(Baonghean.vn) - Sinh ra và sống nơi đất khách quê người, ông Nguyễn Hữu cư, tên Lào là Vi-hản Si-phôm (Vihan Syphom) vẫn luôn giữ gìn tập quán ông cha truyền lại, đó là nấu bánh chưng tết. Năm nào cũng vậy, gia đình ông nấu hàng trăm cái bánh chưng để phục vụ Tết cho gia đình và làm quà cho các bạn Lào.
Sinh ra tại tỉnh Xiêng Khoảng, nay sống ở Thủ đô Viêng Chăn và đã là công dân Lào thực thụ nhưng ông Nguyễn Hữu Cư vẫn luôn giữ truyền thống nấu bánh chưng ngày tết cho gia đình và làm quà tặng các bạn Lào. Tết này, gia đình ông lại quay quần sum họp bên nồi bánh chưng để chờ ngóng giờ vớt bánh. Cuộc sống đối với các gia đình Việt kiều Thủ đô Viêng Chăn như ông được xếp vào loại khá giả, cái ăn không còn là nhu cầu thiết yếu nữa, nhưng việc nấu bánh chưng vẫn là nhu cầu không thể thiếu trong dịp Tết. Đối với ông, việc nấu bánh chưng ngày tết là để con cháu truyền đời không bao giờ quên tập quán ông cha, để con cháu biết rằng trong mình mang dòng máu Việt, dù sống nơi đâu, mang quốc tịch gì thì mình vẫn là con Lạc cháu Hồng.
"Vất vả bên nồi bánh chưng nhưng cũng là thú vui, niềm hạnh phúc đối với những Việt kiều ăn Tết nơi đất khách quê người. Nói chung ngày Tết, ngoài món ăn bình thường thì hàng năm chúng tôi vẫn gói bánh chưng, bánh cổ truyền của dân tộc Việt Nam, không những lớp già như chúng tôi mà để lớp trẻ sau này học theo, giữ được truyền thống dân tộc Việt Nam. Hàng năm tôi gói hàng trăm chiếc, để làm quà cho bạn Lào và mời họ đến ăn Tết nên phải gói nhiều" - ông Nguyễn Hữu Cư tâm sự.
Ông Cư bên nồi bánh chưng.
Nấu bánh chưng ngày Tết còn là dịp họp mặt bạn bè, người thân ôn chuyện năm cũ, bàn nhau cách làm ăn trong năm mới, cùng ôn chuyện đất nước quê hương và hỏi han chuyện gia đình đời sống, chúc nhau sức khỏe. Ngày thường mỗi người mỗi việc bận bịu tất tả, chỉ những ngày này mới danh cho nhau những khoảnh khắc trọn vẹn. Hiện ở Lào có hơn 30 ngàn kiều bào ta sinh sống nhưng đại đa số vẫn sinh hoạt theo tập quán và thói quen Việt.
Ngày Tết, thú nấu bánh chưng được coi là ấn tượng nhất không chỉ đối với cộng đồng người Việt mà còn làm xốn xang tấm lòng bạn bè đất nước Chăm-pa, nơi cưu mang bà con có cuộc sống sung túc ngày hôm nay. Được mời đến dự sum vầy bên nồi bánh chưng Tết Việt, ông Sổm-bun Khuông-sa-vẳn (Somboun Khuoangsavan), người bản Nong-bon Viêng Chăn cho rằng: “Năm nào cũng vậy, tôi thấy bà con người Lào gốc Việt ở đây thường nấu bánh chưng Tết, tôi rất cảm phục, điều đó thể hiện rằng bà con Việt kiều rất yêu quê hương cội nguồn của mình. Nấu bánh chưng rất hay, bên cạnh nồi bánh còn có nhiều sinh họat văn hóa nữa, chuyện không chỉ là cái bánh mà còn là văn hóa Việt Nam đối với người Lào chúng tôi”.
Quốc Khánh
|