũ khí tại nhà Hường. Buổi tối những ngày sau đó, máy bay Mỹ bắn phá ác liệt tại khu vực gần nhà.
Thấy vậy, bà Hường nói với bộ đội: “Các anh đưa hàng và vũ khí chuyển đi chỗ khác, không thì cháy mất”.
Bộ đội đã đồng ý và vận chuyện đến chỗ an toàn hơn. Đêm khuya hôm ấy, nhà của bà Hường bị máy bay Mỹ oanh tạc nên cháy hết.
Chiến công của bà Hường đã được Bác Hồ biết đến và ngày 18/5/1967, Bác Hồ đã tặng Huân Chương Chiến Công Hạng 3. Trước đó, bà đã được Tỉnh đội Nghệ An tặng Bằng Khen. Ngày 10/1/1998, Chủ tịch nước Trần Đức Lương kí quyết định tặng Huân Chương Kháng Chiến hạng 3 cho cá nhân bà Hường và Huy Chương Kháng Chiến hạng Nhất cho gia đình bà.
Không chỉ có chiến công vang dội của một người dân quân, bà Lê Thị Hường cũng từng đảm nhận các chức vụ như Bí thư Đoàn xã, Hội trưởng Hội Phụ nữ xã… Dù ở cương vị nào bà Hường cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Đến nay, vợ chồng ông bà Hường đã già. Chồng bà năm nay đã 80 tuổi, còn bà thì đã 75. Tuổi già sức yếu, hai vợ chồng bên nhau trong căn nhà nhỏ. Rất mong, các cấp chính quyền tạo điều quan tâm đến người con gái năm xưa “Dùng liềm bắt giặc Mỹ” ấy./.
Theo Thành Vinh - Huệ Linh/VOV
http://vntimes.com.vn/phong-su/ky-su/103366-co-gai-nho-nam-xua-ruot-ten-phi-cong-my-chay-troi-chet.html?utm_source=CocCoc-news&utm_campaign=CocCoc&utm_medium=CocCoc-news