(Baonghean.vn) - Ở thành phố mang tên Bác, những người con xứ Nghệ dù xa quê nhưng trong sâu thẳm mỗi người đều hướng về nơi chôn rau, cắt rốn. Họ luôn mong góp chút sức mình cho sự phát triển của tỉnh nhà. Nhân dịp Xuân Nhâm Thìn 2012, xin giới thiệu 2 gương mặt doanh nhân - người con xứ Nghệ có nhiều đóng góp cho quê hương.
Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH TM Lam Hồng Nguyễn Cảnh Nam có tuổi thơ gắn bó với quê hương bên dòng sông Lam (xóm Ba Đình, xã Hồng Long, huyện Nam Đàn - Nghệ An).
Năm 1970, ông được Nhà nước cho đi học ở Cộng hòa Dân chủ Đức. Khi đất nước thống nhất, ông hồ hởi trở về xây dựng quê hương. Năm 1976, ông vào làm việc tại Công ty Xuất nhập khẩu - sản xuất - dịch vụ bao bì trực thuộc Bộ Ngoại thương (nay là Bộ Công thương). Khi Công ty lập chi nhánh phía Nam, ông là một trong 6 người được chuyển vào TP. Hồ Chí Minh. Năm 1987, ông quay lại Đức làm quản lý lao động Việt Nam tại đó. Năm 1991 cả gia đình về nước và định cư ở TP. Hồ Chí Minh. Làm việc tại công ty cũ cho đến năm 2004, ông xin về hưu và làm Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH TM Lam Hồng.
Công ty Lam Hồng lúc đầu làm xuất nhập khẩu, đại lý hàng hóa, thương mại, dịch vụ, trong đó mạnh nhất là đại lý bán vé máy bay. Cách đây 15 năm, Lam Hồng đã đưa ra dịch vụ giao vé tận nhà, điều mà các đại lý khác chưa làm được nên được khách hàng ưa chuộng. Lam Hồng hiện nay mở thêm dịch vụ cho khách đặt vé trên mạng và được trả lời ngay. Khách đang ở nước ngoài muốn thay đổi ngày, giờ bay cũng có thể thông báo qua mạng dễ dàng và Lam Hồng nhắn lại kịp thời.
Ông Nam luôn đau đáu hướng về quê hương. Ngay cái tên doanh nghiệp "Lam Hồng", cho đến nhạc chờ điện thoại của ông cũng là bài hát về xứ Nghệ. "Giờ gia đình tôi đã có cuộc sống ổn định tại TP. Hồ Chí Minh. Cha tôi thường nhắc nhở chị em chúng tôi lo cho những người thân còn nghèo khó nơi quê nhà. Dù nay đã trên 90 tuổi, nhưng cha tôi vẫn dành dụm tiền đưa về quê giúp bà con" - ông bộc bạch. Điều đặc biệt là Công ty Lam Hồng luôn ưu tiên nhận con em xứ Nghệ vào làm việc. Hiện nay đã có trên 60 nhân viên người Nghệ An đang làm việc tại Lam Hồng. Họ coi Lam Hồng như một đại gia đình, tôn trọng quý mến nhau.
Còn Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) Nguyễn Bá Thi sinh ra trong một gia đình làm nông tại làng Văn Khuê, xã Nhân Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An). Bố mất lúc 4 tuổi, Nguyễn Bá Thi có một tuổi thơ vất vả, một buổi chăn trâu, một buổi đi học dưới bom đạn ác liệt của kẻ thù. "Khi xảy ra sự kiện Truông Bồn, tôi mới 12 tuổi. Thời kỳ đó, con đường ác liệt đó là một nhánh của đường Trường Sơn đi qua làng tôi. Nhà tôi là một trong nhiều nhà dân có bộ đội, TNXP đến ở làm nhiệm vụ" - ông nhớ lại.
Năm 1974, khi bước sang tuổi 18, ông lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam bộ, rồi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước. Sau đó, ông tiếp tục làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia. Đến năm 1981, ông chuyển ngành và đi học tại Trường ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh. Ra trường, ông vào làm việc trong ngành Dệt may, rồi về Đảng ủy khối Bộ Công nghiệp phía Nam...
Năm 1997, ông được điều động về làm Giám đốc điều hành Công ty Bia Sài Gòn kiêm Giám đốc Nhà máy Rượu Bình Tây. Đến năm 2003, Thủ tướng quyết định thành lập Tổng công ty Sabeco và ông được giao nhiệm vụ làm Chủ tịch HĐQT Sabeco từ năm 2003 cho đến nay. Từ một doanh nghiệp có số vốn gần 2.000 tỷ đồng, sản lượng chỉ khoảng 300 triệu lít/năm, lợi nhuận 500 tỷ đồng/năm, thu nhập của người lao động khoảng 6 triệu đồng/tháng (2003), đến nay, Sabeco đã có số vốn trên 6.500 tỷ đồng, sản lượng trên 1,2 tỷ lít/năm, doanh thu đạt trên 22.000 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách trên 3.500 tỷ đồng/năm, lợi nhuận khoảng 3.000 tỷ đồng/năm, thu nhập của người lao động đạt 15 triệu đồng/người/tháng. Hiện thương hiệu Sabeco là một trong 3 hãng bia lớn nhất Đông Nam Á và là 1 trong 21 hãng bia lớn nhất thế giới với các nhãn hiệu bia nổi tiếng như: 333 Export, Sài Gòn Export, Sài Gòn Lager, Sài Gòn Special...
Thành đạt trên thành phố mang tên Bác, nhưng ông vẫn trăn trở: "Quê mình còn nghèo quá, người dân ở quê còn vất vả quá! Vậy mà mình chưa làm được gì cho quê hương". Với khả năng của mình, ông đã cùng gia đình, bạn bè giúp đỡ, đầu tư trên quê hương xứ Nghệ. Cụ thể, ông và một số người thân đã đầu tư xây dựng cho xã Nhân Sơn 1 trạm xá trị giá 120 triệu đồng; một máy sắc thuốc Bắc cho Bệnh viện Đô Lương trị giá 70 triệu đồng. Hiện nay, Sabeco đã hoàn tất giai đoạn 1 xây dựng nhà máy bia tại Nghệ An đã đi vào hoạt động hơn 1 năm nay với sản lượng 100 triệu lít/năm; đầu tư Nhà máy Sản xuất bao bì Sabeco tại KCN Bắc Vinh. Ước tính, đóng góp cho ngân sách tỉnh hiện trên 300 tỷ đồng/năm và tạo việc làm ổn định cho hơn 300 lao động tại tỉnh nhà.
Đặc biệt, ông là người có đóng góp lớn trong việc tôn tạo Khu Di tích lịch sử - văn hóa Truông Bồn, và xúc tiến hồ sơ công nhận danh hiệu anh hùng LLVT cho tập thể và cá nhân TNXP đã hy sinh tại đây. Ông cho biết, việc Sabeco đóng góp 1 tỉ đồng để tỉnh Nghệ An xây dựng Di tích lịch sử Truông Bồn chỉ mới là bước đầu. "Tôi sẽ tiếp tục vận động và đóng góp sức mình để Truông Bồn trở thành địa danh du lịch - lịch sử - văn hóa của quốc gia và tỉnh nhà, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ mai sau" - ông nói.
Xuân Lâm
|