Cả cuộc đời Hoàng Xuân Hãn là tấm gương về lẽ sống làm người, về phẩm chất của người trí thức chân chính. Ông là nhà khoa học bách khoa, đã cống hiến sáng tạo không biết mệt mỏi trên nhiều lĩnh vực lịch sử, thiên văn, văn học.
Giáo sư Hoàng Xuân Hãn nguyên quán tại Kẻ Trổ, xã Nhân Thọ, tổng Yên Hồ, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ (nay là xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) trong một gia đình có truyền thống Nho học.
Thuở nhỏ, ông học chữ Hán và chữ Quốc ngữ trong gia đình rồi vào trường tiểu học Vinh. Sau khi đỗ Thành Chung năm 1926, ông chuyển ra Hà nội và thi vào trường Bưởi, sau đó chuyển sang học trường Albert Sarrau. Năm 1928, ông đậu tú tài toàn phần và được sang Pháp du học. Với tinh thần khổ công cầu học, muốn thâu thái kiến thức để về giúp ích cho nước nhà ông lần lượt thi đỗ vào nhiều trường đại học danh tiếng của nước Pháp, tốt nghiệp Cử nhân khoa học, Kỹ sư cầu cống, Thạc sĩ toán học.Năm 1936, ông trở về nước và không nhận chức vụ Giám đốc công chính do Pháp gợi ý với điều kiện phải nhập quốc tịch Pháp. Hoàng Xuân Hãn dạy học ở trường Bưởi, cùng một số bạn bè sáng lập Tạp chí khoa học, trong đó, ông giữ các chuyên mục: thiên văn, địa lý, lịch sử, văn hoá phương Đông và Việt Nam.
Ông là tác giả cuốn Danh từ khoa học, dùng tiếng Việt diễn đạt hàng loạt khái niệm khoa học thuộc các bộ môn toán, lý, hoá, cơ học và thiên văn học, một công trình mở đường cho việc xây dựng khái niệm và thuật ngữ khoa học của Việt Nam, được giải thưởng của Hội khuyến học Nam Kỳ năm 1943.Năm 1943, khi Hội truyền bá chữ Quốc ngữ được thành lập, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn tham gia với tư cách một thành viên chính thức, ông là Trưởng ban tu thư, cùng một số tác giả cho công bố cuốn: “Phương pháp học y tờ”, đổi mới hẳn cách học chữ quốc ngữ. Cuốn sách đã được phổ biến rộng rãi trong nhân dân, đặc biệt từ khi cách mạng tháng Tám thành công, phong trào “diệt giặc dốt” được phát động thì phương pháp học chữ Quốc ngữ của giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã trở thành một phương pháp chủ đạo giúp hàng triệu người thoát nạn mù chữ.
Sau cách mạng tháng Tám, tại hội nghị Việt - Pháp ở Đà Lạt, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn được cử làm Chủ tịch Tiểu ban chính trị trong phái đoàn Việt Nam dân chủ cộng hoà. Sau đó, ông tham gia giảng dạy các môn kỹ thuật quân sự cho các khoá huấn luyện của Trường võ bị Trần Quốc Tuấn.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông bị kẹt lại giữa Hà Nội, gia đình ông trở thành cơ sở bí mật ở nội thành. Năm 1950, gia đình ông sang định cư ở Pháp, ông tham gia tổ chức Việt kiều yêu nước ủng hộ cho công cuộc kháng chiến của nhân dân ta.
Cả cuộc đời giáo sư Hoàng Xuân Hãn là tấm gương về lẽ sống làm người, về phẩm chất của người trí thức chân chính. Ngày 13-3-1996, ông đã được Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì.
Hà Tĩnh Online
|