(Baonghean.vn) - Là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội VHNT Nghệ An, họa sỹ Trần Hoàng Trung đã được tặng Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam, Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật, Vì sự nghiệp Văn hóa Thể thao; tham gia nhiều triển lãm mỹ thuật từ toàn quốc đến khu vực, chuyên đề và hai lần triển lãm cá nhân. Ông vừa đạt Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Hồ Xuân Hương lần thứ V (2005 - 2010). Chúng tôi tìm gặp, chuyện trò với ông trong căn gác tràn ngập không gian hội họa vào buổi chiều cuối Đông này...
PV: Cơ duyên nào đưa ông đến với hội họa?
Họa sỹ Hoàng Trung: Quê nội tôi ở xứ Huế, quê ngoại ở Quỳnh Đôi - Quỳnh Lưu. Từ bé, trong những dịp sau Tết cổ truyền, tôi lại được cha mẹ cho về thăm quê. Mỗi chuyến đi như vậy, trong tôi lại dẫy lên bao cảm xúc khó tả với hình ảnh đàn trâu ung dung gặm cỏ trên cánh đồng lúa bát ngát, có con thuyền nằm lẻ loi bên bến sông, có người nông dân mải mê cày ruộng... Và tôi nghĩ, mình sẽ ghi lại những hình ảnh ấy không phải bằng lời văn mà từ những sắc màu. Tôi đã bắt đầu vẽ, vẽ những gì tôi nghĩ, tôi thấy, tôi bắt gặp... Cha tôi - một người cũng sống rất lãng mạn, yêu nghệ thuật, khi biết được mơ ước của tôi, ông đã động viên, khuyến khích để tôi có thêm nghị lực bước vào con đường hội họa.
PV: Vậy là xứ Huế và xứ Nghệ đã tạo nên một dòng cảm xúc trong ông, để có những tác phẩm hội họa với nội dung rất giản dị, mộc mạc, gần gũi làm nên một nét riêng Hoàng Trung?
Họa sỹ Hoàng Trung: Đúng vậy, bạn bè trong giới họa sỹ đánh giá rằng: "Không giản dị, không mộc mạc không phải là Hoàng Trung. Tranh của Hoàng Trung ẩn chứa những phát hiện, những đắm đuối và cả những chiêm nghiệm về quê hương xứ Nghệ. Xứ Nghệ trong anh, con người và thiên nhiên, đều đẹp một cách rất riêng có của Trần Hoàng Trung. Những gam màu lạnh nhưng vẫn toát lên sự nồng ấm của người và đất nơi đây".
Tôi nghĩ, mình hãy vẽ những gì đang diễn ra xung quanh mình, hãy nói lên những điều mà mình muốn nói. Trong quãng đời hoạt động nghệ thuật của mình, tôi được may mắn đi rất nhiều nơi. Từ Ngã ba Đồng Lộc, Cầu Phủ, Rú Nài, bến Tam Soa, ngã ba Bãi Vọt - những cái tên đã đi vào sử sách một thời đánh Mỹ hào hùng của dân tộc, tôi đã đến để cổ vũ tinh thần chiến đấu của bộ đội, thanh niên xung phong và đồng bào ta. Và trong không khí sôi sục ấy, những bức tranh cổ động đã ra đời như: "Trên đỉnh Trường Sơn", "Xe chưa qua nhà không tiếc", "Giặc phá ta sửa ta đi, giặc lại phá - ta cứ đi ", "Tất cả cho tiền phương"... Hoà bình lập lại, công chúng hội họa lại biết đến tôi qua nhiều họa phẩm: "Thêm một tầng cao", "Thuyền trên sông Lam", "Bến cá Cửa Lò"... Đây là những tác phẩm đã được công bố trong các triển lãm toàn quốc và khu vực. Phương châm sáng tác của tôi là không cần đi đâu xa, hãy khai thác và thể hiện đề tài nơi mà mình gắn bó cả cuộc đời.
PV: Tốt nghiệp hai trường đại học danh tiếng: Mỹ thuật và Công nghiệp Hà Nội. Tại sao ông không lập nghiệp ở những thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn - nơi có cuộc sống văn nghệ sỹ sôi động hơn mà lại về Nghệ An?
Họa sỹ Hoàng Trung: Đã có rất nhiều người hỏi tôi câu này. Nhưng nếu không có xứ Huế - quê cha và xứ Nghệ - quê mẹ thì sẽ không làm nên một Hoàng Trung hôm nay. Sinh ra ở Huế nhưng lớn lên ở mảnh đất Phủ Quỳ một thời huyền thoại. Dải đất miền Trung khắc nghiệt, quanh năm gió Lào nóng rát, con người miền Trung mạnh mẽ, can trường nhưng nhân hậu, dễ gần...
Tôi yêu mảnh đất này, tôi yêu cuộc sống bình dị nơi đây. Và tôi muốn vẽ nên những tác phẩm lột tả được cuộc sống, sinh hoạt của người dân quê mình. Từ "Đồng vọng", "Xóm Núi", "Ngày đầu tháng", "Rượu và hoa", "Chân dung Mẹ"... là những cảm xúc được bắt nguồn từ đó. Và "Khúc hát đầu nguồn", "Ngày đầu tháng" đã được chọn tham gia Triển lãm tác phẩm Hội hoạ - điêu khắc Việt Nam do Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội, từ ngày 18/8/2011 đến ngày 26/8/2011. Hai tác phẩm này cũng đã được tuyển chọn in vào kỷ yếu triển lãm.
PV: Hơn 40 năm trong nghề, nay đã ở tuổi 67, có cuộc sống ổn định bên vợ và các con; ông vẫn đam mê trăn trở với nghệ thuật của mình?
Họa sỹ Hoàng Trung: Với tôi, nếu một ngày không ngồi vào giá vẽ nghĩa là đã chết: chết ở thể xác và tinh thần. Cuộc sống tươi đẹp biết bao, tại sao mình không "tranh thủ" để sáng tác, cho ra đời những tác phẩm hay. Rồi còn phải "truyền nghề, truyền lửa đam mê hội họa" cho các thế hệ trẻ nữa chứ. Một tuần, tôi dạy ôn luyện đại học cho các cháu vào thứ 7 và Chủ nhật. Những ngày còn lại, tôi tập trung vào sáng tác. Lúc trẻ sức khỏe hơn, đi nhiều hơn, nay tuổi cao, tôi có thời gian ngồi lại để chiêm nghiệm. Sắp tới tôi có dự định trưng bày một triển lãm cá nhân mang tên "Hoàng Trung với xứ Nghệ" trên đất Thăng Long, hy vọng công chúng sẽ có dịp biết và hiểu rõ hơn con đường sáng tạo nghệ thuật dài hơn 40 năm qua của mình. Đó là con đường vất vả tìm kiếm và tôn vinh vẻ đẹp con người, thiên nhiên của giải đất miền Trung yêu thương!
PV: Xin cảm ơn và chúc ông thành công!
Thanh Thuỷ (thực hiện)
|